Cải cách thể chế mở đường cho kinh tế tư nhân phát triển

Hoàn thiện pháp luật và cải cách thể chế đang trở thành "bệ đỡ" then chốt giúp doanh nghiệp bứt phá trong kỷ nguyên mới, mở ra cơ hội phát triển bền vững cho kinh tế tư nhân.
Hoàn thiện hệ thống pháp luật là động lực giúp doanh nghiệp, doanh nhân bứt phá trong kỷ nguyên mới. Ảnh: Anh Tuấn

Thể chế tốt chính là “bệ đỡ” cho sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân

Ông Trần Thanh Phương - Giám đốc Công ty TNHH ExtendMax Việt Nam - nhận định việc hoàn thiện thể chế, hệ thống pháp luật và cải cách điều kiện kinh doanh những năm qua đã trở thành trọng tâm nhằm cải thiện môi trường đầu tư tại Việt Nam.

Trong lĩnh vực công nghệ thông tin, ông đánh giá cao các bước tiến về cải cách tiêu chuẩn kỹ thuật, đặc biệt giai đoạn 2023-2024. Theo ông, điểm sáng là việc kéo dài thời gian chuyển tiếp giữa ban hành và áp dụng quy chuẩn kỹ thuật, giúp doanh nghiệp có thêm thời gian thích ứng.

Báo cáo của Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam - VCCI, năm vừa qua, Quốc hội ban hành 31 luật, Chính phủ ban hành 182 nghị định và các bộ ban hành 629 thông tư cho thấy cường độ lập pháp tăng mạnh mẽ so với năm trước. Tuy nhiên, việc số lượng tăng không đồng nghĩa với chất lượng.

Trao đổi với Lao Động, ông Phạm Văn Hùng (Ban Pháp chế, VCCI) cho rằng, việc hoàn thiện thể chế, hệ thống pháp luật được coi là công cụ vô cùng quan trọng, có tác động toàn diện để thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp nói riêng và sự thịnh vượng của đất nước nói chung. Một hệ thống pháp luật đồng bộ, minh bạch, ổn định sẽ tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh, là vốn mồi thu hút doanh nhân yên tâm bỏ vốn đầu tư kinh doanh, mở rộng sản xuất, từ đó nâng đỡ cho sự vươn mình của các doanh nghiệp.

Hoàn thiện thể chế không chỉ dừng lại ở việc cắt giảm điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính, mà còn phải đảm bảo môi trường pháp lý công bằng, bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, bảo vệ quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh chính đáng của doanh nghiệp. Đồng thời, cần có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn lực phát triển như vốn, đất đai, lao động chất lượng cao, công nghệ và thông tin thị trường.

"Có thể nói, thể chế tốt chính là “bệ đỡ” và cũng là “cú hích” quan trọng với sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân, từ đó đóng góp vào sự phát triển bền vững của nền kinh tế đất nước” - ông Hùng nói.

Kỳ vọng sẽ có những cơ chế, chính sách mang tính chất đột phá

TS Nguyễn Quốc Việt - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách, Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội - cho rằng, công cuộc hoàn thiện thể chế, cải thiện chất lượng văn bản quy định pháp luật sẽ giúp các doanh nghiệp cảm thấy tự tin hơn khi họ mở rộng hoạt động đầu tư kinh doanh. Số lượng doanh nghiệp quay trở lại thị trường đã tăng lên một cách đáng kể, trung bình mỗi tháng có hơn 20.000 doanh nghiệp được thành lập mới hoặc là quay lại thị trường.

Khi các thủ tục giảm đi, quy chuẩn quản lý sát với điều kiện thực tế, đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế, doanh nghiệp sẽ có nhiều nguồn lực trong mô hình tăng trưởng mới, bởi muốn tăng trưởng, phải nói đến vai trò của doanh nghiệp và người lao động.

"Việt Nam đang hoàn thiện các thể chế, chính sách và tôi kỳ vọng chúng ta sẽ có những cơ chế, chính sách mang tính chất đột phá hay gọi là Sandbox để thử nghiệm các mô hình mới đó trên thực tiễn. Qua thử nghiệm, chúng ta rút ra kinh nghiệm và hoàn thiện thể chế để có thể áp dụng đại trà trong một tương lai gần" - ông Việt đánh giá.

Theo Tạp chí Công Thương

Video