Bình Phước – Phát huy cao độ hiệu quả đầu tư

Bằng những hoạt động chuyên sâu và giải pháp linh hoạt trong chiến lược thu hút đầu tư, tỉnh Bình Phước chứng minh sức hút và tiềm năng khi liên tục đổi mới và chủ động tiếp cận các thị trường trọng điểm, ghi dấu thêm vào thành tựu 25 năm tái lập, phát triển và hội nhập.

Mở rộng hoạt động xúc tiến

Từ đầu năm đến nay, khi tình hình dịch bệnh COVID-19 đã được kiểm soát, tỉnh Bình Phước ngay lập tức cho triển khai nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư, mở rộng cơ hội đối thoại và đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư tiềm năng trong nước lẫn nước ngoài. Nhiều cuộc gặp gỡ, hội thảo xúc tiến đầu tư trực tuyến với đối tác Hoa Kỳ, Đài Loan, Thái Lan… liên tục ghi nhận những phản hồi tích cực. Các nhà đầu tư quốc tế cực kỳ ấn tượng về mức độ chuyên nghiệp, sự cởi mở và tinh thần hợp tác mà các cấp lãnh đạo địa phương đã tạo nên.

Khẳng định quyết tâm mở rộng hợp tác, thu hút đầu tư, Bình Phước cam kết đồng hành với nhà đầu tư bằng nền tảng “4 tốt” là: hạ tầng tốt, nhân lực tốt, chính sách tốt và dịch vụ công tốt. Tính đến nay, toàn tỉnh đã thu hút 350 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư 3 tỷ 346 triệu USD từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Một số dự án lớn có thể kể đến như dự án nhà máy sản xuất tã trẻ em lớn thứ 5 thế giới của công ty TNHH Hayat Kimya Việt Nam (Thổ Nhĩ Kỳ) với tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 là 100 triệu USD, chuỗi nhà máy sản xuất thực phẩm CPV Food của Tập đoàn CP có tổng mức đầu tư lên đến gần 200 triệu USD… Các hoạt động xúc tiến này đã góp phần lan tỏa, quảng bá hình ảnh, nhu cầu hợp tác, thu hút các nhà đầu tư tiềm năng, các tổ chức hợp tác với tỉnh trong thời gian tới.

Gia tăng sức hút cho công nghiệp

Hiện Bình Phước 13 khu công nghiệp (KCN) với tổng diện tích 4.686 ha (diện tích chuyển tiếp trong giai đoạn tới là 1.375 ha); trong đó có 12 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động, thu hút 377 dự án. Tỉnh đã thành lập 9 cụm công nghiệp (CCN) với diện tích 453,96 ha, phấn đấu đến năm 2025 phát triển từ 1 đến 3 cụm công nghiệp ở mỗi địa phương cấp huyện.

Bình Phước phấn đấu đạt mục tiêu giai đoạn 2022-2025 sẽ xuất đầu tư cho các KCN, khu kinh tế, CCN đạt từ 3 – 3,5 triệu USD/ha, tỷ lệ lấp đầu của KCN từ 60 - 70 % và định hướng đến năm 2030 xuất đầu tư cho các KCN, khu kinh tế, CCN đạt từ 3,5 – 4 triệu USD/ha, tỷ lệ lấp đầu của KCN từ 80 - 90%. Việc quy hoạch phải đảm bảo đồng bộ và có đầy đủ các tiện ích liên quan nhất là các tiện ích phục vụ cho lực lượng lao động và các yếu tố thân thiện với môi trường.

Cùng các tiềm năng, lợi thế riêng, Bình Phước không chỉ thể hiện mong muốn thúc đẩy hợp tác mà còn có sự phân tích kỹ càng để khai thác có hiệu quả mối quan hệ với các đối tác chiến lược, chú trọng vận động và thu hút đầu tư từ các tập đoàn lớn và doanh nghiệp tại các nước phát triển. Mỗi đối tác, mỗi nhà đầu tư, tỉnh sẽ có những giải pháp và chiến lược cụ thể để tạo nên giá trị nhất định cũng như định vị được các lĩnh vực ngành nghề phụ hợp. Qua kinh nghiệm xúc tiến đầu tư cho thấy với Thái Lan, lĩnh vực đầu tư chủ yếu là chăn nuôi, chế biến sản phẩm từ thịt gia súc, gia cầm; sản xuất thức ăn chăn nuôi. Với các nhà đầu tư, doanh nghiệp Hoa Kỳ, tỉnh đề cao các dự án liên quan đến lĩnh vực như công nghiệp kỹ thuật cao, cơ điện tử, công nghiệp chế biến nông sản, công nghiệp phụ trợ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao... Cơ hội thu hút vốn đầu tư còn rất lớn nhưng cần chú chú ý đến những yêu cầu cũng như thế mạnh của nhà đầu tư trong quá trình triển khai dự án tại địa phương.

Ráo riết triển khai hạ tầng

Đầu tư hoàn thiện hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Thủ tướng Phạm Minh Chính đặt ra khi có cơ hội đến thăm và đánh giá tổng thể về cơ hội phát triển của tỉnh Bình Phước. Tỉnh là địa bàn chiến lược quan trọng, kết nối giữa các tỉnh Tây Nguyên với Thành phố Hồ Chí Minh, vùng Đông Nam Bộ; có 260 km đường biên giới với Vương quốc Campuchia. Việc tập trung ưu tiên nguồn lực cho các tuyến cao tốc sẽ góp phần thúc đẩy kết nối liên vùng, tháo gỡ điểm nghẽn lớn nhất của Bình Phước là hạ tầng giao thông.

Bình Phước hiện đang gấp rút triển khai các giải pháp mang tinh chiến lược để giải phóng mặt bằng, đẩy mạnh hợp tác công tư, lấy nguồn vốn nhà nước để dẫn dắt và kích hoạt các nguồn vốn khác, huy động mạnh mẽ các nguồn lực xã hội. Trong đó, điển hình như cao tốc TP.HCM - Chơn Thành - Ðắk Nông với tổng mức đầu tư khoảng 24.275 tỷ đồng; tuyến Ðồng Phú - Bình Dương với tổng vốn đầu tư 2.253 tỷ đồng; dự án đường sắt Dĩ An - Hoa Lư với tổng vốn đầu tư 948,6 triệu USD; quốc lộ 14 C kết nối Ðắk Nông với Bình Phước, Tây Ninh, Long An với tổng kinh phí đề xuất nâng cấp là 280 tỷ đồng. Đặc biệt, tỉnh sẽ nhanh chóng thống nhất phương án đầu tư nâng cấp tuyến đường ĐT.753 giúp kết nối Bình Phước với sân bay Long Thành và cầu Mã Đà có chiều dài 30 km, quy mô cấp III, tổng mức đầu tư là 655 tỷ đồng. Song song với đó là phát triển hệ thống bến bãi, cảng cạn, cầu vượt… nhằm tạo lợi thế cho xuất, nhập khẩu hàng hóa trong vùng và các nước trong khu vực.

Hoạch định những mục tiêu và nhiệm vụ cụ thể, Bình Phước đã và đang dồn hết quyết tâm và nỗ lực để tạo ra những chuyển biến lớn trong cải thiện môi trường đầu tư, đảm bảo thông thoáng, minh bạch; rà soát, hoàn thiện các cơ chế chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất kinh doanh.

Tú Sương

Nhiều chỉ số kinh tế tăng trưởng tích cực

Nhiều chỉ số kinh tế trong 2 tháng đầu năm 2025 tăng trưởng tích cực nhưng so với kịch bản để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 8% trong năm 2025 thì chưa đạt như kỳ vọng.

Video