"Chen chân" vào thị trường bán lẻ "Đại gia đồ lót" Việt có đủ sức?
Với quy mô 118 tỷ USD (2016) và dự báo sẽ tăng lên 180 tỷ USD vào năm 2020, Việt Nam được đánh giá là một trong 30 thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới. Điều này lý giải vì sao hàng loạt "đại gia" trong và ngoài nước đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực này. Trong đó có "đại gia đồ lót" Sơn Kim với việc mở chuỗi cửa hàng tiện lợi để "đấu" với 7-Eleven, Vinmart, Circle k,...
Theo hãng tin Yonhap, nhà điều hành chuỗi cửa hàng tiện lợi lớn của Hàn Quốc, Công ty bán lẻ GS Retail, vừa cho biết đã ký một hợp đồng với doanh nghiệp Việt Nam, Sơn Kim Group, để thành lập liên doanh với kế hoạch mở cửa hàng GS25 đầu tiên ở thị trường trong nước trong năm nay và đặt mục tiêu mở hơn 2.500 cửa hàng trong vòng 10 năm tới.
“Chúng tôi đã nhận được lời mời từ nhiều quốc gia, bao gồm cả Trung Quốc và các nước Đông Nam Á để nhượng quyền thương hiệu. Sau nhiều tháng nghiên cứu, chúng tôi kết luận Việt Nam có tiềm năng tăng trưởng lớn nhất”, một đại diện của GS Retail cho biết.
Theo thỏa thuận, GS Retail sẽ cung cấp cho liên doanh các quyền sử dụng nhãn hiệu và các kinh nghiệm quản lý và vận hành chuỗi cửa hàng tiện lợi. Đổi lại, liên doanh GS-Sơn Kim sẽ trả tiền bản quyền và lợi tức bán lẻ cho GS Retail phần lợi tức tương ứng với số cổ phần 30%.
Hiện thị trường cửa hàng tiện lợi tại Hàn Quốc đã bão hòa với rất nhiều sự lựa chọn cho khách hàng đã khiến Chuỗi cửa hàng tiện lợi GS25 thuộc GS Retail - Tập đoàn GS Group phải chinh phục thị trường nước ngoài. Trong đó Việt Nam là điểm đến đầu tiên.
Theo kế hoạch của nhà bán lẻ này, TPHCM sẽ là thị trường đầu tiên ở Việt Nam để liên doanh mở của hàng GS25.
Liệu Sơn Kim có "cơ hội"?
Theo số liệu gần đây nhất về thị trường bán lẻ Việt Nam, tổng doanh thu cả thị trường vào năm 2016 đạt mức 118 tỷ USD, tăng 10,2% so với năm 2015.
Tham gia vào bán lẻ từ lâu nhưng cửa hàng tiện lợi là bước đi mới của Sơn Kim trong bối cảnh Việt Nam đang được đánh giá là có nhân khẩu học rất phù hợp cho thị trường cửa hàng tiện lợi. 57% dân số là những người dưới 35 tuổi. Riêng những người ở độ tuổi 20 đến 30 đã chiếm 34,6% trong cơ cấu dân số. Tỷ lệ dân số trẻ và doanh thu bán lẻ đầy hấp dẫn của Việt Nam đã khiến rất nhiều chuỗi cửa hàng tiện lợi “tấn công” vào quốc gia này.
Công ty tư vấn A.T. Kearney tại Mỹ hiện xếp Việt Nam đứng thứ 6 trên toàn thế giới về chỉ số phát triển thị trường bán lẻ, tăng 5 bậc so với năm ngoái. Báo cáo còn khẳng định rằng cửa hàng tiện lợi và siêu thị mini tại Việt Nam là 2 mảng đang phát triển rất “nóng”.
Dù được đánh giá là tiềm năng nhưng thị trường bán lẻ theo mô hình kinh doanh cửa hàng tiện lợi ở Việt Nam lại bị cạnh tranh khá gắt gao bởi đã và đang thu hút được những thương hiệu mạnh của thế giới như Vinmart+, Circle K, Family Mart, B's Mart, Ministop, Shop & Go,... Đó là chưa kể các siêu thị mini, cũng được xem là đang cạnh tranh không nhỏ với cửa hàng tiện lợi như Co.op Food, Satra Foods, Hapro food, Bách Hóa Xanh… Bên cạnh đó, kinh doanh lĩnh vực này đòi hỏi phải có kinh nghiệm cũng như trường vốn, vì để thành công đòi hỏi mỗi chuỗi kinh doanh phải phát triển hàng trăm đến hàng ngàn cửa hàng.
Tuy nhiên, các chuyên gia trong ngành đánh giá GS Retail và Sơn Kim Group có thế mạnh trong ngành bán lẻ và kể cả về tài chính. Vì GS Retail đã và đang dẫn đầu trong ngành phân phối của Hàn Quốc với các thương hiệu bao gồm GS25 (chuỗi cửa hàng tiện lợi), siêu thị GS (thực phẩm tươi sống), Watsons (về sức khoẻ và sắc đẹp) và Parnas Hotel...
Trong khi đó, Sơn Kim Group dù không gây tiếng vang về mặt truyền thông như những tên tuổi lớn khác trong nước nhưng được giới doanh nhân đánh giá là một tập đoàn lớn hoạt động trong 3 lĩnh vực chính là bán lẻ, phát triển bất động sản cao cấp và truyền thông.
Theo tờ Pulsenews (Hàn Quốc), Sơn Kim đang nắm trong tay chuỗi bán lẻ đồ lót lớn nhất Việt Nam. Sơn Kim sở hữu các thương hiệu đồ lót như Vera, Wow, J.Buss, Buss Figo và giữ nhượng quyền toàn phần thương hiệu Jockey tại Việt Nam… với tổng cộng hàng trăm cửa hàng bán lẻ.
Riêng lĩnh vực bán lẻ, ngoài việc phát triển, sản xuất, nhượng quyền đồ nội y, kinh doanh đồ gỗ nội thất, Sơn Kim Group còn là đối tác của GS Shop (công ty mua sắm tại nhà đứng đầu Hàn Quốc trực thuộc Tập đoàn GS) trong liên doanh sở hữu kênh mua sắm tại nhà thương hiệu VGS Shop, đang được phát sóng trên 4 mạng cáp HTVC, VTC, HCTV, IPTV và một số mạng cáp tỉnh.
Thị trường bán lẻ Việt đang được ví von như “cục nam châm” hấp lực nhà đầu tư ngoại. Nhưng thực tế, miếng ngon này không dễ ăn khi một loạt "đại gia" tên tuổi của thế giới đã phải rút lui.
Theo ông Robert Trần, chuyên gia tư vấn chiến lược muốn đầu tư vào cửa hàng tiện lợi, nhà đầu tư phải có trường vốn tốt, cực kỳ tốt mới dám đầu tư. Mở cửa hàng ồ ạt không có nghĩa là có lãi ngay mà các nhà đầu tư có tầm nhìn dài hạn. Trong tương lai gần, cạnh tranh của thị trường bán lẻ, kênh cửa hàng tiện lợi sẽ có nhiều cạnh tranh lớn, nếu không chọn sự khác biệt, rất khó thành công.
Có thể nói, đây là một bài toán rất lớn đối với "tân binh" như Sơn Kim?