Xây dựng 20 dự án điện mặt trời trong 2 năm: Thành Thành Công quá tham vọng

Trước khi nghĩ tới việc thu lợi từ 20 dự án điện mặt trời, Tập đoàn Thành Thành Công (TCC) sẽ phải giải những bài toán về huy động vốn, tìm kiếm địa điểm và giải phóng mặt bằng vốn đã làm nản lòng không biết bao nhà đầu tư từ trước đến nay.

Cuối cùng thì tháng Tư vừa qua, sau nhiều năm thử thách lòng kiên nhẫn của các nhà đầu tư, Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định 11 về cơ chế ưu đãi dành cho các dự án điện mặt trời. Điểm mấu chốt của quyết định này ở chỗ mức giá bán điện mặt trời vào hệ thống lưới điện quốc gia sẽ là 2.086 đồng/ kwh, tương đương 9,35 cent/kwh.
[caption id="attachment_61741" align="aligncenter" width="600"] Tại Hội nghị khách hàng ngành năng lượng của TCC tổ chức ngày 30/6/2017, tập đoàn này cho biết sẽ sử dụng số vốn 1 tỷ USD để xây dựng 20 dự án điện mặt trời, với tổng công suất lên tới 1.000 MW.[/caption]

Nhanh chân đón đầu

Chưa biết mức giá trên có hấp dẫn đến đâu, nhưng chỉ hơn một tháng sau khi Quyết định của Chính phủ được ban hành, TCC – tập đoàn vốn nổi danh hơn trong lĩnh vực sản xuất đường – đã bạo tay tuyên bố sẽ chi 1 tỷ USD vào lĩnh vực điện mặt trời trong vòng 2 năm tới.

Tại Hội nghị khách hàng ngành năng lượng của TCC, được tổ chức ngày 30/6 vừa qua, tập đoàn này cho biết sẽ sử dụng số vốn này để xây dựng tới 20 dự án điện mặt trời, với tổng công suất lên tới 1.000 MW. Tổng công suất điện mặt trời dự kiến của riêng TCC trong hai năm tới cao gấp gần 1.000 lần tổng công suất điện mặt trời cả nước năm 2015 (6-7 MW), và cao hơn cả mức 850 MW mà Chính phủ dự kiến sẽ đạt được vào năm 2020 trong quy hoạch điện VII được sửa đổi.

Tất nhiên, quy hoạch điện VII của Chính phủ khi sửa đổi lại đã có tính tới tiến độ hoàn thành của hàng chục dự án điện mặt trời đang xếp hàng từ nhiều năm trước, không có TCC, với tổng công suất đăng ký cộng lại có thể đã hơn 1.000 MW.

Do Việt Nam là một quốc gia nằm trong vùng nhiệt đới, nên trong nhiều năm qua cũng đã có hàng chục nhà đầu tư trong và ngoài nước bày tỏ ý định đầu tư vào các dự án điện mặt trời. Dù vậy, hầu hết các dự án đó mới dừng ở mức khảo sát và chờ đợi một cơ chế ưu đãi của Chính phủ. Với TCC, kế hoạch kiếm lời từ ánh dương vừa được công bố có thể cho thấy tập đoàn này đã rất thức thời, nhanh chân đón lấy cơ hội bằng một kế hoạch “tỷ đô”.

Ông Thái Văn Chuyện, Tổng giám đốc TTC, tiết lộ tập đoàn này đã chọn được một số vị trí phát triển các dự án như tại Thành Long với diện tích 37 ha, Tân Hưng với 68 ha, và Tân Phú với 75 ha. Suất đầu tư tối đa ước khoảng 20 tỷ đồng/MW, tỷ lệ hoàn vốn nội bộ (IRR) của các dự án sẽ đạt từ 15% trở lên và thời gian hoàn vốn dưới 12 năm.

“Giá đầu vào của Chính phủ là 9,35 cent, có thể áp dụng trong 20 năm, nguồn thu của dự án là chúng ta có thể kiểm soát được,” ông Chuyện nói và cho biết TCC đã chuẩn bị sẵn 300 triệu USD để đầu tư vào kế hoạch trên. Số tiền còn lại, chiếm 70% sẽ được huy động từ các ngân hàng, các tổ chức tài chính...

Mới ở mức... mong muốn

Ông Chuyện đã ví von nếu 20 nhà máy điện thành công sẽ là 20 cỗ máy in tiền cho TCC trong 20 năm tới. Đúng là ở một quốc gia vẫn đang đối mặt với nguy cơ thiếu điện như Việt Nam, hướng đi của TCC được cho là nhanh nhạy. Nhưng liệu TCC có quá ảo vọng khi lên một kế hoạch lớn là hoàn tất việc đầu tư 20 dự án chỉ trong hai năm tới. Có thể hiểu được vì sao TCC lại đưa ra mốc thời gian đó, vì Quyết định 11 của Chính phủ, gồm mức giá 9,35 cent/kwh chỉ có hiệu lực đến 30/6/2019.

Nhưng để tiến hành xây dựng được các dự án, TCC sẽ còn rất nhiều việc phải làm. Trước tiên, sẽ là quá trình huy động vốn. Như ông Chuyện cho biết, TCC sẽ phải huy động thêm 700 triệu USD nữa từ các ngân hàng, tổ chức tài chính và nhà đầu tư.

Cho tới hiện tại, công việc này mới đang ở mức bắt đầu đàm phán, tiềm kiếm đối tác. Đối với các ngân hàng, các tổ chức tài chính và nhà đầu tư, khi quyết định tài trợ vốn cho TCC, điều đầu tiên được xét tới tính khả thi của dự án. Với mức giá bán cho EVN theo quy định của Chính phủ là 9,35 cent được cho là chấp nhận được, nhưng chưa phải là hấp dẫn. Báo cáo về thị trường năng lượng của Tiểu nhóm công tác điện và năng lượng, thuộc Diễn đàn DN Việt Nam, mức giá tốt để phát triển điện mặt trời cần ở mức 15 cent/kwh.

PGS TS Đặng Đình Thống, chuyên gia cao cấp về năng lượng tái tạo, Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam, cũng cho rằng mức giá 9,35 cent/kwh cũng chỉ là ở mức trung bình. Hơn nữa, cho tới nay, TCC vẫn chưa tiết lộ khả năng huy động 70% vốn đầu tư còn lại sẽ được thực hiện như thế nào khi thời gian không còn nhiều. Một rào cản nữa mà TCC sẽ phải vượt qua là quỹ đất để xây dựng các dự án. Điện mặt trời vẫn nổi tiếng là chiếm nhiều quỹ đất để lắp đặt những tấm pin lớn. Và ở Việt Nam, xin quỹ đất, hoàn thiện thủ tục xây dựng và giải phóng mặt bằng luôn là một trong những công đoạn khiến nhiều nhà đầu tư nản lòng nhất, đôi khi kéo dài tới nhiều năm.

Ông Chuyện cho biết việc xây dựng các dự án điện mặt trời không tốn nhiều thời gian, chỉ kéo dài khoảng từ 6-8 tháng. Như vậy, để kịp đưa 20 dự án vào hoạt động đúng thời hạn 2 năm, TCC sẽ phải hoàn tất mọi công đoạn về huy động 700 triệu USD, xin quỹ đất, giải phóng mặt bằng chỉ trong vòng khoảng 15 tháng. Nếu tất cả đúng như kế hoạch đề ra, TCC sẽ là một nhà đầu tư tài ba khi lập kỷ lục về đầu tư trong lĩnh vực năng lượng tái tạo ở Việt Nam, trong bối cảnh hàng loạt các dự án điện mặt trời và điện gió khác phải mất tới nhiều năm mới hoàn thành.

PGS TS Đặng Đình Thống nhận định: “Để phát triển điện mặt trời nói riêng, năng lượng tái tạo nói chung thành công, rất cần sự minh bạch, nhất quán trong quá trình triển khai thực hiện chính sách. Ngoài ra, thủ tục hành chính đối với các dự án vẫn còn rườm rà. Điều này đã gây khó khăn cho DN và các nhà đầu tư, đặc biệt đối với các nhà đầu tư nước ngoài”.

Tags:

Nhiều chỉ số kinh tế tăng trưởng tích cực

Nhiều chỉ số kinh tế trong 2 tháng đầu năm 2025 tăng trưởng tích cực nhưng so với kịch bản để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 8% trong năm 2025 thì chưa đạt như kỳ vọng.

Video