Tiếp tục xuất nhập khẩu hàng hóa qua biên giới Việt - Trung
Chiều 5/2, Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về hoạt động xuất nhập khẩu, vận chuyển hàng hóa qua biên giới.
Theo đó, để đảm bảo hoạt động xuất, nhập khẩu, vận chuyển hàng hóa qua biên giới được diễn ra bình thường, đồng thời đáp ứng yêu cầu của công tác phòng, chống dịch bệnh viên đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (nCoV) gây ra, Thủ tướng chỉ đạo việc xuất nhập khẩu, vận chuyển hàng hóa qua biên giới tiếp tục thực hiện theo quy định; bảo đảm công tác phòng chống dịch, không làm gián đoạn, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Thủ tướng yêu cầu những người điều khiển phương tiện vận chuyển chuyên chở hàng hóa (không có hành khách) qua biên giới, tổ bay, thủy thủ đoàn từ vùng dịch được xuất nhập cảnh qua biên giới (gồm cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu quốc gia đường bộ, đường biển, đường sắt, đường hàng không), nhưng phải được áp dụng các biện pháp phòng chống dịch, quản lý, giám sát y tế chặt chẽ, nghiêm ngặt; chỉ được đi đến điểm giao nhận hàng hóa, điểm cách ly tại khu vực cửa khẩu, không được phép đi sâu vào trong nội địa; bảo đảm loại trừ hoàn toàn các rủi ro có thể lây nhiễm bệnh.
Thủ tướng giao các Bộ: Công Thương, Y tế, Ngoại giao, Công An, Quốc phòng, Giao thông Vận tải, Tài chính cùng Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố Trực thuộc Trung ương hướng dẫn, chỉ đạo triển khai cụ thể.
Chiều 5/2, tại buổi gặp mặt báo chí cung cấp thông tin toàn cảnh về dịch nCoV, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc đóng cửa biên giới với Trung Quốc đã gây ra tình trạng ùn ứ các xe chở nông sản tại cửa khẩu, Thứ trưởng Bộ Y tế, Phó trưởng ban Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Thanh Long khẳng định, chưa bao giờ dùng từ "đóng cửa biên giới" mà chỉ dùng các biện pháp ngăn chặn, kiểm soát, cách ly những người từ vùng có dịch về, đồng thời vẫn tạo điều kiện cho hàng hóa lưu thông.
Ông Nguyễn Thanh Long cũng cho biết, với chỉ đạo nêu trên của Thủ tướng, các xe chở nông sản, đặc biệt là các container thanh long đang ùn ứ ở cửa khẩu sẽ vẫn xuất khẩu đi như bình thường.
Trước đó, ngày 31/1 tại cuộc họp khẩn để đánh giá tác động từ dịch bệnh nCoV tới nền kinh tế nói chung cũng như các hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu thuộc Bộ Công Thương nói riêng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, theo đánh giá của bộ, dịch nCoV sẽ gây ảnh hưởng trong ngắn hạn và dài hạn đến hợp tác thương mại, kinh tế giữa Việt Nam - Trung Quốc ở 3 phương diện.
Thứ nhất, xuất khẩu các sản phẩm nông, thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc; thứ hai là giao lưu, trao đổi và giao dịch giữa doanh nghiệp hai nước; thứ ba là tiến trình thúc đẩy đàm phán mở cửa thị trường và tháo gỡ khó khăn đối với một số sản phẩm có thế mạnh của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Bộ trưởng cũng yêu cầu Cục Xuất nhập khẩu theo dõi sát tình hình, diễn biến tại các cửa khẩu, thông báo kịp thời cho các doanh nghiệp, hiệp hội để có phương án thích hợp trong trường hợp hoạt động xuất nhập khẩu với Trung Quốc bị hạn chế hoặc tạm dừng để thực hiện các biện pháp chống dịch.
Ngày 4/2, trước tình trạng tiêu thụ nông sản khó khăn, Bộ Công Thương đã đưa ra nhiều kiến nghị đến các bộ, ngành địa phương nhằm giải quyết tình trạng này.
Trong đó, bộ đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp nhu cầu của ngành nông nghiệp, trình Chính phủ có các biện pháp hỗ trợ tương tự để giúp đỡ bà con nông dân vượt qua giai đoạn khó khăn này, nhất là với trái cây, vốn có thời gian bảo quản rất ngắn.
Bên cạnh đó, đề nghị Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính cùng vào cuộc, rà soát các loại thuế, phí, nhất là phí vận chuyển đường bộ, thuế với nhiên liệu bay… để xem xét giảm thuế, phí cho hàng hóa lưu thông trong giai đoạn hiện nay, góp phần hỗ trợ cho bà con nông dân.
Bộ Công Thương cũng khuyến nghị tăng cường tiêu thụ nội địa thông qua việc động viên và tổ chức kết nối chuỗi phân phối trong nước với các vựa trái cây lớn như Bình Thuận, Long An. Kêu gọi người dân chung tay ủng hộ nông dân trong nước.
Hướng dẫn và động viên các chủ hàng chuyển sang xuất khẩu theo đường chính ngạch các lô hàng có đủ điều kiện; khuyến nghị người bán đóng bao bì, gắn nhãn, gắn tem truy xuất nguồn gốc để tạo thuận lợi cho việc chuyển sang xuất khẩu theo đường chính thức.
Với các lô hàng không đủ điều kiện chuyển sang xuất khẩu theo đường chính thức thì ưu tiên giải phóng hàng khi chợ biên giới được mở lại. Khuyến nghị các tỉnh biên giới bố trí diện tích bảo quản và cung cấp đủ điện cho các container lạnh.