Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc, gỡ khó cho TPHCM về giải ngân vốn đầu tư công
Cùng dự có Bộ trưởng và Thứ trưởng các Bộ: Xây dựng, KH-CN, Y tế, GTVT. Về phía TPHCM có các đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM và đại diện các sở ban ngành.

Thủ tướng Chính phủ: “Đã bàn, đã nói là phải làm”
Phát biểu định hướng nội dung tại buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ vui mừng và tự hào trước sự phát triển kinh tế - xã hội của TPHCM sau đại dịch Covid-19.
Theo Thủ tướng, dù bị bào mòn sức lực trong đại dịch, nhưng TPHCM đã phục hồi mạnh mẽ với thành tích đáng ngạc nhiên. GRDP đã tăng hơn 9%, trong khi năm ngoái là -6,79%. Chỉ số phát triển công nghiệp tăng tới 17,3%. Thu ngân sách đến nay đạt 1/3 tổng thu ngân sách cả nước. Trong 11 tháng đầu năm, TPHCM đã đóng góp thành quả quan trọng vào thành quả chung cả nước, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.
Với những kết quả đó, Thủ tướng nhấn mạnh, TPHCM tiếp tục khẳng định vai trò đầu tàu kinh tế cả nước, là động lực phát triển của đất nước, truyền cảm hứng cho sự phát triển chung. Do vậy, Chính phủ xét thấy cần thiết phải làm việc với TPHCM để ghi nhận, đánh giá cao sự cố gắng của Đảng bộ, Chính quyền, doanh nghiệp, nhân dân TPHCM. Mặt khác, tình hình cũng đang khó khăn liên quan đến bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán… hiện đang có những tác động, có thể có rủi ro.

Theo Thủ tướng, có rất nhiều việc để làm, nhưng đoàn công tác chọn một vài việc làm trước, cụ thể là giải ngân đầu tư công. Đây là một trong những điểm yếu trong nhiều năm. Tổng số vốn đầu tư công chiếm tỷ lệ rất lớn của cả nước, thì việc tháo gỡ, giải quyết cho TPHCM sẽ có tác động tích cực đến kinh tế xã hội của TPHCM nói riêng và cả nước nói chung.
Thủ tướng lưu ý, trong cách làm việc cần chọn một vài việc để thực hiện, tạo động lực, cảm hứng để tiếp tục giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc khác. “Đã bàn, đã nói là làm, đã cam kết đã hứa là phải thực hiện, đã thực hiện phải có hiệu quả, mang lại thu nhập cho người dân, thuận lợi cho doanh nghiệp”, Thủ tướng yêu cầu.

Giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 dự kiến đạt 86%
Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi thông tin, dù gặp nhiều biến động, khó khăn, thách thức hơn so với thời điểm xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội thành phố năm 2022, nhưng việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố đạt nhiều kết quả tích cực.
Đặc biệt, kinh tế tăng trưởng khá cao, hơn 9% so với cùng kỳ và vượt kế hoạch đề ra (kế hoạch năm 2022 là 6 - 6,5%), chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 17,3% so với cùng kỳ. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 49,5 tỷ USD, tăng 10,3% so với cùng kỳ. Tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 66,2 tỷ USD, tăng 10% so cùng kỳ. Thu ngân sách ước đạt 457.500 tỷ đồng, đạt 118,35% dự toán được giao và tăng 17,05% so với cùng kỳ.
Việc thực hiện chủ đề năm 2022 đạt nhiều kết quả theo kế hoạch, môi trường đầu tư kinh doanh có nhiều chuyển biến tích cực thúc đẩy phát triển các ngành; tình hình quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội tiếp tục được giữ vững.
Đến nay, dự kiến có 15/19 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu năm 2022 cơ bản đạt và vượt kế hoạch; có 2/19 chỉ tiêu dự kiến không đạt, có 2/19 chỉ tiêu chưa đủ cơ sở tính toán và đánh giá.

Theo Chủ tịch UBND TPHCM, dù tình hình phát triển kinh tế - xã hội TPHCM đạt được những kết quả tích cực, nhưng vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Trong đó, tình hình tài chính, tiền tệ, chứng khoán, bất động sản gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến tâm lý chung thị trường, của doanh nghiệp, nhân dân, dự báo có thể kéo dài. Tình trạng khan hiếm xăng, dầu cục bộ trên địa bàn thành phố còn diễn biến phức tạp.
Công tác phối hợp giữa các sở, ban, ngành trong việc giải quyết khó khăn, vướng mắc mặc dù được cải thiện nhưng còn chậm, nhất là trong việc trao đổi, xin ý kiến chuyên môn, hướng dẫn về lĩnh vực quản lý chuyên ngành.
Việc triển khai lập quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch chung TPHCM còn chậm, chưa đạt tiến độ theo yêu cầu.
Ngoài ra, trong thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp thiếu đơn hàng, sản xuất cầm chừng hoặc giảm việc dẫn đến nhiều công nhân mất việc, giảm thu nhập. Tình hình cung ứng xăng dầu không ổn định làm ảnh hưởng đến sinh hoạt, đời sống của người dân, ảnh hưởng lưu thông hàng hóa, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Về kết quả giải ngân vốn đầu tư công năm 2022, Chủ tịch UBND TPHCM, cho biết, đến hết ngày 25-11, TPHCM đã giải ngân tổng số vốn hơn 12.600 tỷ đồng, đạt 34%. Dự kiến cả năm, thành phố giải ngân được 86% tổng số vốn giao.
Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm, thành phố đã triển khai các giải pháp cụ thể. Trong đó, tập trung chỉ đạo sâu sát công tác giải ngân kế hoạch vốn, bằng nhiều giải pháp thông qua việc ban hành chương trình hành động về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2022, thành lập 3 tổ công tác để tăng cường các giải pháp hỗ trợ cho các nhóm dự án có số vốn được giao lớn trong năm 2022.
Bên cạnh đó, thành phố thực hiện linh hoạt trong công tác điều hành kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022, điều hòa nội bộ, bổ sung vốn cho các dự án có tiến độ triển khai nhanh, hấp thụ vốn tốt, cho các dự án đã hoàn tất thủ tục đầu tư; thường xuyên kiểm tra, giám sát tiến độ thực hiện dự án tại hiện trường.
Đối với việc triển khai các dự án trọng điểm quốc gia, trọng điểm, TPHCM tập trung tích cực triển khai thủ tục đầu tư đối với các dự án khởi công mới và đẩy nhanh tiến độ thi công đối với các dự án trọng điểm.
Trong đó, dự án tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) đã đạt gần 93% tiến độ, dự kiến hoàn thành vào năm 2023. Dự án tuyến đường sắt đô thị số 2 (Bến Thành – Tham Lương) đã bàn giao mặt bằng đạt hơn 85% (501/586 trường hợp), dự kiến đến quý II năm 2023 hoàn thành toàn bộ công tác giải phóng mặt bằng của dự án.
Dự án Đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 qua địa bàn, TPHCM đang hoàn tất các thủ tục để phê duyệt hai dự án thành phần (xây lắp và bồi thường) trước ngày 30-11; đẩy nhanh tiến độ thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và phấn đấu bàn giao 70% diện tích mặt bằng của các gói thầu xây lắp khởi công trước ngày 30-6-2023, cơ bản bàn giao toàn bộ diện tích còn lại trước ngày 31-12-2023