Thủ tướng chỉ đạo làm rõ cảnh báo điện mặt trời theo vết xe Trung Quốc
Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương báo cáo về quy hoạch phát triển điện mặt trời, khi có nhiều cảnh báo về sự gia tăng ồ ạt. Chuyên gia cảnh báo có thể theo vết xe đổ của Trung Quốc.

Nhiều chuyên gia cảnh báo, đừng để năng lượng tái tạo của Việt Nam đi theo vết xe đổ của Trung Quốc. Mặt khác, giá mua điện mặt trời tại Việt Nam khá cao (9,35 Usent/KWh) tạo ra thị trường mua bán dự án trở nên quá nóng.
Về thông tin này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Công Thương khẩn trương thực hiện một số nội dung.
Thứ nhất, báo cáo Thủ tướng trước ngày 15/12 về quy hoạch phát triển điện mặt trời quốc gia, trong đó đặc biệt chú trọng cơ cấu nguồn và kế hoạch phát triển lưới điện truyền tải.
Thứ hai, báo cáo Thủ tướng trước ngày 20/12 về tình hình và giải pháp xử lý tình trạng quá tải các dự án điện mặt trời đã đăng ký, đã được phê duyệt.
Thứ ba, Bộ Công Thương phải xây dựng quyết định sửa đổi, thay thế quyết định 11/2017 của Thủ tướng về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam.
Thủ tướng cũng yêu cầu không được để khoảng trống pháp lý, tạo điều kiện phát triển, không gây thiệt hại cho nhà đầu tư.
“Cần phải đảm bảo hòa lợi ích Nhà nước - nhà đầu tư - nhân dân. Báo cáo Thủ tướng trước ngày 20/12”, văn bản nêu rõ.
Hiện tại, cơ quan chức năng đã phê duyệt cho 121 dự án điện mặt trời với tổng công suất 7.234 MW, sau đó tăng thêm 2.186 MW giai đoạn 2020-2030. Ngoài ra còn có 210 đang chờ phê duyệt với công suất 12.809 MW, đến 2030 sẽ tăng lên 16.560 MW.
Bình Thuận đang dẫn đầu về số dự án đã và chuẩn bị phê duyệt với con số 76 và tổng công suất trong tương lai khoảng 4.800 MW. Tiếp đến là Ninh Thuận với 48 dự án đã và đang chuẩn bị phê duyệt, với tổng công suất 3.317 MW.
Với tổng số 331 dự án nói trên, công suất vận hành theo đăng ký đến năm 2030 lên tới 26.030 MW. Hiện tại, hệ thống điện của cả nước đang có công suất nguồn theo thiết kế là khoảng 48.000 MW.