Thủ tướng: Xuất khẩu tôm đến năm 2025 phải đạt 10 tỷ USD
Phát biểu tại hội nghị phát triển ngành tôm Việt Nam diễn ra ở Cà Mau sáng 6/2 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt vấn đề ngành tôm cần cán mốc xuất khẩu 10 tỷ USD vào năm 2025 thay vì đợi đến năm 2030.
Thủ tướng cho rằng, mục tiêu mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra cho ngành tôm là xuất khẩu đạt giá trị 10 tỷ USD vào năm 2030 là quá thấp. Theo Thủ tướng, riêng Tập đoàn Thủy sản Minh Phú đã đặt mục tiêu đến năm 2021 xuất khẩu đạt 2 tỷ USD. Tại sao không đạt 10 tỷ USD sớm hơn khi có 28 tỉnh ven biển và nhiều doanh nghiệp kinh doanh ngành này, Thủ tướng đặt dấu hỏi và yêu cầu “đến năm 2025 ngành tôm phải đạt xuất khẩu 10 tỷ USD”.
Tại hội nghị, Thủ tướng đề nghị các đại biểu cùng thảo luận về các giải pháp phát triển ngành tôm để đạt mục tiêu 10 tỷ USD sớm hơn với phương châm “muốn đi nhanh thì đi một mình, nhưng muốn đi xa thì đi cùng nhau”.
[caption id="attachment_48606" align="aligncenter" width="660"]
“Chúng ta có thể chủ động giống không? Thức ăn tốt và giá thành phù hợp, có làm được không? Quy trình, kỹ thuật canh tác tôm nhân rộng thế nào để có năng suất cao, không bị dịch bệnh. Chế biến, thương hiệu thế nào, bao bì làm sao?”, Thủ tướng đặt hàng loạt vấn đề để các đại biểu cùng suy nghĩ, thảo luận và có thể mạnh dạn kiến nghị với Chính phủ các cơ chế, chính sách để phát triển lợi thế này của Việt Nam, “chứ không phải rụt rè từng dấu chấm, phẩy”.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết “Con tôm là đối tượng sản xuất hàng đầu của ngành nông nghiệp Việt Nam. Tiềm năng phát triển con tôm không chỉ là xuất khẩu 3 tỷ USD, 700.000 ha nuôi tôm như hiện nay mà còn cao hơn nhiều miễn là chúng ta có khát vọng, có quyết tâm”.
Điều kiện tự nhiên, thời tiết khí hậu (đặc biệt vùng ĐBSCL) rất phù hợp để nuôi tôm. Đặc biệt, xâm nhập mặn và kịch bản nước biển dâng dẫn đến nhiều vùng đất sẽ bị nhiễm mặn, có khả năng mở rộng diện tích nuôi tôm. Theo tính toán của Bộ NN&PTNT, diện tích nuôi tôm nước lợ có khả năng mở rộng lên 800.000-1.000.000 ha, tập trung chủ yếu ở ĐBSCL.
[caption id="attachment_48605" align="aligncenter" width="660"]
Thời gian gần đây, nhiều phương thức, mô hình nuôi hiệu quả, rất có triển vọng đã xuất hiện như nuôi tôm rừng, tôm lúa, tôm sinh thái; mô hình nuôi theo 2 giai đoạn, tổ chức liên kết theo chuỗi... Đồng thời, nhiều doanh nghiệp lớn đã quan tâm đầu tư vào ngành tôm.
Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu cho rằng, lợi thế của con tôm so với các sản phẩm nông nghiệp khác là tuyệt đối, từ điều kiện tự nhiên, giá trị xuất khẩu, thị trường đến trình độ canh tác, sự phát triển của các ngành công nghiệp hỗ trợ.
Đến nay Việt Nam vẫn chưa hoàn toàn làm chủ công nghệ, chưa thể chủ động cung ứng giống. Mỗi năm vẫn đang phải nhập khẩu khoảng 90% giống tôm trắng chân trắng bố mẹ, với số lượng từ 180.000-260.000 con. Trong khi đó, tôm sú bố mẹ chủ yếu vẫn phải thu gom từ tự nhiên.
Theo đại diện các doanh nghiệp, giá thành sản xuất tôm ở nước ta vẫn còn cao. Nguyên nhân do giá thức ăn (chiếm 65%), chi phí con giống luôn ở mức cao. Bên cạnh đó, nhiều vùng nuôi thiếu điện phải sử dụng máy nổ để bơm nước, quạt khí, phát điện...
Năm 2016, ngành nông nghiệp gặp nhiều khó khăn và tôm nuôi đối mặt với nắng hạn, xâm nhập mặn khốc liệt tại đồng bằng sông Cửu Long. Ba tỉnh trọng điểm Cà Mau, Kiên Giang, Bạc Liêu có đến 188.000 ha tôm bị thiệt hại.
Cả nước thả nuôi được 694.645 ha, trong đó, tôm sú 600.399 ha, thẻ chân trắng 94.246 ha, sản lượng thu hoạch 657.282 tấn.
Tôm Việt Nam đã xuất khẩu sang 90 thị trường trên thế giới, đạt kim ngạch 3.150.723 USD, tăng 6,7% so với năm 2015.
Theo Hải Minh - NDH