Thỏa thuận lãi suất: Doanh nghiệp lo bị ép lãi suất cao

“Vừa mừng, vừa lo” là tâm lý phổ biến trên thị trường ngân hàng khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho phép Tổ chức Tín dụng (TCTD) và khách hàng thỏa thuận lãi suất vay, theo quy định tại Thông tư 39/2016/TT-NHNN sẽ có hiệu lực vào 15/3/2017 tới đây.

[caption id="attachment_49901" align="aligncenter" width="588"] Làm thủ tục vay vốn tại Ngân hàng VietinBank chi nhánh TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Trần Việt.[/caption]

Hiện nhiều DN đã bắt đầu loay hoay lo tìm giải pháp đối phó lãi suất thỏa thuận có thể bị đẩy cao.

Có “công bằng” trong tiếp cận vốn?

“Nếu thực thi cơ chế lãi suất thỏa thuận, dỡ “trần” theo quy định cũ, tôi cho rằng về mặt lý thuyết là phù hợp thị trường và tạo cạnh tranh trong tiếp cận vốn. Nhưng, việc trao quyền “tự do” ấn định lãi suất vay cho các ngân hàng (NH), đặc biệt là các ngân hàng thương mại cổ phần (NHTMCP) mà không có quy định hay giám sát nào cụ thể, vô hình chung là trao quyền cho các NH “ép” DN phải chịu lãi suất rất cao. Khi đó, DN sẽ không… kêu vào đâu được. Tôi rất lo cho kế hoạch vay vốn của DN mình tới đây” – ông Nguyễn Cao Trung, TGĐ một DN Logistic nói về mối lo từ TT 39 mà NHNN vừa ban hành.

Có thể thấy, một lãi suất cho vay không bị hạn chế “trần”, được thả nổi tự do là khao khát của thị trường từ nhiều năm nay. Nhưng, ghi nhận ban đầu từ các DN về việc được vay lãi suất thỏa thuận từ 15/3 tới đây thì lo nhiều hơn vui. Vui một ít, vì đây là tín hiệu của một cơ chế vốn mới với lãi suất thỏa thuận không bị khuôn hẹp trong một đối tượng nhất định, mở ra cho mọi đối tượng trên thị trường. Nhưng lo là nhiều vấn đề khiến DN sẽ phải đối mặt với một thời kỳ lãi suất cao hơn. Cụ thể:

Thứ nhất, lãi suất đang có dấu hiệu và áp lực sẽ điều chỉnh tăng. Thứ hai, việc tiếp cận vốn của DN nói chung kể từ năm 2012 đến nay, khi khối nợ xấu bùng phát và để lại hệ lụy kéo dài, đã không dễ dàng như trước, các NH nhìn chung thận trọng hơn trong thẩm định tín dụng. Thứ ba, bối cảnh kinh doanh không hoàn toàn thuận lợi trong 2017, kể cả với 5 lĩnh vực ưu tiên mà NHNN không áp cơ chế lãi suất thỏa thuận như địa ốc.

Đặc biệt, theo ông Nguyễn Băng Tâm, Chủ tịch Hội DN Quận Bình Thạnh, TP HCM, nơi quy tụ nhiều DN vừa và nhỏ (DN SMEs), việc mở cơ chế trần lãi suất thỏa thuận, là phù hợp với cơ chế thị trường, song cũng sẽ tạo ra những tình huống mất công bằng trong tiếp cận vốn, khi DN nhỏ, không “sân sau” hay thân tình với các NH, phải cạnh tranh tín dụng / lãi suất với các DN lớn.

Dù vậy, ông Tâm cũng nhấn mạnh, DN đều hiểu rằng việc đòi hỏi một sự công bằng vốn trong tiếp cận tín dụng và lãi suất là khó. Bởi DN hoạt động theo cơ chế DN, còn bản thân các NH hoạt động theo cơ chế DN. Họ phải thẩm định, lựa chọn những DN có tín nhiệm tốt, nhu cầu vốn cao và dòng tiền luân chuyển nhanh, rủi ro ít… để cho vay. Những DN như vậy phải được ưu tiên và hưởng lãi suất tốt hơn những DN không tốt là chuyện bình thường.

Tìm giải pháp tận dụng cơ chế vốn cạnh tranh

“DN nên tìm giải pháp xây dựng DN và các kế hoạch vay vốn để có cơ hội tiếp cận lãi suất tối ưu, thay cho lo lắng và phàn nàn về việc khó tiếp cận vốn, bị đối xử không công bằng”, ông Tâm nói.

Theo ông Phan Minh Thông, Phó Chủ tịch Hiệp Hội Hồ tiêu VN, một trong những giải pháp giúp DN có thể tiếp cận vốn với lãi suất thấp là chú trọng xây dựng báo cáo tài chính (BCTC) minh bạch, “chịu chi” cho những dịch vụ kiểm toán uy tín. “Hệ thống NH Việt Nam hiện nay đã bắt đầu xây dựng định mức tín nhiệm DN bài bản. Gần như NH nào cũng có đánh giá định mức tín nhiệm DN, trừ với các DN khởi nghiệp. Tuy nhiên, nếu DN có báo cáo tài chính được kiểm toán bởi các tổ chức kiểm toán uy tín, định mức tín nhiệm sẽ dễ dàng được các NH thông qua với điểm cao khi vay lần đầu hoặc đánh giá, thẩm định hồ sơ vay trong thời gian ngắn, giảm chi phí cơ hội, lãi suất có điều kiện thỏa thuận tốt hơn. Ngoài ra, DN cũng sẽ được lợi với nhiều dịch vụ tư vấn tài chính như những giá trị cộng thêm, nhất là DN xuất nhập khẩu. Vấn đề là DN có chấp nhận minh bạch và tính đường dài hay không”.

Vậy, vì sao các DN tiểu thương, quy mô nhỏ đa phần vẫn chấp nhận lãi vay cao từ 20%/ tháng, cho các khoản vay nhỏ mà họ vẫn sống khỏe ? Lời giải là: Dòng vốn lưu động luân chuyển theo lượng hàng trong ngày của các DN siêu nhỏ này rất lớn, nhưng lại rất khó ước lượng chính xác và tổng giá trị kho hàng cũng chỉ khoảng vài mươi tỷ đồng, nên các NH vẫn bỏ qua phân khúc này vì cho là rủi ro và ít quan tâm.

“Việc áp lãi suất thỏa thuận nếu được duy trì và triển khai tốt, về lâu dài, vừa đưa hệ thống NH tiệm tiến ở một mặt nhất định theo cơ chế thị trường, vừa tạo điều kiện cho các NH chuyên biệt và đi sâu vào từng phân khúc, không phát triển, cạnh tranh tín dụng hàng ngang, thiếu chiều sâu như hiện tại” – một chuyên gia đánh giá.

Ở góc độ các DN lớn, đã niêm yết, theo ông Nguyễn Băng Tâm, nhìn từ cương vị Chủ tịch CLB các DN niêm yết, cũng không nên nặng về lobby mà cần thuyết phục NH và nhà đầu tư bằng minh bạch thông tin. “DN có dự án tốt khả thi và nên ưu tiên theo đuổi nguồn vốn chủ sở hữu (phát hành cổ phiếu, trái phiếu DN), “Trong mọi trường hợp DN có “chứng chỉ” bao giờ cũng được các NH ưu ái với lãi suất thấp và hạn mức tối đa, ông Tâm nói.

Ông Đinh Thế Hiển, chuyên gia tài chính: Hai điều cần quan tâm

1. Về phía NH, không phải cứ DN lớn, dự án to, nhu cầu vốn nhiều và có các chỉ số tài chính rõ ràng mới là DN khỏe, rủi ro thấp. Lưu ý là các DN nhỏ, siêu nhỏ, các nhóm tiểu thương, tạp hóa… đều là những DN có thể chọn lọc các khách hàng tiềm năng, đảm bảo khoản vay chia nhỏ nhưng chấp nhận và chịu đựng được lãi suất có thể cho NH biên lợi nhuận cao mà rủi ro thấp.

2. Về phía các DN nhỏ, việc chứng minh năng lực hoàn vốn, trả nợ, đảm bảo giảm thiểu tỷ lệ rủi ro khoản vay cho NH, nên lập dự án và kế hoạch trả nợ chi tiết, sát thực với hoạt động kinh doanh của mình. DN có thể chọn các NHTM quy mô vừa, nhỏ, có các chi nhánh, phòng giao dịch và sản phẩm tín dụng phù hợp tận địa phương, không chọn các NH chuyên tài trợ tín dụng lớn.

Ông Lê Duy Hiệp – Chủ tịch Hiệp hội Logistic Việt Nam, TGĐ CTCP Transimex: Tín hiệu tốt

Đây là tín hiệu tốt cho DN nói chung, các DNVVN mới có khả năng tiếp cận vốn để đầu tư cho cơ sở hạ tầng, trang thiết bị. Các DN lớn có khả năng mở rộng đầu tư với những khoản vay lớn hơn. Tuy nhiên, vẫn có những rào cản mà DN lo ngại là liệu các NHTMCP có đề ra những điều kiện mà DN không thể đáp ứng được không, ví dụ như tài sản thế chấp và các điều kiện khác.

Với việc quy định bỏ trần lãi suất, nghĩa là DN có thể tự đàm phán mức lãi suất cho vay với ngân hàng, vậy các DN nên mạnh dạn đầu tư vào cơ sở hạ tầng và trang thiết bị phục vụ cho hoạt động dịch vụ logistics, chỉ có như vậy mới có thể nâng cao năng lực cạnh tranh trong lĩnh vực dịch vụ logistics.

Theo Lê Mỹ DĐDN

 
Tags:

Tự hào, thiêng liêng Lễ thượng cờ A Pa Chải - cực Tây tổ quốc

Ngày 7/5/2025, Ủy ban Nhân dân tỉnh Điện Biên phối hợp cùng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên và Ngân hàng Thương mại cổ phần Nam Á (Nam A Bank) tổ chức Lễ thượng cờ và gắn biển công trình Cột cờ A Pa Chải tại xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé. Đây là sự kiện đặc biệt nhân dịp kỷ niệm 71 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5/2025) - cột mốc chói lọi trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.

Chìa khóa mở rộng và đa dạng thị trường xuất khẩu

Vừa qua, tại TP.HCM đã diễn ra Hội thảo trực tuyến “Chìa khóa mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu”, thu hút đông đảo khách hàng doanh nghiệp, các chuyên gia kinh tế, thương mại quốc tế tham gia.

Video