Tháo gỡ điểm nghẽn nguồn cung nhà ở xã hội

Để tháo gỡ điểm nghẽn nguồn cung nhà ở xã hội cần mở rộng đối tượng được thụ hưởng, hợp thức hóa nhà trọ dài hạn là một loại hình nhà ở xã hội, đồng thời cắt giảm thủ tục hành chính.

Dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội trình Quốc hội kỳ này đã có nhiều điểm đổi mới tích cực so với các bản trước. Trong đó, việc bổ sung nội dung giao Quỹ Nhà ở quốc gia thực hiện đầu tư xây dựng, tạo lập nhà ở xã hội cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuê, thuê mua là điểm đột phá, mở rộng phạm vi hỗ trợ nhà ở cho lực lượng lao động có thu nhập trung bình và ổn định.

Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù sẽ mang đến những đột phá cho nhà ở xã hội. Ảnh: DH

Tuy nhiên, để đảm bảo tính thống nhất và đồng bộ, Dự thảo cần điều chỉnh bổ sung tại Điều 2 về "đối tượng áp dụng".

Cụ thể, nên liệt kê đầy đủ các nhóm được thụ hưởng nhà ở xã hội, bao gồm cả “cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuê mua, thuê”. Đề xuất này nhằm tương thích với nội dung đã nêu tại khoản 3 Điều 4 của chính Dự thảo.

Việc bổ sung nhóm cán bộ, công chức, viên chức vào đối tượng được hỗ trợ về nhà ở là bước đi hợp lý, tạo cơ sở để sau này Chính phủ ban hành các hướng dẫn cụ thể nhằm triển khai các chương trình nhà ở cho nhóm đối tượng này tương tự như các cơ chế đã áp dụng đối với lực lượng vũ trang nhân dân trong Luật Nhà ở hiện hành.

Hợp thức hóa nhà trọ dài hạn, mở cửa tín dụng cho hàng triệu phòng trọ

Bên cạnh đó, cần công nhận nhà trọ cho thuê dài hạn (thuê theo tháng, theo năm) là một loại hình nhà ở xã hội do cá nhân, hộ gia đình đầu tư.

Theo thống kê, cả nước hiện có khoảng 200.000 chủ nhà trọ với hơn 1,5 triệu phòng phục vụ công nhân, lao động thuê ở dài hạn. Riêng tại TP HCM, có hơn 60.000 người kinh doanh phòng trọ, cung ứng khoảng 560.000 phòng trọ, đáp ứng chỗ ở cho khoảng 1,4 triệu người.

Nếu được thừa nhận là một loại hình nhà ở xã hội, các chủ nhà trọ có thể tiếp cận nguồn tín dụng ưu đãi từ Quỹ Nhà ở quốc gia, qua đó cải tạo chất lượng nhà trọ, nâng cấp điều kiện sống cho người lao động và giảm gánh nặng ngân sách nhà nước trong việc đầu tư trực tiếp.

Nên công nhận nhà trọ cho thuê dài hạn là một hình thức của nhà ở xã hội.

Bên cạnh hình thức thuê và thuê mua, cần bổ sung thêm hình thức “mua” vào chức năng đầu tư của Quỹ Nhà ở quốc gia tại khoản 3 Điều 4 Dự thảo Nghị quyết. Lý do là nguồn vốn của Quỹ không chỉ từ ngân sách mà còn gồm cả các khoản đóng góp, hỗ trợ, bán tài sản công… không thuộc ngân sách, nên có thể linh hoạt triển khai các hình thức hỗ trợ phù hợp với nhu cầu thực tiễn.

Thực tế, Luật Nhà ở đã cho phép người thuộc lực lượng vũ trang được “mua, thuê mua, thuê” nhà ở từ vốn đầu tư công hoặc vốn ngoài ngân sách. Do đó, cán bộ, công chức, viên chức cũng nên có quyền tiếp cận tương tự, tùy theo khả năng tài chính, nhằm đa dạng hóa mô hình tiếp cận nhà ở xã hội và khuyến khích ổn định lâu dài nơi ở.

Không để doanh nghiệp chịu thiệt vì chênh lệch sau quyết toán

Ngoài ra, một trong những rào cản khiến tiến độ phát triển nhà ở xã hội bị chậm là thủ tục hành chính rườm rà. Do đó, đề nghị sửa đổi, bổ sung Điều 7 Dự thảo theo hướng cắt giảm thẩm định và kiểm tra trùng lặp.

Cụ thể, thiết kế cơ sở và thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở nên được lồng ghép xử lý trong quy trình cấp giấy phép xây dựng thay vì tách thành các bước riêng biệt. Đồng thời, nên giao cho chủ đầu tư tự chịu trách nhiệm nghiệm thu công trình, chỉ trong những trường hợp đặc biệt hoặc có yêu cầu của cơ quan chức năng thì mới cần sự tham gia kiểm tra của cơ quan chuyên môn về xây dựng.

Cách làm này không chỉ giúp rút ngắn thời gian, giảm chi phí tuân thủ pháp luật, mà còn phù hợp với chủ trương “hậu kiểm” thay vì “tiền kiểm”, góp phần tinh gọn bộ máy quản lý nhà nước và xã hội hóa công tác nghiệm thu xây dựng.

Một nội dung khác cũng cần được sửa đổi là khoản 3 Điều 8 về xác định giá bán, giá thuê mua nhà ở xã hội. Theo Dự thảo hiện hành, nếu kết quả kiểm toán, quyết toán sau này cao hơn giá đã ký hợp đồng thì chủ đầu tư không được thu thêm phần chênh lệch – điều này có thể gây thiệt hại tài chính cho doanh nghiệp.

Theo đó, kiến nghị trong trường hợp giá bán hoặc giá thuê mua thực tế sau kiểm toán, quyết toán cao hơn giá đã ký hợp đồng, thì chủ đầu tư cần được quyền thu bổ sung phần chênh lệch từ người mua (trừ khi chủ đầu tư tự nguyện không thu). Cách làm này đảm bảo tính công bằng, minh bạch, đồng thời khuyến khích doanh nghiệp tham gia đầu tư dự án nhà ở xã hội.

Theo Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp

Thị trường văn phòng chuyển mình theo hướng bền vững và trải nghiệm

Thị trường văn phòng đang chứng kiến cuộc "cách mạng xanh" và sự lên ngôi của thế hệ Gen Z, định hình lại không gian làm việc. Các doanh nghiệp giờ đây không chỉ tìm kiếm diện tích, địa điểm mà là một văn phòng bền vững, nơi sức khỏe, sự linh hoạt và gắn kết cộng đồng được đặt lên hàng đầu.

Người mua bất động sản Hà Nội có tâm lý thận trọng hơn

87% hộ gia đình Hà Nội có thu nhập từ 25 triệu đồng/tháng trở lên đang có nhu cầu rõ ràng về bất động sản. Tuy nhiên, thay vì vội vàng "xuống tiền", người mua giờ đây thận trọng, dành thời gian quan sát và chuẩn bị tài chính dài hạn.

Bất động sản bán lẻ chuyển mình ngoạn mục

Thị trường bất động sản bán lẻ toàn cầu đang chứng kiến sự trở lại ngoạn mục, đặc biệt rõ nét tại Việt Nam với TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội là hai đầu tàu. Thay vì chỉ là nơi mua sắm đơn thuần, các cửa hàng đang chuyển mình thành không gian đa trải nghiệm, đáp ứng nhu cầu tương tác và khám phá của người tiêu dùng hiện đại.

Bẫy “nghỉ hưu bất động sản”

Nhiều người nghĩ rằng nếu họ có nhà, họ có thể sống bằng tiền cho thuê nhà khi về già và như vậy sẽ không phải lo lắng về tuổi già. Nhưng thực tế là có rất nhiều cạm bẫy trong vấn đề nghỉ hưu bất động sản như vậy, đặc biệt là cái gọi là "tỷ lệ vàng". Nếu không đạt được, tiền thuê nhà thậm chí có thể không đủ để mua thuốc. aa Zalo

Tỷ lệ đô thị hóa cả nước ước đạt khoảng trên 44,3%

6 tháng đầu năm 2025 đánh dấu những bước tiến mạnh mẽ của Việt Nam trong công cuộc đô thị hóa và phát triển hạ tầng giao thông, với tỷ lệ đô thị hóa ổn định trên 44,3% và mạng lưới giao thông ngày càng được mở rộng, đặc biệt là 2268 km đường cao tốc hiện có.

Video