Sáp nhập tỉnh có thể tạo cú hích cho bất động sản công nghiệp
Tinh gọn quản lý, mở rộng quỹ đất
Chia sẻ với PV Lao Động, ông Thomas Rooney - Phó Giám đốc Bộ phận Tư vấn Công nghiệp Savills Hà Nội - cho rằng, việc sáp nhập được triển khai đồng bộ sẽ giúp hình thành các hệ sinh thái đô thị - công nghiệp tích hợp, tăng sức hấp dẫn với các nhà đầu tư quốc tế.
Khi địa giới hành chính được mở rộng, các địa phương có thể quy hoạch thêm nhiều khu công nghiệp với diện tích lớn hơn, từ đó tạo thêm lựa chọn cho doanh nghiệp. Nguồn cung đất công nghiệp tăng sẽ giúp giảm tình trạng khan hiếm tại các vùng trọng điểm, đồng thời thúc đẩy hình thành các khu công nghiệp chuyên biệt như hỗ trợ ôtô, linh kiện bán dẫn...
“Các địa phương đã có sẵn lợi thế về hạ tầng, lao động và môi trường đầu tư nếu được sáp nhập và quy hoạch thống nhất sẽ nâng cao năng lực cạnh tranh, tiến gần hơn tới các tiêu chuẩn phát triển quốc tế” - ông Thomas nhận định.
![]() |
Bất động sản công nghiệp giữ vai trò then chốt trong chiến lược thu hút đầu tư và phát triển kinh tế địa phương. Ảnh: Nguyễn Thương |
Thách thức trước mắt, lợi ích dài hạn
Việc điều chỉnh địa giới hành chính sẽ tác động trực tiếp đến các quy trình liên quan như quy hoạch sử dụng đất, cấp phép đầu tư, môi trường và xây dựng. Trong giai đoạn đầu, doanh nghiệp có thể gặp khó khăn do thay đổi đầu mối quản lý hoặc chính sách chưa đồng bộ.
Tuy nhiên, theo ông Thomas, đây là cơ hội để tái thiết bộ máy hành chính theo hướng minh bạch và hiệu quả hơn.
“Bất động sản công nghiệp rất cần sự ổn định và rõ ràng trong quy hoạch. Khi các địa phương mới có thể thống nhất thủ tục và chính sách, sẽ mở ra cơ hội cho những khu công nghiệp quy mô lớn, tích hợp logistics, giao thông liên vùng và đô thị vệ tinh” - ông nói.
Thay đổi địa giới cũng tác động đến kế hoạch cư trú và kết nối giao thông của người lao động. Đây là thách thức nếu thiếu sự chuẩn bị, nhưng cũng là cơ hội để tái cơ cấu mạng lưới cung ứng lao động theo vùng và liên tỉnh.
Nếu quá trình sáp nhập gắn liền với đầu tư hạ tầng - đặc biệt là đường vành đai, cảng biển, sân bay và hạ tầng số - các khu công nghiệp sẽ không còn bị giới hạn bởi ranh giới hành chính. Doanh nghiệp có thể tiếp cận lực lượng lao động đa dạng hơn, với chi phí vận hành tối ưu hơn.
Doanh nghiệp cần chủ động thích ứng
Giai đoạn chuyển tiếp được dự báo kéo dài từ hai đến ba năm, là khoảng thời gian quan trọng để các doanh nghiệp chủ động nắm bắt thông tin, thiết lập quan hệ với chính quyền mới và điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất.
Về phía cơ quan quản lý, điều tiên quyết là truyền thông rõ ràng về lộ trình chuyển đổi. Việc chủ động đối thoại, hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, sẽ giúp duy trì niềm tin và dòng vốn đầu tư.
“Sáp nhập tỉnh là một bước ngoặt hành chính tác động trực tiếp đến không gian phát triển. Nếu được thực hiện với tầm nhìn dài hạn và sự phối hợp đồng bộ, đây có thể là cú hích đưa bất động sản công nghiệp Việt Nam lên tầm cao mới trong chuỗi cung ứng toàn cầu” - ông Thomas kết luận.