Phát triển bền vững ngành thủy hải sản thời hội nhập
Việt Nam cần hướng tới một ngành thủy hải sản đồng bộ, từ cấp quản lý cho tới người dân đánh bắt và cuối cùng là người tiêu dùng.
[caption id="attachment_25351" align="aligncenter" width="600"]
Tại cuộc hội thảo chuyên đề “Phát triển bền vững ngành khai thác, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản thời hội nhập” do Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Vũng Tàu tổ chức tuần qua, nhiều vấn đề đã được các doanh nghiệp, ngư dân, chuyên gia nước ngoài và các cơ quan quản lý nhà nước nêu ra và tranh luận. Những ý kiến của các doanh nghiệp được nêu ra chủ yếu tập trung về cơ chế chính sách và tiếp cận nguồn vốn.
Theo Bà Vũ Thị Thu Hà – Giám đốc VCCI tại Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (BRVT) là một trong những ngư trường trọng điểm của Việt Nam và là một trong ba tỉnh đi đầu trong cả nước về lĩnh vực khai thác, chế biến và xuất khẩu thủy sản. Những năm qua, ngành thủy sản BRVT luôn đạt tốc độ tăng trưởng ở mức cao và thành ngành mũi nhọn của tỉnh, đóng góp rất lớn vào ngân sách nhà nước và là nguồn sống đông đảo của người dân ven biển.
Bà Hà cho biết thêm, tuy nhiên, thời gian gần đây, các hệ sinh thái biển đang bị suy thoái nhanh. Nguồn lợi hải sản suy giảm đáng kể, nhiều vùng ven bờ biển bị suy kiệt, chất lượng nước biển nhiều vùng bị ô nhiễm nặng. Hàng ngày, biển tiếp nhận một lượng nước thải rất lớn từ đất liền, trực tiếp hặc theo lưu vục sông đổ ra biển. Vì vậy, để phát triển kinh tế biển bền vững, trên cơ sở định hướng chung của chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 chúng ta cần có một chiến lược toàn diện về tài nguyên và môi trường biển. Chiến lược sẽ xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường, bên cạnh đó đồng hành với quá trình đẩy nhanh các hoạt động kinh tế biển, gắn với bảo vệ an ninh chủ quyền và quyền chủ quyền biển, đảo của nước ta.
Ông Ducan LeadBitter – Giám đốc Fish Matter cho rằng, Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu rộng, các hiệp định thương mại tự do (FTA), hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), FTA Việt Nam – EU… đã được ký kết. Đây sẽ là cơ hội rất lớn cho các DN chế biến thủy hải sản của Việt Nam trong việc giảm thuế, các vấn đề về C/O và nhiều cá cơ chế chính sách mở khác.
Tuy nhiên, đây cũng là thách thức không nhỏ cho các doanh nghiệp bởi các rào cản kỹ thuật thương mại, các tổ chức quốc tế phi Chính phủ và các biện pháp vệ sinh để bảo hộ sản xuất thủy sản của các nước sở tại. Bên cạnh đó các vấn đề thương hiệu, ghi nhãn hàng hóa và truy xuất ngồn gốc là thách thức lớn cho các doanh nghiệp thủy hải sản vì hiện nay, Việt Nam đang trong quá trình xây dựng và hoàn thiện, các DN Việt Nam nói chung và doanh nghiệp thủy hải sản nói riêng so với các nước tiên tiến còn rất yếu và thiếu đặc biệt khi Việt Nam đang hội nhập vào các hiệp định thương mại quốc tế. Yếu ở đây là nguồn tài chính không đủ mạnh và thiếu là các cơ chế chính sách, thông tin còn nhiều bất cập, các văn bản quy phạm còn nhiều bất cập giữa doanh nghiệp và ngư dân. Do vậy, Việt Nam cần hướng tới một ngành thủy hải sản đồng bộ, từ cấp quản lý cho tới người dân đánh bắt và cuối cùng là người tiêu dùng.
Ông Nguyễn Thành Lộc – Giám đốc doanh nghiệp tư nhân Phúc Lộc cho rằng, các doanh nghiệp thủy sản phát triển theo hướng tự phát. Hiện tại tỉnh BRVT vẫn chưa có một quy hoạch chính thức nào cho ngành khai thác và chế biến thủy hải sản. Và chính vì điều này đã làm cho các doanh nghiệp hết sức khó khăn, chưa mạnh dạn trong đầu tư công nghệ hiện đại vì lí do sản xuất không ổn định và bị di dời bất cứ lúc nào.
Theo thống kê của tỉnh, hiện nay, tổng số tàu cá lên tới 6.278 chiếc, công suất 90 CV trở lên với tổng sản lượng khai thác lên tới hàng trăm tấn hải sản mỗi năm. Thêm vào lượng tàu cá từ các nơi về tỉnh BRVT khoảng 4000 chiếc. Song song đó là hàng trăm các nhà máy chế biến lớn nhỏ nằm rải rác khắp nơi trên địa bàn dân cư, đa số các nhà máy này được thành lập từ lâu nay và chủy yếu là tự phát… Do vậy, với thực trạng này BRVT cần có quy hoạch về hệ thống logistics cho nghề cá gồm: bến tàu đậu bờ gắn liền với khu vực cảng cá, các nhà máy chế biến, trung tâm thương mại hải sản, khu vực dịch vụ hậu cần bao gồm cả sửa chữa và đóng mới tàu… Đặc biệt khu này phải là nới xa dân cư để mang tính chất lâu dài cho việc chế biến, đánh bắt và đầu tư xây dựng khu xử lý nước thải tập trung.
Ông Lê Văn Khánh, chủ tàu đánh bắt thủy hải sản đề nghị, doanh nghiệp Việt Nam đang hội nhập vào nền kinh tế thế giới, các thách thức về rào cản kỹ thuật, an toàn thực phẩm, truy xuất ngồn gốc của các tổ chức quốc tế cũng như các quy định bắt buộc của các hiệp định mà Việt Nam đã ký kết. Vì vậy, doanh nghiệp rất cần những cơ chế, chính sách tài chính cũng như các thủ tục hành chính được hỗ trợ một cách tích cực và kịp thời hơn. Ngành Nông nghiệp, Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam và chính quyền địa phương cần tăng cường các biện pháp tuyên truyền, hỗ trợ cho bà con ngư dân cũng như các DN chế biến thủy hải sản về nguồn vốn để đóng tàu mới, phục vụ cho việc đánh bắt hiệu quả hơn. Cập nhật các hướng dẫn mới và thực hiện đầy đủ các quy định, tạo điều kiện cho người dân và DN mở rộng thị phần để mang lại kim ngạch xuất khẩu cho đất nước.
Ông Phạm Ngọc Tuấn, Phó vụ trưởng Vụ khai thác thủy sản Bộ NN&PTNN nhận định, nghề khai thác thủy sản Việt Nam vẫn còn mang nặng tính chất của nghề cá qui mô nhỏ, trong khi cường lực khai thác tại vùng ven bờ tăng nhanh. Về trật tự an ninh và an toàn trên biển còn còn nhiều bất cập, nhiều tàu khai thác hải sản bị bắt giữ và xử phạt. Lực lượng nòng cốt là thanh tra thủy sản nhưng chuyên ngành còn yếu, thiếu về trang thiết bị và nhân lực, hệ thống tổ chức chưa đồng bộ.
Hệ thống chính sách và thiết chế tổ chức để triển khai phát triển khai thác thủy sản bền vững còn thiếu và yếu. Cơ chế chính sách hiện hành chưa phát huy được hiệu lực, rủi ro thiên tai hàng năm vẫn thường xuyên xảy ra gây nhiều thiệt hại về người và tài sản cho người dân.
Việc ứng dụng các kết quả nghiên cứu từ các đề tài về quản lý và bảo vệ nguồn lợi thủy sản vào thực tiễn còn hạn chế, nhất là đối với các loài di cư xa. Cho nên, các giải pháp để phát triển khai thác thuỷ sản phải gắn với cải thiện đời sống cộng đồng lao động nghề cá, và xoá đói giảm nghèo cho các cộng đồng người dân nông thôn, đặc biệt ở ven biển và vùng sâu, vùng xa, các bãi ngang và các vùng hải đảo. Nâng cao nhận thức cho cộng đồng nghề cá về phát triển bền vững, về quy tắc ứng xử nghề cá cần có trách nhiệm về môi trường và dịch bệnh trong phát triển thủy sản.
Bên cạnh đó, cần xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực toàn ngành, toàn diện và lâu dài để nâng cao trình độ quản lí và khả năng tiếp thu kiến thức, cũng như công nghệ mới trong các lĩnh vực khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Nâng cao năng lực quản lí nhà nước về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Tăng quyền của người dân trong quá trình quản lí và tạo điều kiện để người dân thật sự “biết, bàn, làm và kiểm tra” các hoạt động khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản ở cơ sở.
Ông Lê Tuấn Quốc – Phó chủ tịch UBND tỉnh BRVT: Để phát triển bền vững nghề khai thác nuôi trồng và chế biến thủy sản của tính, chính quyền sẽ tăng cường các biện pháp tuyên truyền, hỗ trợ cho bà con ngư dân cũng như các doanh nghiệp về các cơ chế chính sách ưu đãi trong ngành khai thác, chế biến thủy sản.
Nếu bà con ngư dân thực sự thấy cần thiết và yêu cầu thì tới đây, chúng tôi sẽ đề xuất gặp gỡ để lắng nghe ý kiến bà con 1 lần/tuần, đáp ứng kịp thời những tâm tư nguyện vọng của bà con trong việc khai thác và chế biến thủy sản.
Theo DĐDN