Nông thủy sản một năm được mùa

Với kim ngạch xuất khẩu hơn 30 tỷ USD, năm 2014 được xem là năm khá thành công của ngành nông nghiệp, mức tăng trưởng khá, đánh dấu quan trọng trong việc thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành này, góp phần vào tăng trưởng chung của cả nước, bảo đảm an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, lĩnh vực thủy sản có mức tăng vượt bậc, nhất là xuất khẩu tôm.

Xuất khẩu tôm kỷ lục, xuất siêu 9,5 tỷ USD

Thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, năm 2014, tốc độ tăng trưởng toàn ngành đạt khá cao, tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 11,2%, đạt gần 31 tỷ USD, mức tăng kỷ lục từ trước đến nay. GDP toàn ngành đạt 3,3%, giá trị sản xuất tăng 3,6%, toàn ngành nông nghiệp xuất siêu 9,5 tỷ USD.

Trong đó, có tới 10 mặt hàng đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD như gạo, cà phê, cao su, rau quả, tôm, cá tra, lâm sản, điều, tiêu, sắn. Ngành trồng trọt, sản xuất lúa cũng được mùa cả 3 vụ, sản lượng đạt 45 triệu tấn, tăng 2,3% so với năm 2013, tương đương 1 triệu tấn.

[caption id="attachment_3019" align="aligncenter" width="838"]Mặt hàng tôm có mức tăng trưởng cao nhất trong nhóm thủy sản, tăng gần 30% so cùng kỳ Mặt hàng tôm có mức tăng trưởng cao nhất trong nhóm thủy sản, tăng gần 30% so cùng kỳ[/caption]

Năm 2014, để mở rộng thị trường xuất khẩu, lãnh đạo các bộ, ngành liên quan đã tổ chức nhiều đoàn xúc tiến thương mại đến các thị trường xuất khẩu trọng điểm để đàm phán, tháo gỡ rào cản, khai thông thị trường như Mỹ, EU, Nga… Tình trạng xuất khẩu tăng mạnh đã tạo điều kiện thuận lợi nhằm duy trì giá trong nước có lợi cho nông dân. Năm 2014 cũng ghi nhận hai mặt hàng quan trọng, làm “đầu kéo” cho toàn ngành là thủy sản và gỗ.

Cụ thể, lần đầu tiên ngành thủy sản đạt mốc 7,92 tỷ USD, tăng 18%; đồ gỗ và sản phẩm từ gỗ xuất khẩu hơn 6,5 tỷ USD, tăng 12,7% so với cùng kỳ. Riêng với ngành tôm - mặt hàng có mức tăng trưởng cao nhất trong nhóm các mặt hàng thủy sản xuất khẩu chính, năm 2014 xuất khẩu đạt 4,1 tỷ USD, tăng gần 30% so cùng kỳ trong khi cá tra chỉ bằng năm 2013, kim ngạch đạt 1,8 tỷ USD.

Trong khi vẫn còn một số mặt hàng xuất khẩu quan trọng khác có xu hướng giảm, tốc độ tăng trưởng mạnh của mặt hàng tôm góp phần quan trọng duy trì nhịp độ tăng trưởng khá trong xuất khẩu của toàn ngành thủy sản, tôm chân trắng tiếp tục vượt xa tôm sú với giá trị xuất khẩu đạt gần gấp đôi. Mặt hàng tôm lại đặc biệt được giá, đem lại siêu lợi nhuận cho những người nuôi thành công.

[caption id="attachment_3018" align="aligncenter" width="838"]Ngư dân phân loại hải sản sau một chuyến đánh bắt Ngư dân phân loại hải sản sau một chuyến đánh bắt[/caption]

Dù vài tháng cuối năm, xuất khẩu tôm vào Mỹ có sự giảm sút do cạnh tranh mạnh mẽ từ Indonesia và Ecuador so với nửa đầu năm 2014 nhưng Mỹ tiếp tục là thị trường dẫn đầu về nhập khẩu tôm. Xuất khẩu tôm sang EU tiếp tục tăng mạnh và trở thành thị trường có sức tăng trưởng cao nhất trong nhóm năm thị trường tiêu thụ chính tôm Việt Nam. Ngoài ba thị trường chính là Mỹ, Nhật Bản và EU, xuất khẩu tôm sang nhiều thị trường khác như Hàn Quốc, Australia, Canada... cũng có sự tăng trưởng khả quan với hai con số. Đáp ứng nhu cầu xuất khẩu, nuôi tôm nước lợ cũng được đánh giá nổi bật nhất trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản.

Mặt khác, theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tận dụng bối cảnh thị trường các nước như Thái Lan, Trung Quốc chưa hồi phục, các địa phương tiếp tục phát triển mạnh nuôi tôm chân trắng, tôm vụ ba thâm canh ở những vùng phù hợp nên cơ cấu tỷ lệ nuôi tôm sú và tôm chân trắng có sự dịch chuyển khá lớn.

Việc khai thác thủy sản cũng có chuyển biến tốt theo hướng đẩy mạnh khai thác xa bờ, áp dụng kỹ thuật, thiết bị tiên tiến để nâng cao giá trị, chất lượng và hiệu quả khai thác như đối với cá Ngừ ở Bình Định; chương trình đóng tầu vỏ sắt, cải hóa nâng cấp tầu cá đánh bắt xa bờ đang được triển khai mạnh.

Kiểm chặt chất lượng, tăng lợi nhuận cho nông dân

Một lãnh đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá, từ cuối năm 2013, kinh tế thế giới đã bắt đầu phục hồi dù có sự chênh lệch giữa các khu vực nên dự báo tăng trưởng năm 2014 ở mức 3,5%, cao hơn mức tăng 3% của năm 2013; đồng thời, nền kinh tế của các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như Nhật Bản, Trung Quốc, EU có mức tăng trưởng khá đã làm tăng nhu cầu tiêu thụ hàng hóa, bao gồm cả nông lâm thủy sản…

Ông Nguyễn Hoài Nam - Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho rằng, dù nhu cầu nhập khẩu từ Mỹ, EU, Nhật Bản... còn rất lớn nhưng để cạnh tranh, phát huy lợi thế, duy trì mức tăng trưởng và tạo dựng thương hiệu thì xuất khẩu thủy sản phải đảm bảo được chất lượng sản phẩm. Đây là yếu tố quyết định.

Năm 2015, trong bối cảnh các thỏa thuận Hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương với nhiều thị trường xuất khẩu lớn sắp được ký kết, như với EU, Hàn Quốc, Liên minh hải quan... thì nhiều sản phẩm Việt Nam sẽ có thuận lợi, được hưởng ưu đãi lớn về thuế. Đó cũng là trở lực do phải đáp ứng các yêu cầu cao theo tiêu chuẩn quốc tế, như sản phẩm thủy sản có nhiều yêu cầu về truy nguyên nguồn gốc.

Bên cạnh đó, với việc hình thành Cộng đồng chung ASEAN vào năm nay, Việt Nam gần như mở cửa hoàn toàn thị trường nông sản cho các nước trong khu vực. Cụ thể, có tới 90% mặt hàng từ các nước ASEAN có thể luân chuyển trong các nước thành viên với thuế suất bằng 0%; một số trong danh mục nông sản nhạy cảm như đường mía, thịt và trứng gia cầm thương phẩm, bưởi, chanh, thịt chế biến có mức thuế 5%.

[caption id="attachment_3020" align="aligncenter" width="838"]Cộng đồng chung ASEAN được hình thành vào năm nay sẽ gần như mở cửa hoàn toàn thị trường nông sản cho các nước thành viên. Cộng đồng chung ASEAN được hình thành vào năm nay sẽ gần như mở cửa hoàn toàn thị trường nông sản cho các nước thành viên.[/caption]

Nền nông nghiệp sẽ đứng trước nhiều thách thức lớn, nếu khả năng cạnh tranh yếu, hiệu quả kinh tế thấp và sản phẩm có chất lượng không tốt hơn các mặt hàng cùng lĩnh vực của các nước trong khu vực.

“Năm nay, chúng tôi định hướng vào việc hướng dẫn giải pháp kỹ thuật, thực hiện mạnh mẽ các chính sách, khuyến khích phát triển chế biến sâu, tăng giá trị hàng xuất khẩu; tái cơ cấu nông nghiệp, thu hút đầu tư và khuyến khích phát triển doanh nghiệp nông nghiệp. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ đẩy mạnh phát triển các sản phẩm có thị trường xuất khẩu và có lợi thế như lúa gạo, cà phê, thủy sản” - Ông Cao Đức Phát, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bày tỏ và cho rằng, mục tiêu tiên quyết là chất lượng nông sản, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm phải tạo chuyển biến mạnh mẽ.

Đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, gắn nông dân với doanh nghiệp cũng là mục tiêu chiến lược của các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long - vựa lúa và nông sản lớn nhất cả nước. Theo ông Nguyễn Phong Quang - Phó trưởng ban thường trực, Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, các tỉnh miền Tây phải thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng bền vững, tăng lợi nhuận trên một đơn vị diện tích, xây dựng mối liên kết chặt chẽ giữa nông dân - hợp tác xã - doanh nghiệp - nhà nước trong quá trình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm phù hợp tình hình thực tế và điều kiện, văn hóa của vùng.

Nhiều doanh nghiệp cũng cho rằng, cần tăng thêm vốn đầu tư vào nông nghiệp, hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp nông nghiệp, tăng cường các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.

 

Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đánh giá, dù có mức tăng trưởng tốt nhưng thu nhập từ nông nghiệp lại khá thấp. “Chúng ta có khoảng 10,2 triệu ha đất nông nghiệp nhưng thu nhập bình quân chỉ khoảng 3.100 USD/ha, hơn 60 triệu đồng, trong khi Hà Lan khoảng 40 nghìn USD/ha. Việc liên kết giữa nông dân, viện nghiên cứu và doanh nghiệp có nhiều thứ chưa ổn lắm. Năm 2015, Chính phủ sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tổ chức tháo gỡ cho doanh nghiệp”.

Theo Thiên Trân (Doanh nghiệp & Đầu tư)

Tags:

Nhiều chỉ số kinh tế tăng trưởng tích cực

Nhiều chỉ số kinh tế trong 2 tháng đầu năm 2025 tăng trưởng tích cực nhưng so với kịch bản để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 8% trong năm 2025 thì chưa đạt như kỳ vọng.

Video