NHNN dựa vào đâu để cấp thêm room tín dụng cho các ngân hàng?

Nhiều ngân hàng đã được điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm nay, cao nhất là 17,4%. Ngân hàng Nhà nước cho biết việc điều chỉnh dựa trên nhiều cơ sở...

NHNN dựa vào đâu để cấp thêm room tín dụng cho các ngân hàng?

Ảnh: Nguyễn Nguyễn

Như chúng tôi đã thông tin, ngày 14/7, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có văn bản gửi các ngân hàng về việc chấp thuận điều chỉnh room tăng trưởng tín dụng. Theo đó, mức tăng trưởng tín dụng được cấp thêm (điều chỉnh tăng so với chỉ tiêu cũ) từ 3 đến gần 6 điểm %.

Trong đó TP. là ngân hàng được cấp room thêm cao nhất, tới gần 6%, lên tổng cộng 17,4% cho cả năm. Ngân hàng M. được cấp thêm 4,5% lên 15%. Ngân hàng V. được cấp thêm 4% lên 14%. Một ngân hàng V. khác được cấp room thêm 3,6% từ 8,5% lên 12,1%. Ngân hàng S. được nới room từ 6,5% lên 10,5%...

Lý giải thông tin về việc điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, Ngân hàng Nhà nước chiều 15/7 cho chúng tôi biết, từ đầu năm đến nay, thực hiện chủ trương và chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, NHNN đã điều hành chính sách tiền tệ và phản ứng chính sách phù hợp với diễn biến của tình hình kinh tế trong và ngoài nước, đạt được kết quả tích cực. Theo đó, phương châm điều hành chính sách tiền tệ của NHNN là chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác để thực hiện được việc kiểm soát lạm phát theo mục tiêu, hỗ trợ ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần phục hồi tăng trưởng kinh tế mặc dù nền kinh tế phải đối mặt với nhiều khó khăn, diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid 19.

Việc điều hành chính sách tiền tệ đã góp phần hỗ trợ kinh tế trong nước phục hồi, tăng trưởng GDP trong 6 tháng đầu năm đạt 5,64%, lạm phát được kiểm soát, bình quân 6 tháng so với cùng kỳ là 1,47%. Thị trường tiền tệ và ngoại hối duy trì ổn định, thanh khoản của các tổ chức tín dụng đảm bảo, tín dụng tăng ngay từ đầu năm và cao hơn cùng kỳ năm trước, mặt bằng lãi suất tiếp tục giảm.

Nhằm góp phần hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế trước tác động bất lợi của đại dịch Covid-19, đồng thời không chủ quan với rủi ro lạm phát, song song với việc triển khai đồng bộ các giải pháp, chính sách tiền tệ khác, NHNN điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các tổ chức tín dụng đảm bảo nguyên tắc nhất quán để đạt được mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ và thực hiện chủ trương của Chính phủ "vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế". 

Cũng theo NHNN, việc điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng được thực hiện trên cơ sở đề nghị của tổ chức tín dụng, đánh giá tình hình hoạt động, năng lực tài chính, quản trị điều hành và khả năng mở rộng tín dụng lành mạnh của từng TCTD; ưu tiên đối với TCTD thực hiện chủ trương của Chính phủ và chỉ đạo của NHNN giảm lãi suất cho vay nhằm chia sẻ khó khăn, đồng hành cùng doanh nghiệp, người dân./.

Theo Nhịp sống kinh tế

Các chính sách đặc thù cho Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam: Phải đủ mạnh mới đủ sức hấp dẫn

Thể chế hóa chủ trương của Bộ Chính trị, trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm của một số nước, dự thảo Nghị quyết của Quốc hội (QH) về Trung tâm tài chính quốc tế (TTTCQT) tại Việt Nam hiện quy định 12 nhóm chính sách nhằm tạo khuôn khổ pháp lý thu hút đầu tư, thúc đẩy hoạt động kinh doanh trong TTTCQT trên các lĩnh vực, bảo đảm xây dựng và vận hành thành công Trung tâm trong bối cảnh đất nước đang tiến vào kỷ nguyên mới.

Video