Lo ngại gì khi Lộc Trời niêm yết?
Hiện tại tập đoàn Lộc Trời đang chịu sự canh tranh gay gắt từ các DN cùng ngành cũng như sản phẩm nhập khẩu, xu hướng hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật...
Thuốc BVTV chiếm tỷ trọng 53%
Tiền thân là Cty Bảo vệ thực vật An Giang, với vốn kinh doanh ban đầu chỉ 750 triệu đồng và 23 nhân viên, chuyên cung ứng thuốc bảo vệ thực vật. Sau một thời gian hoạt động, Tập đoàn này đã trở thành nhà sản xuất, cung ứng hàng đầu trong lĩnh vực nông nghiệp, với chuỗi giá trị bền vững từ nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh các sản phẩm hạt giống, thuốc BVTV, các sản phẩm hữu cơ sinh học, chế biến lương thực, thực phẩm và các sản phẩm giá trị gia tăng sau lúa gạo.
Đến năm 2014, Cty tăng vốn điều lệ lên hơn 652 tỷ đồng. Tổng giá trị tài sản đạt 5702 tỷ đồng. Doanh thu của Cty trong năm 2014 đạt 8846 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 701 tỉ đồng… Năm 2015, Cty đổi tên thành Tập đoàn Lộc Trời. Năm 2015 là một năm khó khăn đối với ngành nông nghiệp vì cạnh tranh gay gắt. Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh của Cty vẫn rất ấn tượng. Tổng doanh thu của Tập đoàn đạt 7856 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hơn 319 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu từ bán thuốc trừ sâu đạt 4170 tỷ đồng, tiếp đó là ngành giống cây trồng đạt 748 tỷ, lương thực và bao bì… Lộc Trời tiếp tục giữ vị trí cao trong hoạt động thuộc lĩnh vực nông nghiệp tại thị trường phía Nam. Tuy nhiên, mảng chủ lực này cũng đang chiuịu các thách thức không nhỏ.
Sụt giảm mảng giống cây trồng
Trong cơ cấu doanh thu của Tập đoàn Lộc Trời, hoạt động kinh doanh giống cây trồng được đánh giá đem lại hiệu quả cao hơn rất nhiều so với các mảng kinh doanh khác.
Tuy nhiên, theo báo cáo tài chính hợp nhất trong năm 2016, mảng giống cây trồng của Lộc Trời bất ngờ giảm mạnh xuống còn 22%.
Được biết, giống cây trồng là đầu vào quan trọng trong lĩnh vực nông nghiệp với rất nhiều tiềm năng tăng trưởng. Tại VN hiện có khoảng 260 DN hoạt động trong lĩnh vực giống cây trồng, tuy nhiên phần lớn đều có quy mô nhỏ và chủ yếu là các Cty thương mại, nhập khẩu giống
Hiện nay, các DN trong nước thực hiện hoạt động nghiên cứu giống lớn trong ngành phải kể đến như Vinaseed (NSC), Giống cây trồng miền Nam (SSC), Tcty Giống cây trồng Thái Bình (Thái Bình Seed) và tập đoàn Lộc Trời…
Trong đó, Vinaseed, Thái Bình seed là các DN có thị phần lớn ở khu vực phía Bắc và Bắc Trung Bộ; SSC (Cty con của Vinaseed) và Lộc Trời là các DN chiếm thị phần lớn phía Nam.
Theo các chuyên gia nông nghiệp, trong năm 2016, tình trạng xâm nhập mặn tại các tỉnh phía Nam khiến ngành nông nghiệp ảnh hưởng nặng, kéo theo sự sụt giảm doanh thu của các DN kinh doanh giống cây trồng và Lộc Trời không phải là ngoại lệ. Bên cạnh đó là sự cạnh tranh gay gắt từ các sản phẩm trong lĩnh vực này được nhập khẩu từ Trung Quốc.
Trong năm 2015, doanh thu mảng kinh doanh giống cây trồng của Tập đoàn Lộc Trời là còn 748 tỷ đồng, nhưng năm 2016, doanh thu mảng này tiếp tục sụt giảm chỉ còn 630 tỷ đồng.
Doanh thu sụt giảm đã kéo theo lãi gộp của Lộc Trời và SSC cũng giảm đáng kể. Theo đó, lãi gộp mảng giống cây trồng của Lộc Trời trong năm 2016 chỉ đạt 141 tỷ đồng, giảm 46%, trong khi tỷ lệ này ở các DN khác giảm không đáng kể, ví dụ như SSC đạt 131 tỷ đồng chỉ giảm 17%.
Đối phó với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc Nhìn vào cơ cấu doanh thu của Tập đoàn lộc Trời đạt 7856 tỷ đồng, chỉ riêng mảng doanh thu từ bán thuốc trừ sâu đạt 4170 tỷ đồng, trong khi các mảng khác đều thấp. Với doanh thu khủng từ mảng thuốc trừ sâu, các chuyên gia đều cho rằng Tập đoàn cần nhìn nhận và thay đổi cơ cấu này. Bới nếu chỉ trông chờ nhiều vào kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) sẽ đối diện với thách thức về ô nhiễm môi trường . Rất nhiều ý kiến cho rằng việc lạm dụng nhiều thuốc BVTV sẽ khiến nền nông nghiệp không còn sạch. Và để giải quyết bài toán nông nghiệp sạch DN phải có trách nhiệm hạn chế dư lượng thuốc BVTV trong sản xuất nông nghiệp. Trao đổi với chúng tôi, đại diện của Ban Lãnh đạo Tập đoàn Lộc Trời cho rằng, đây thực sự là một thách thức lớn của nền nông nghiệp toàn cầu hiện nay và xu thế sử dụng các sản phẩm hữu cơ sinh học đang ngày một rõ ràng hơn. Nhận thức điều này, Lộc Trời đã cung cấp cho thị trường hàng loạt các sản phẩm hữu cơ sinh học chất lượng cao từ phân bón hữu cơ, chế phẩm trừ bệnh... Đây là chiến lược “Nuôi dưỡng và bảo vệ cây trồng, môi trường” mà Tập đoàn đang triển khai. Với hướng đi này, việc canh tác hữu cơ sẽ cải thiện và duy trì các điều kiện của môi trường tự nhiên và hệ sinh thái nông nghiệp, trở thành công cụ hỗ trợ đắc lực và hữu hiệu để phát triển nền nông nghiệp bền vững Ông Nguyễn Văn Hải - Chuyên viên kiểm toán cho rằng, dù doanh thu thuốc BVTV của Lộc Trời chiếm tới 53%, nhưng nguyên liệu phục vụ cho sản xuất thuốc BVTV hiện chủ yếu được nhập khẩu. Vậy nên những rủi ro về biến động giá và nguồn cung ứng nguyên liệu đầu vào sẽ tác động trực tiếp tới giá thuốc trong nước cũng như khả năng tiêu thụ, ảnh hưởng trực tiếp tới doanh thu và lợi nhuận của Lộc Trời. Ngoài rủi ro đã phân tích thì thách thức nhìn từ thị phần cho thấy “sân chơi” thuốc BVTV đang có sự cạnh tranh gay gắt từ Trung Quốc. Trong 3 năm gần đây, mỗi năm VN phải chi khoảng nửa tỷ USD cho nhập khẩu thuốc BVTV, nhất là nhập khẩu từ Trung Quốc. Điều đáng nói, đây mới chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm” vì thực tế, lượng thuốc trừ sâu từ Trung Quốc được tuồn vào thị trường nội địa còn lớn gấp nhiều lần, thông qua các con đường tiểu ngạch mà các cơ quan chức năng chưa thể quản lý được. Theo các chuyên gia, đã đến lúc không chỉ quản lý chặt việc nhập khẩu, sử dụng thuốc BVTV mà còn hướng đến những sản phẩm an toàn cho sức khỏe người làm nông nghiệp và người tiêu dùng …Không riêng gì Lộc Trời mà bản thân DN kinh doanh thuốc BVTV trong nước thay vì nhập khẩu cũng cần chú trọng đầu tư vào lĩnh vực này tạo ra những sản phẩm có chất lượng cao thân thiện với môi trường có sức cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu…Rõ ràng với những khó khăn về sụt giảm mảng giống cây trồng cùng với thách thức về mảng doanh thu lớn từ mảng thuốc BVTV sẽ là những rào cản của Tập đoàn khi chuẩn bị chào sàn niêm yết trong thời gian tới… |