Là một trong những công ty xây dựng hàng đầu của Việt Nam, tuy hiện còn những khó khăn về tài chính, nhưng nhờ có uy tín cao với các nhà đầu tư lớn, Hòa Bình đang cố gắng xoay chuyển tình thế.

Đang có một nghịch lý với Công ty cổ phần Xây dựng và Kinh doanh Địa ốc Hòa Bình (HBC): càng trúng thầu nhiều dự án thì các khoản nợ càng phình to. Trong lúc đó, Công ty cổ phần Xây dựng Coteccons đã vượt qua HBC trở thành doanh nghiệp thắng thầu thi công siêu dự án cao tầng nhất tại Việt Nam – The Landmark 81 (461 m).
Cú sẩy chân
Có sự tương đồng giữa Hòa Bình và Coteccons, đó là thắng lợi của các doanh nghiệp Việt khi lần lượt thắng thầu thi công 2 tòa nhà cao nhất Việt Nam, vượt mặt các đối thủ quốc tế. Trước tiên, vinh dự này thuộc về Hòa Bình với dự án VietinBank Tower (363 m). Sau đó để giành quyền trúng thầu, Coteccons liên doanh với Tập đoàn Obayashi (Nhật) để nhận hỗ trợ về kỹ thuật, nhờ đó đã vượt qua hai đối thủ lớn trong ngành xây dựng đến từ Hàn Quốc là Lotte và Ssangyong để giành quyền thi công dự án Landmark 81 tầng của chủ đầu tư Vingroup với tổng giá trị gói thầu có thể lên đến 6.000 tỷ đồng. Siêu dự án này khi đi vào hoạt động sẽ được xếp trong tốp 10 tòa nhà cao nhất thế giới.
Quay trở lại với vụ Hòa Bình thắng thầu công trình VietinBank Tower trước đó, chủ yếu là nhờ vào lợi thế giá thành xây dựng gói thầu và năng lực chuyên môn. Giá bỏ thầu của Hòa Bình thấp hơn rất nhiều so với đối thủ ngoại, chỉ vào khoảng 3.000 tỷ đồng so với 5.300 tỷ đồng từ đối thủ. Xét về góc độ chuyên môn, các công trình siêu cao tầng thường rất phức tạp trong việc tính toán kết cấu và sử dụng vật liệu. VietinBank là chủ đầu tư yêu cầu đơn vị thi công sử dụng vật liệu xây dựng là bê tông cốt sợi thủy tinh thay cho bê tông cốt thép truyền thống khiến cho giá thành đội lên rất nhiều.
Theo ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT Hòa Bình, nhờ vào việc nội địa hóa quá trình sản xuất bê tông cốt sợi thủy tinh; sử dụng kết cấu thép của nhà sản xuất và cung ứng trong nước; nhân lực có kinh nghiệm thi công những công trình lớn, kỹ thuật phức tạp và khả năng tối ưu hóa chi phí quản lý đã giúp Hòa Bình tự tin đưa ra mức giá trên.
Trên thực tế, trong khi Coteccons đầy hứng khởi với gói thầu siêu dự án Landmark 81 thì Hòa Bình lại đang trong tình thế vướng chân tại VietinBank Tower, dự án đã làm công ty lỗ 125 tỷ đồng khiến giảm tỷ lệ lợi nhuận gộp trong năm 2015. Nguyên nhân được ban lãnh đạo Hòa Bình viện đến là do giá dự thầu thấp, sự phối hợp giữa chủ đầu tư và nhà tư vấn chưa đồng bộ, các phương án thi công bê tông khối lớn và các vấn đề nhà thầu yêu cầu giải quyết bị kéo dài nên làm tăng chi phí. Và có khả năng dự án này tiếp tục khiến Hòa Bình gánh tiếp khoản lỗ trong năm 2016.
Đây chưa phải là dự án duy nhất khiến Hòa Bình bị lỗ, có thể kể đến dự án SSG Tower đang tạo ra khoản lỗ 28,7 tỷ đồng cũng với những lý do tương tự trên.
Thực ra, sức khỏe tài chính của Hòa Bình là điều đáng ngại nhất. Mở rộng quá nhiều lĩnh vực với một loạt các dự án lớn thi công cùng lúc, đang tạo ra áp lực nợ rất lớn cho Hòa Bình. Tính đến hết quý II/2016, nợ phải trả của Hòa Bình đã lên tới 8.806 tỷ đồng, trong đó nợ vay ngắn hạn ngân hàng lên đến 2.548 tỷ đồng. Điều này cho thấy, Hòa Bình đang cần nguồn vốn lưu động lớn để chạy các dự án. Vấn nạn này tuy không xa lạ trong ngành xây dựng, nhưng với thời gian dự án hoàn thành từ 2-3 năm thì Hòa Bình đối diện thường trực với áp lực trả nợ rất lớn, cùng với đó việc phải trả lãi vay hàng năm hơn 100 tỷ đồng khiến lợi nhuận của doanh nghiệp bị bào mòn. Trong khi đó, hàng tồn kho của Hòa Bình tính đến hết quý II/2016 cũng tăng lên đáng kể, từ 923 tỷ lên 1.655 tỷ đồng. Tồn kho của công ty chủ yếu là chi phí kinh doanh dở dang tại các công trình như: dự án Vietinbank Tower, The Ascent, nhà ga quốc tế T2, Marriott Phú Quốc…
Đang thiếu tiền nhưng Hòa Bình lại để các khoản thu ngắn hạn lên tới 5.396 tỷ đồng, chủ yếu ở hai mục là thu của khách hàng và thu theo tiến độ kế hoạch hợp đồng xây dựng. Hòa Bình tỏ ra khá dễ dãi trong việc thu tiền. Trong khi đó, Coteccons có chính sách đòi nợ hợp lý với hình thức nghiệm thu theo tháng, đồng thời yêu cầu chủ đầu tư thanh toán tiền trong thời hạn tương tự. Nhờ vậy, Coteccons không bị dính khoản nợ vay nào từ ngân hàng. Ngược lại, đến thời điểm này tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu của Hòa Bình đang rất cao, đã là 6,8 lần.
Gia tăng sức mạnh
Đối diện với các khó khăn tài chính, nhưng nhờ có uy tín và năng lực chuyên môn, các chủ đầu tư vẫn tin tưởng giao Hòa Bình làm chủ thầu thi công nhiều dự án có giá trị lớn.
Sau khi để mất hợp đồng tòa nhà cao nhất Việt Nam vào tay Coteccons, Hòa Bình lại giành được dự án Cocobay (Đà Nẵng), có tổng giá trị đầu tư dự kiến khoảng 11.000 tỷ đồng. Tập đoàn Vingroup vẫn tin cậy giao cho Hòa Bình hàng loạt các dự án trọng điểm tại Vinhomes Ba Son. Và gần đây nhất Novaland đã quyết định giao Hòa Bình thi công 4 gói thầu lớn tại TP.HCM, có tổng giá trị hợp đồng là hơn 2.100 tỷ đồng, vì trước đó, Hòa Bình đã thực hiện thành công hàng loạt dự án cho doanh nghiệp này. Và tính từ đầu tháng 1/2016 đến nay, Hòa Bình đã nhận được tổng giá trị hợp đồng ký mới lên đến hơn 10.000 tỷ đồng.
Trên cơ sở này, cùng với xu thế thị trường bất động sản có những tín hiệu phát triển khả quan, Hòa Bình đã không ngần ngại đặt kế hoạch 2016 với doanh thu 7.200 tỷ đồng và lãi ròng 252 tỷ đồng, lần lượt tăng 42% và 200% so với cùng kỳ năm trước.
Theo ông Lê Viết Hải, từ nay đến năm 2020, cơ cấu doanh thu của Hòa Bình có một số thay đổi. Đó là gia tăng các hoạt động tổng thầu thiết kế và thi công (D&B) lên 12%, giảm mảng xây dựng từ 76% xuống còn 67% và lĩnh vực bất động sản tiếp tục giữ nguyên ở mốc 11%.
Mô hình thiết kế và thi công là cách làm khá hiện đại trong ngành xây dựng hiện nay. Thay vì các nhà thầu làm theo bản vẽ thì với mô hình D&B, nhà thầu sẽ đảm trách toàn bộ công đoạn từ tư vấn, thiết kế kết cấu, chọn vật liệu đến biện pháp thi công với mục đích tạo ra phương án tối ưu để chủ đầu tư nhận được lợi ích cao nhất. Với mô hình D&B thì chủ đầu tư được lợi chi phí, có giá thành phù hợp, thời gian hoàn thành công trình nhanh hơn và đổi lại đơn vị thi công sẽ có lợi nhuận cao hơn so với phương pháp truyền thống. Theo tính toán của Hòa Bình, mô hình này cải thiện biên lợi nhuận gộp từ 10 – 15%. Thực tế, từ năm 2014, Hòa Bình đã thực hiện nhiều dự án ký kết theo mô hình D&B với lợi nhuận rất khả quan.
Vẫn theo ông Lê Viết Hải, để có thể thực hiện mô hình tổng thầu D&B, Hòa Bình phải phát triển và nâng cao năng lực các công ty con ở các lĩnh vực xây dựng chuyên ngành như: thi công hệ thống điện nước, thi công trang trí nội thất, tường kính, cửa nhôm… Bởi mô hình D&B tạo ra một chuỗi giá trị khép kín và chỉ có các công ty con mới có thể tạo ra các giá trị gia tăng và chi phí tối ưu để tăng năng lực cạnh tranh chứ không thể dựa vào nhà thầu phụ.
Chưa dừng tại đây, Hòa Bình luôn tìm kiếm các cơ hội mới để gia tăng doanh thu và xây dựng vị thế một công ty xây dựng hàng đầu tại Việt Nam. Hòa Bình đã chính thức tham gia vào cuộc chơi đầu tư vào mảng hạ tầng. Doanh nghiệp này đã trúng thầu dự án Depot Tham Lương thuộc tuyến Metro số 1 và cũng là doanh nghiệp nội địa đầu tiên được nhận làm thầu chính trong các dự án đường sắt đô thị tại TP.HCM vốn có độ khó về mặt kỹ thuật. Một lần nữa, Hòa Bình đã cho thấy năng lực của mình trong lĩnh vực mới và trước đây cũng là doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên đủ khả năng thực hiện các dự án siêu cao tầng. Cách đi của Hòa Bình trong việc bước vào mảng kinh doanh mới nhờ khởi đầu là nhà thầu phụ để học hỏi kinh nghiệm, cụ thể trước đó Hòa Bình đã tham gia vào dự án tuyến đường sắt đô thị Metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên với trách nhiệm triển khai 6 trạm dừng chân. Cơ hội cho Hòa Bình trong lĩnh vực hạ tầng giao thông sẽ mở ra rất thoáng với giá trị hợp đồng rất lớn lên đến hàng tỷ đô la Mỹ.
Hòa Bình đang nhìn thị trường xây dựng nước ngoài là cột mốc mới để đạt được thương hiệu mang tính quốc tế. Ông Lê Viết Hải rất tự tin trong cuộc chơi này, vì Hòa Bình đang có những lợi thế như sự am hiểu ngành, kinh nghiệm làm việc với chủ đầu tư quốc tế lâu năm, trình độ thi công đã đạt cấp độ quốc tế, sở hữu đội ngũ nhân lực trong nước giỏi chuyên môn. Các yếu tố này sẽ giúp Hòa Bình đưa ra giá thầu rẻ hơn để tăng lợi thế cạnh tranh, nhưng vẫn đảm bảo biên lợi nhuận tốt.
Vấn đề còn lại của Hòa Bình hiện nay là làm sao cải thiện sức khỏe tài chính. Hòa Bình một mặt đang tái cấu trúc công ty, tập trung vào các mảng kinh doanh đem lại hiệu quả doanh thu, tối ưu hóa chi phí, mặt khác phương án phát hành tối đa 20 triệu cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược đã được đặt ra theo hướng tăng vốn chủ sở hữu mà không tăng thêm gánh nặng nợ. Mục tiêu của Hòa Bình là các nhà đầu tư nước ngoài, vì vậy công ty đã thực hiện việc nâng tỷ lệ sở hữu của khối ngoại trong công ty lên. Theo ban lãnh đạo Hòa Bình, tiến trình gọi vốn đang diễn ra với kết quả khá khả quan.
Theo Doanh nhân