Giải bài toán đầu tư giúp đồng bằng cất cánh
![]() |
Rõ nhất là từ hồi tháng 6 đến tháng 9-2021. Nông sản từ đồng bằng thu hoạch xong, không chở lên thành phố tiêu thụ được, giá rớt thê thảm. Trái ngược, người dân TP.HCM lại không tiếp cận được với hàng nông sản, giá rau củ quả tăng đột biến, hệ thống siêu thị không đáp ứng nổi.
“Giải bài toán thị trường cho sản phẩm nông sản ở vùng ĐBSCL cũng là một trong các giải pháp để đánh thức tiềm năng của vùng đất trù phú này”, Phó Chủ tịch tỉnh An Giang Trần Anh Thư phát biểu.
Đồng bằng đâu có tệ, nhưng…
So với với các vùng kinh tế khác, ĐBSCL khá thiệt thòi trong thu hút đầu tư nước ngoài (FDI). Số liệu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần thơ (VCCI Cần Thơ) cho thấy, có 151 dự án FDI đăng ký ở ĐBSCL với tổng vốn đầu tư hơn 6 tỷ đô la trong năm 2020. Tổng vốn FDI của vùng tăng đáng kể so với các năm trước, tuy nhiên, con số này chỉ bằng 66,9% tổng vốn đăng ký của đồng bằng sông Hồng và 59,2% so với miền Đông Nam bộ.
Trong quý 3-2021, tuy ảnh hưởng của tình hình dịch Covid-19 phức tạp, nhưng khu vực ĐBSCL vẫn có 14 dự án FDI được cấp mới, với tổng số vốn đăng ký là 202 triệu đô la. Tập trung ở các tỉnh Long An, Vĩnh Long, Cần Thơ, Bạc Liêu và Hậu Giang. Môi trường kinh doanh của ĐBSCL hiện có nhiều thế mạnh so với các vùng kinh tế còn lại, trong 10 tiêu chí của Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đã có sáu chỉ số có điểm cao nhất, gồm: Dễ dàng trong tiếp cận đất đai và sử dụng ổn định; chi phí thời gian thực hiện các thủ tục hành chính nhanh hơn các vùng khác; chi phí không chính thức thấp, tỷ lệ nhũng nhiễu thấp nhất cả nước; môi trường cạnh tranh bình đẳng; tính năng động và tiên phong của lãnh đạo địa phương; hệ thống pháp luật và tư pháp để giải quyết tranh chấp công bằng và hiệu quả.
Điều này cho thấy các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL đang thật sự chú trọng đến việc cải thiện chất lượng điều hành kinh tế, cùng xu hướng chung của cả nước trong công tác nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Tuy vậy, trên thực tế, ở mỗi địa phương khu vực ĐBSCL vẫn tồn tại tình trạng mạnh ai nấy làm, tách ra từng mảnh ghép riêng biệt – theo lời Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nêu ra tại Diễn đàn Mekong Connect hồi giữa tháng 12-2021. Đây cũng là nguyên nhân khiến chuyện mời gọi các doanh nghiệp FDI, kể cả các doanh nghiệp Việt Nam “để mắt” đến việc đầu tư khu vực này chỉ khoanh trọn trong phạm vi một tỉnh.
“Khu vực ĐBSCL cần phải chuyển từ theo đuổi phát triển theo từng địa giới hành chính sang phát triển dựa trên không gian liên địa phương, liên vùng có cùng ngành hàng trong không gian mở như một thực thể kinh tế hoàn chỉnh. Cần phải gắn kết chặt chẽ giữa nông nghiệp và công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan, nhấn mạnh.
Đầu tư cho hạ tầng logistics
ĐBSCL cần cấp thiết phát triển các chiến lược logistics. Đầu tiên là ý tưởng một trung tâm phân phối hàng hóa hoặc cụm logistics. ĐBSCL đang rất cần thêm nhiều kho lạnh hàng hóa, hoặc trung tâm sản xuất, trung tâm tích hợp logistics…. Đây là nhận định chung của nhiều chuyên gia kinh tế, lãnh đạo các tỉnh thành và các DN.
Ông Nguyễn Phương Lam - Giám đốc VCCI Cần Thơ, cho rằng, chi phí đường thủy cao hơn chi phí đường bộ là nghịch lý. Chi phí một container từ ĐBSCL đi TP.HCM bằng từ TP.HCM đi Đà Nẵng cho thấy sự không đồng bộ.
“Liên kết vùng là câu chuyện lớn và đã nói nhiều lần. Nhưng logistics là vấn đề rất cụ thể và cần thiết mà ĐBSCL phải giải quyết để tăng sức cạnh tranh của hàng hóa và doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường quốc tế. Bởi, một khi khu vực, địa phương nào được đầu tư hạ tầng giao thông hoàn thiện, kết nối, sẽ tạo lực đẩy rất lớn trong phát triển kinh tế và thu hút đầu tư ", ông Lam cho biết.
Dẫn chứng về việc này, giám đốc VCCI Cần Thơ thông tin, năm 2000, khi cầu Mỹ Thuận hoàn thành cùng với cải tạo Quốc lộ 1, các tỉnh Long An, Tiền Giang và Vĩnh Long tăng trưởng cao hơn các địa phương còn lại. Bên cạnh điều kiện khác, Long An và Tiền Giang thu hút đầu tư lớn, giá trị sản xuất công nghiệp tăng vượt trội và trở thành hai tỉnh xuất khẩu lớn nhất vùng ĐBSCL. Hoặc, khi Cầu Cần Thơ hoàn thành đã thúc đẩy Cần Thơ trở thành trung tâm của vùng tốt hơn, tăng trưởng hơn 7,5%. Đến lượt cầu Cao Lãnh và Vàm Cống đưa vào khai thác, khai thông thế độc đạo của Quốc lộ 1, thúc đẩy các tỉnh khu vực phía Tây (Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang) phát triển, không chỉ kinh tế mà cả về du lịch. “Muốn đồng bằng "cất cánh" thì việc đầu tiên là cần xây dựng những “đường băng” để tạo tiền đề cho các tỉnh, thành”- ông Lam nói.
Trong khi đó, chuyên gia Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc trường Chính sách công và quản lý (Đại học Fulbright tại TP.HCM), chỉ ra một số “điểm nghẽn” của việc thiếu phối hợp trong quy hoạch vùng, đầu tư công và cơ sở hạ tầng chưa có sự phối hợp giữa các tỉnh, thành; chưa có dự án lớn làm đòn bẩy cho cả khu vực… Vì vậy, ông đề nghị nên kiến nghị Chính phủ cho ĐBSCL một thể chế chính quyền vùng, áp dụng cho mọi hoạt động, tài khóa…
“Mỗi địa phương đều chăm lo cho lợi ích của mình mà quên mất một vùng cần phát triển bền vững. Cần nhận dạng ĐBSCL như một tổng thể, những gì liên quan đến lợi ích của ĐBSCL cần được xem là thách thức chung và nên có cơ sở dữ liệu chung để nối kết dữ liệu các địa phương lại với nhau. ĐBSCL mạnh thì từng địa phương mới mạnh”, ông Vũ Thành Tự Anh, đề nghị.
“Bộ KH&ĐT và Bộ NN&PTNT đã đưa vào Dự thảo Nghị quyết cơ chế đặc thù cho TP. Cần Thơ về việc thiết lập một cụm liên kết logistics, chế biến và bảo quản của vùng ĐBSCL tại địa phương này, trình Ủy ban thường vụ Quốc hội. Nếu được thông qua, đây sẽ là thiết chế đặc thù dành cho logistics, nông sản và chế biến” - Ông Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT). |
Quốc Hải