Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam chuyển sang giai đoạn phát triển mới

Tại lễ khởi công xây dựng Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP 3) hôm 19-3, tập đoàn Lego của Đan Mạch cũng chính thức nhận giấy phép đầu tư xây nhà máy rộng 44ha, trị giá 1 tỷ USD. Nhà máy của Lego sẽ là dự án trung hòa carbon đầu tiên, được cung cấp năng lượng từ nguồn điện mặt trời của khu công nghiệp.

Ngoài Lego, hơn 30 tập đoàn, công ty trong và ngoài nước cũng quan tâm tìm hiểu khả năng phát triển tại VSIP 3 với tổng diện tích khoảng 176ha.

Việt Nam vẫn tiếp tục là điểm đến đầu tư an toàn và tiềm năng đối với các nhà đầu tư nước ngoài trong năm 2022 – theo lời ông Nguyễn Hải Minh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham). Tuy nhiên, thu hút dòng vốn FDI đã chuyển sang trang mới với các dự án lớn hơn, hàm lượng công nghệ cao hơn và sạch hơn.

TẤP NẬP CÁC DỰ ÁN LỚN

Nhiều nhà đầu tư lớn đã tìm hiểu và thăm dò thị trường Việt Nam từ trước và vẫn quyết định “xuống tiền” trong bối cảnh dịch bệnh. Có thể nhắc lại dự án “khủng” của tập đoàn Lego của Đan Mạch. Đây là dự án lớn nhất của Đan Mạch từ trước đến nay, giúp nước này trở thành nhà đầu tư hàng đầu trong các nước và lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam.

Với diện tích hơn 820km2 và là tỉnh nhỏ nhất Việt Nam, nhưng Bắc Ninh có đến 15 khu công nghiệp thu hút các tập đoàn công nghệ lớn trên toàn cầu.

Ngoài Samsung và các nhà thầu lắp ráp cho Apple, mới nhất Bắc Ninh cũng đón nhận tập đoàn sản xuất chất bán dẫn Amkor của Hàn Quốc. Do các thủ tục nhập cảnh, phải đến đầu tháng 11/2021, các quan chức của Amkor mới có thể vào Việt Nam để ký thỏa thuận xây nhà máy chất bán dẫn trị giá 1,6 tỷ USD tại KCN Yên Phong 2. Vốn đầu tư giai đoạn 1 của dự án là 520 triệu USD, , dự kiến giải ngân trong vòng 5 năm và phần vốn đầu tư còn lại sẽ được đầu tư đến năm 2035.

Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, quý I năm 2022, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam ước tính đạt 4,42 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước - đây là mức cao nhất của quý I trong 5 năm qua.

Theo đó, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 3,44 tỷ USD - chiếm 77,8% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 379,8 triệu USD - chiếm 8,6%; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 350,3 triệu USD - chiếm 7,9%.

Tuy nhiên, Tổng cục Thống kê cũng cho biết, tính đến ngày 20/3/2022, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam; bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 8,91 tỷ USD, giảm 12,1% so với cùng kỳ năm trước.

Các nhà đầu tư nước ngoài tại Bắc Ninh đang mở rộng cơ ngơi làm ăn. Đặc biệt phải kể đến hai dự án điều chỉnh vốn. Đầu tiên là khu công nghiệp VSIP Bắc Ninh điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 941 triệu USD và hãng Goertek chuyên sản xuất tai nghe AirPod cho Apple điều chỉnh tăng thêm gần 306 triệu USD, nâng tổng vốn của dự án tại khu công nghiệp Quế Võ lên hơn 565 triệu USD.

Ngoài dự án lớn tại Bắc Ninh, hồi tháng 1-2022, sau hơn một năm xây dựng nhà xưởng ở khu công nghiệp WHA Industrial Zone 1 tại Nghệ An, Goertek đã quyết định nâng tổng vốn đầu tư của dự án từ 100 triệu đô la lên 500 triệu đô la. Hiện Goertek trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất ở Nghệ An từ trước đến nay.

Hải Phòng luôn là tỉnh thu hút nguồn FDI hàng đầu ở miền Bắc. Các dự án nổi bật bao gồm Pegatron Việt Nam đầu tư xây nhà máy 500 triệu USD sản xuất các thiết bị và linh kiện điện tử, USI Việt Nam đầu tư 200 triệu USD sản xuất bo mạch điện tử cho smartphone, tai nghe và đồng hồ hay nhà máy băng dính Tesa Hải Phòng có vốn đầu tư 55 triệu euro.

Samsung vẫn là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam với việc liên tục mở rộng đầu tư vào Việt Nam. Đầu năm 2022, Samsung đã tăng thêm 920 triệu USD cho Nhà máy Điện cơ Samsung (SEMV) tại Thái Nguyên. Như vậy, Samsung đã mở rộng quy mô đầu tư tại Việt Nam lên trên 19 tỷ USD, tăng hơn 28 lần so với cam kết ban đầu 670 triệu USD vào năm 2008. Tổng giám đốc Samsung Việt Nam Choi Joo Ho khẳng định Samsung sẽ từng bước đưa Việt Nam không chỉ trở thành cứ điểm sản xuất trọng điểm toàn cầu, mà còn là trung tâm chiến lược về nghiên cứu và phát triển (R&D) của tập đoàn.

CHÚ TRỌNG CÔNG NGHỆ CAO VÀ SẠCH

Nền kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 trong hai năm qua. Nhưng chính sách thu hút đầu tư có chọn lọc của Việt Nam theo hướng “giảm lượng tăng chất”, lọc bớt các dự án quy mô nhỏ, ít giá trị đã mang lại hiệu quả nhất định - theo lời ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài.

Tỷ lệ vốn FDI vào ngành nghề nguy cơ ô nhiễm cao, công nghệ lạc hậu như dệt nhuộm đã giảm dần. Dòng vốn chảy mạnh vào các dự án hàm lượng công nghệ cao, xu hướng xanh và năng lượng tái tạo.

Ông Teo Ban Seng - giám đốc điều hành Tập đoàn Sembcorp Development (Singapore), đồng chủ tịch VSIP Group – nói rằng các nhà máy điện mặt trời áp mái tại các tòa nhà văn phòng và nhà xưởng ở VSIP sẽ cung cấp nguồn năng lượng sạch và ổn định ngay tại chỗ cho các hoạt động sản xuất kinh doanh của các nhà máy tại VSIP. “Điều này góp phần thực hiện mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050 mà Việt Nam đã cam kết khi tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26)”, ông Teo phát biểu tại buổi lễ động thổ VSIP 3.

Hiện VSIP Group đang điều hành 11 khu công nghiệp tại Việt Nam. Với kinh nghiệm phát triển công nghiệp thành công ở cả Singapore và Việt Nam, ông Teo nhấn mạnh, các nhà đầu tư từ Singapore muốn áp dụng những công nghệ mới cho VSIP 3, biến nơi đây trở thành một trong những khu công nghiệp đầu tiên trong cả nước công bố khái niệm khu công nghiệp thông minh và bền vững.

Năm 2022 được dự báo sẽ là năm thuận lợi cho việc thu hút dòng vốn quốc tế vào Việt Nam. Chuỗi cung ứng toàn cầu đang hồi phục nhanh, nhu cầu tiêu dùng thế giới gia tăng là cơ hội để doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất.

Các chuyến công du nước ngoài của các lãnh đạo Việt Nam trong năm 2021 đã mở ra nhiều cơ hội mới. Riêng trong chuyến thăm châu Âu của Thủ tướng Phạm Minh Chính cuối năm ngoái, tổng giá trị cam kết, biên bản ghi nhớ giữa các doanh nghiệp Việt Nam và châu Âu lên đến 30 tỷ USD. Năm 2022 và những năm tới chính là thời điểm hái “quả ngọt”.

Ông Takeo Nakajama, trưởng đại diện Văn phòng Hà Nội của JETRO (Cơ quan Xúc tiến Thương mại Nhật Bản), nhận định các nhà đầu tư nước này cũng bắt đầu điều chỉnh và có sự tập trung vào các dự án bán lẻ, dịch vụ hương đến thị trường nội địa và xuất khẩu, nhằm tận dụng các cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã ký kết.

Điển hình của sự chuyển hướng này là thương hiệu thời trang Uniqlo và tập đoàn bán lẻ AEON liên tục mở rộng kinh doanh tại Việt Nam. Đây là chuyển hướng tích cực nhằm vào thị trường bán lẻ tiềm năng với gần 100 triệu dân, với triển vọng kinh tế được dự báo tích cực trong năm 2022.

Trước đó, JETRO đã công bố kết quả khảo sát thực trạng của các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài trong năm 2021. Dù Việt Nam chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid trong năm qua, nhưng các doanh nghiệp vẫn lạc quan về triển vọng kinh doanh tại Việt Nam trong hai năm 2021-2022. Việt Nam là điểm đến hàng đầu ở ASEAN với hơn 55% doanh nghiệp được khảo sát nói dự định sẽ mở rộng kinh doanh trong vòng 1-2 năm tới.

Hồ Nguyễn

Nhiều chỉ số kinh tế tăng trưởng tích cực

Nhiều chỉ số kinh tế trong 2 tháng đầu năm 2025 tăng trưởng tích cực nhưng so với kịch bản để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 8% trong năm 2025 thì chưa đạt như kỳ vọng.

Video