Việt Nam đang có cơ hội lịch sử để xây dựng, phát triển các đặc khu hành chính, kinh tế để đưa đất cất cánh. Các khu vực kinh tế năng động, sáng tạo sẽ được ưu tiên phát triển trở thành mũi nhọn nhằm tạo sức lan tỏa cho những khu vực kinh tế khác và cho kinh tế cả nước.
Theo ông Vương Đình Huệ – Trưởng Ban kinh tế Trung ương, Việt Nam đang có lợi thế lớn về phát triển kinh tế biển, đảo với hơn 50 cảng biển, 40 vũng, vịnh, 3.000 hòn đảo lớn nhỏ; là 1 trong 10 nước trên thế giới có chỉ số cao nhất về chiều dài bờ biển (3.260 km). Vì thế, việc xây dựng đặc khu kinh tế (ĐKKT) để tạo các cực tăng trưởng và thử nghiệm thể chế là chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam.
Đột phá về thể chế
Theo đó, Việt Nam cần phải xây dựng và ban hành các thể chế hành chính và kinh tế của các ĐKKT mang tầm quốc tế, đủ sức cạnh tranh vượt trội với các đặc khu đã hình thành trên thế giới. Hiện nay nước ta đã có khu kinh tế mở Chu Lai và 15 khu kinh tế ven biển. Các khu kinh tế này đã đạt được những kết quả nhất định về thu hút đầu tư, giải quyết việc làm, đóng góp đáng kể cho ngân sách địa phương, nhưng chưa phải là ĐKKT thực thụ. “Thể chế ở các khu kinh tế này tuy có vượt trội so với các khu công nghiệp, nhưng chỉ tập trung vào các ưu đãi về thuế, về tiền thuê đất nên so với các ĐKKT trên thế giới thì còn nhiều bất cập, không đủ sức cạnh tranh” – ông Huệ cho biết thêm.
Thực tế cho thấy, những bài học mà Việt Nam rút ra từ kinh nghiệm xây dựng các ĐKKT trở ngại lớn nhất là vĩ mô và khó khăn phát sinh từ cấp địa phương. Đây là điểm nghẽn then chốt cần có đột phá trong quá trình phát triển ĐKKT. TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhận xét, các ĐKKT của Việt Nam đều chưa thành công trở thành “bàn đạp phát triển”, những “tọa độ đột phá” cho nền kinh tế, thậm chí nhiều đặc khu còn “thất bại”. TS Thiên chỉ rõ, việc đột phá phát triển của loại hình kinh tế này nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của thời đại, tạo sức mạnh đột phá và lan tỏa đưa kinh tế tiến vượt lên trên cả trục công nghệ lẫn trục thể chế.

Chính sự không thống nhất tư duy phát triển (e dè, lo ngại tính cấp tiến, vượt trội thể chế, sợ “chệch hướng”, tính “kèn cựa” cục bộ địa phương, v.v.) đã cản trở quá trình phát triển các ĐKKT. Các ĐKKT chưa thể đột phá được hình thành từ địa phương, chứ chưa phải tầm nhìn tầm cỡ quốc gia và quốc tế. Vốn trở thành nỗi lo của các ĐKKT mà không gắn liền với trách nhiệm lợi ích phát triển vùng kinh tế, nên khả năng thất bại rất lớn. Các địa phương không thể áp dụng hệ thống thể chế vượt trội để tạo đột phá, phát triển ĐKKT lên tầm cao mới.
Theo TS Thiên hệ thống thể chế còn kém phát triển, chỉ dừng ở mức độ ưu đãi kinh tế chứ không phải hoàn thiện môi trường kinh doanh hiện đại đủ sức hấp dẫn mạnh mẽ các nhà đầu tư lớn. Trong đó, có vai trò của các doanh nghiệp trong nước xứng tầm tham gia, cộng với chất lượng nguồn nhân lực tốt, hệ thống kết nối hạ tầng hiện đại. Do mô hình phát triển kinh tế theo chiều rộng khia thác tài nguyên khoáng sản, gia công lắp ráp là chủ yếu nên tọa độ kinh tế trọng điểm bị “bỏ quên”.
“Với các đặc khu, ưu đãi phải tuyệt đối, thậm chí rào cản thuế quan, thương mại, đầu tư…có thế áp dụng mức thuế bằng không. Nếu cứ ngồi tính chi li giảm mỗi 1% thuế là mất mấy tỉ đồng thu ngân sách thì không thể có đặc khu kinh tế được. Ở Dubai, họ chấp nhận bỏ hoàn toàn thuế thu nhập doanh nghiệp. Đặc khu còn có tính độc lập cao, có thể xây dựng một số luật riêng như luật về tiền lương, về ngân sách, thuế…” TS Thiên cho biết thêm.
Các đề án thành lập ĐKKT đều cho thấy quyết tâm rất cao của nhà nước là áp dụng cơ chế lãnh đạo công – quản trị tư. Tức nhà nước chỉ nắm phần định hướng, còn lại dịch vụ công có thể để tư nhân làm…Trong thế giới hiện đại, nước nào, nơi nào bắt kịp sự phát triển thì sẽ vượt lên, nếu không sẽ bị đào thải, tụt hậu. Do vậy, ĐKKT cần đột phá cả thể chế mới, bộ máy hành chính, bộ phận tư pháp ở đó cũng phải vận hành theo thông lệ thế giới…Chính vì làm được điều này, Dubai hiện nay là một trung tâm lớn của cả khu vực Trung Đông – Ả Rập, thậm chí là trung tâm giao dịch kinh tế toàn cầu. Việt Nam có thách thức rất lớn là đi sau, phải tạo được ưu thế vượt trội hơn những đặc khu đi trước. Nếu chúng ta không dám làm theo cách vượt lên thì sẽ bị tụt lại.
Cơ hội đầu tư
Trong định hướng phát triển, có ba khu vực hình thành các đặc khu là Vân Đồn (Quảng Ninh), Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang). Đề án Phát triển Đặc khu kinh tế Vân Đồn mà tỉnh Quảng Ninh xây dựng, giai đoạn 2014 - 2030, sẽ cần tới 12 tỷ USD. Giai đoạn đầu (2014 – 2020), cần đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng, với nhu cầu vốn đầu tư lên tới 5,2 tỷ USD.

Theo kinh nghiệm quốc tế, giai đoạn đầu, khi mới xây dựng, vẫn cần nguồn vốn của nhà nước, rồi mới kêu gọi nguồn lực đầu tư từ thị trường. Để huy động nguồn lực cho đầu tư hạ tầng, cần có những chính sách tài chính đủ mạnh. Giai đoạn sau, để thu hút nhà đầu tư, phải có những chính sách ưu đãi vượt trội. Quan trọng là thuyết phục được nhà đầu tư khi bỏ vốn vào phát triển ĐKKT thì chắc chắn sẽ được hưởng lợi lâu dài.
Thực tế chứng minh, mô hình này đã phát triển khá mạnh mẽ trên thế giới, với các điển hình ở Thâm Quyến (Trung Quốc), Dubai (UAE)…góp phần thu hút hàng ngàn tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, trở thành cực tăng trưởng, cực phát triển có sức lan tỏa, tạo động lực cho cả nền kinh tế phát triển. Việt Nam đã rất chậm so với các quốc gia trong khu vực trong việc hình thành các đặc khu hành chính, kinh tế. Mặc dù chậm, nhưng vẫn phải làm cẩn trọng, hợp lý tránh phát triển tràn lan, không đem lại hiệu quả kinh tế giống như hàng loạt các khu công nghiệp khác.
Trong bối cảnh cạnh tranh thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ngày càng trở nên gay gắt hơn, việc thành lập các đặc khu, với thể chế, chính sách vượt trội, là cần thiết. Điều này không chỉ có ý nghĩa với thu hút đầu tư, mà hơn hết là tạo các vùng kinh tế động lực để phát triển kinh tế - xã hội của toàn vùng và cả nước.
Ở Việt Nam đã thí điểm mô hình khu kinh tế mở Chu Lai (Quảng Nam) mới được quyết định và đến nay đã có 15 khu kinh tế ven biển với tổng diện tích khoảng 54.000 ha. Những khu kinh tế này đã đạt được các kết quả nhất định xét về các mặt thu hút đầu tư trong và ngoài nước, giải quyết công việc làm ăn cho hàng vạn lao động, đóng góp đáng kể cho ngân sách địa phương...Tuy nhiên, thể chế ở các khu kinh tế này tuy đã có vượt trội so với các khu công nghiệp, nhưng chỉ tập trung vào các ưu đãi về thuế, về tiền thu sử dụng đất...chứ chưa đủ sức cạnh tranh với các khu vực kinh tế tự do trong khu vực và trên thế giới. Có thể nói, cho đến nay ở Việt Nam chưa có một đặc khu kinh tế nào đã được xây dựng theo đúng nghĩa ĐKKT.
Chủ trương của Đảng và Nhà nước ta là trên cơ sở lợi thế của Việt Nam về kinh tế biển đảo, nước ta sẽ phát triển các đặc khu kinh tế, đặc khu kinh tế hành chính, tạo ra các cực tăng trưởng, có sức lan tỏa với cả nước.
Theo ông Vương Đình Huệ, các khu kinh tế tự do (đặc khu kinh tế) sẽ giải quyết vấn đề toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Mục đích của việc xây dựng các đặc khu kinh tế là nhằm thu hút các nguồn lực (công nghệ hiện đại, nguồn vốn, nhân tài, ý tưởng phát triển...) từ bên ngoài nhằm tạo ra những cực tăng trưởng, kích hoạt các vùng kinh tế, nền kinh tế phát triển. Đồng thời, đặc khu kinh tế cũng là nơi thử nghiệm các thể chế, cơ chế mới trước khi trở thành thể chế, chính sách của cả nước.
Chúng ta phải xây dựng các thể chế về hành chính, thể chế về kinh tế một cách vượt trội, có tính cạnh tranh khu vực cũng như cạnh tranh trong nước cho các đặc khu kinh tế hiện nay của Việt Nam. Trong các thể chế, những cơ chế chính sách trọng dụng nhân tài trong và ngoài nước phải được xem trọng nhất.
MINH ĐỨC