Chủ tịch Tập đoàn Sơn Hà Lê Vĩnh Sơn: Khởi nghiệp thành công cần có "âm mưu"
Theo ông Lê Vĩnh Sơn, các bạn sinh viên bên cạnh việc phải có tâm huyết thì cần có "âm mưu" - thôi thúc suy nghĩ làm sao để trở thành chủ doanh nghiệp như vậy sẽ giúp bạn có ý chí phấn đấu, hiểu được bạn cần gì, doanh nghiệp tương lai cần gì, và có thêm tĩnh lũy vốn thì cơ hội khởi nghiệp thành công sẽ cao hơn.

Khởi nghiệp: Cần có "âm mưu"
Chia sẻ về cơ hội khởi nghiệp ngành xây dựng, ông Sơn cho biết trong tất cả các trường, ngành xây dựng là ngành có cơ hội khởi nghiệp cao nhất. Khi Việt Nam mở cửa kí các Hiệp định song phương, đa phương, đất nước sẽ phát triển mạnh nền kinh tế thị trường. Sự thay đổi đó kéo theo việc kiến thiết sẽ diễn ra mạnh mẽ, xây dựng sẽ ngày càng có cơ hội phát triển, trở thành ngành hot nhất.
"Điều này sẽ giúp sinh viên ngành xây dựng có cơ hội việc làm nhiều hơn. Tuy nhiên, nguyên tắc đầu tiên là sinh viên phải học tốt lý luận. Có tri thức, năng lực thì cơ hội lập nghiệp, khởi nghiệp luôn mở ra với các bạn", anh Sơn chia sẻ.
Tuy nhiên, không ít bạn sinh viên băn khoăn về thực trạng tuyển dụng của các doanh nghiệp hiện nay đều yêu cầu kinh nghiệm từ 1-2 năm. Đây là một trong những trở ngại lớn đối với sinh viên mới ra trường vì các bạn không có cơ hội trau dồi kinh nghiệm thực tế trong quá trình học tập. Về vấn đề này, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sơn Hà cho biết: nhiều nước trên thế giới kết hợp giáo dục và đào tạo nên sinh viên ra trường có nhiều cơ hội, kỹ năng. Đối với sinh viên Việt Nam, hãy có tâm thế nghiêm túc với việc học, tìm tòi cơ hội phát triển bản thân và luôn đặt câu hỏi TẠI SAO? để luôn phấn đấu hoàn thiện mình. Không thể trách các doanh nghiệp đòi hỏi ứng viên có kinh nghiệm bởi bản thân các doanh nghiệp không thể nhận tất cả sinh viên chưa có kinh nghiệm vào vì họ không có nhiều thời gian đào tạo nhân sự cùng với đó là nguy cơ phá vỡ doanh nghiệp.
Đối với các bạn sinh viên, dù mong muốn có một công việc ổn định, an nhàn thì hay luôn nuôi chí để học tập tốt và trở thành cán bộ giỏi, có tâm thế nghiêm túc. Còn với các bạn đam mê khởi nghiệp, muốn trở thành doanh nhân trong tương lai, không có con đường nào khác đó là phấn đấu, nỗ lực từng ngày, từng giờ. Tuy nhiên nếu mới ra trường đã nuôi mộng khởi nghiệp ngay thì nguy cơ thất bại rất cao.
"Vì vậy, tôi khuyên các bạn phải có tâm huyết, học tập tốt, ra trường nếu chưa đủ mạnh để khởi nghiệp ngay thì nên đi vào các công ty phù hợp với ngành học của mình, mơ ước của mình để làm việc học hỏi kinh nghiệm, tích lũy tài chính. Và đặc biệt luôn phải có "âm mưu" - suy nghĩ làm sao để trở thành chủ doanh nghiệp như vậy sẽ giúp bạn có ý chí phấn đấu dần từ nhân viên tới cán bộ, quản lý, lãnh đạo để hiểu được bạn cần gì, doanh nghiệp tương lai cần gì, và có thêm tĩnh lũy vốn thì cơ hội khởi nghiệp thành công sẽ cao hơn", ông Sơn kết luận.