“Gieo quẻ” ngành quản trị cung ứng toàn cầu
Bối cảnh hiện tại của kinh tế toàn cầu cũng như tính bất ổn trong chính trường gần đây được cho là thách thức lớn đối với các DN cho tính linh hoạt của từng chuỗi cung ứng, chẳng hạn sức nóng của hiệp định TPP được thay bằng gần đây là RCEP…
Nhiều DN thậm chí tỏ ra lo ngại rằng tính không chắc chắn, không ổn định sẽ tăng cao trong 2017 cho một số ngành công nghiệp. Chính vì thế, DN lại càng phải chuẩn bị các phương án, kế hoạch ứng phó với tính biến thiên ngày càng tăng của bối cảnh kinh tế hiện tại.
Năm 2017 sẽ là năm với nhiều thử thách trong thu mua và rất cần các chuyên gia thu mua phải đổi mới trong chiến lược và kỹ thuật thu mua hàng hóa. Không như năm 2016, gần như chắc chắn là trong năm 2017, chuỗi cung ứng nhiều ngành sẽ phải đối phó với việc tăng chi phí dịch vụ và chi phí vận chuyển sản phẩm trong nội bộ của chuỗi. Vai trò của CPO Chief Procurement Officer- Giám đốc Mua hàng- sẽ ngày càng khẳng định rõ rệt hơn nữa vào năm 2017 cho vị thế chiến lược trong tổ chức quản trị cung ứng.
Nhiều hiệp định thương mại được xúc tiến hay hoãn lại ảnh hưởng trực tiếp với chiến lược thu mua nguyên vật liệu cho giá thành sản phẩm tối ưu nhất. Biến đổi khí hậu toàn cầu ngày càng tạo nhiều thách thức cho công việc thu mua nguyên vật liệu, hàng hóa với yêu cầu cao hơn về tiêu chí bền vững cho môi trường, xã hội. Ví dụ như ngành may mặc, nhiều chuỗi cung ứng như H&M, Zara, Everlane đẩy mạnh tiêu chí rõ ràng, minh bạch trên toàn chuỗi cung ứng với thông tin truy xuất nguồn nguyên liệu, chi phígiá thành… Hoặc như ngành tiêu dùng nhanh hay bán lẻ như Unilever, Friesland, Wal-mart bên cạnh chỉ tiêu kinh doanh hàng năm còn có tiêu chí giảm lượng khí thải trên toàn chuỗi cung ứng hàng năm lên đến hàng triệu tấn CO2 hàng năm. Chính vì thế, nhân sự ngành thu mua đứng trước áp lực phải mở rộng kiến thức mới về luật định, cung ứng bền vững, năng lượng – vật liệu, mà còn phải cập nhật kỹ thuật, chiến lược mua hàng cho bối cảnh kinh tế mới thay đổi nhanh hơn.
Bên cạnh đó, nhiều dự đoán năm 2017 sẽ có “bão lớn” về nhân sự ngành quản trị cung ứng. Vấn đề năm 2017 không phải là quá nhiều người thất nghiệp mà là có quá nhiều công việc nhưng lại không thể tìm được nhân viên phù hợp. Năm 2017 sẽ là một năm đánh dấu ngành quản trị cung ứng trước áp lực nhân lực còn yếu về kĩ năng, kiến thức. Môi trường kinh doanh toàn cầu thay đổi nhanh, cộng với tính phức tạp ngày càng cao trong quản trị vượt hơn tốc độ phát triển và chuẩn bị nhân sự kế thừa ở các doanh nghiệp, dẫn đến sự “hụt hơi” trong chính đội ngũ nhân sự quản trị cung ứng. Chính sự thiếu hụt kỹ năng này trong nhân sự tác động rõ rệt sự hiệu quả của một số chuỗi cung ứng một số DN, dẫn đến hiệu quả kinh doanh và quản trị cung ứng chưa đạt như kế hoạch.
Julien Brun Tổng Giám Đốc CEL Consulting