“Đích ngắm” mới của Hòa Bình
Vẫn cho rằng cơ hội cho các DN xây dựng ở Việt Nam vẫn còn rất lớn, nhất là khi thị trường bất động sản đang bùng nổ, nhưng ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Cty CP Xây dựng và Kinh doanh bất động sản Hòa Bình, lại đang muốn chèo lái DN của mình ra thị trường nước ngoài để tìm kiếm động lực tăng trưởng cao hơn nữa.
[caption id="attachment_26247" align="aligncenter" width="588"]
Cùng tham gia vào đấu thầu xây dựng dự án Landmark 81 của tập đoàn Vingroup, nhưng Hòa Bình không phải là người thắng cuộc. Gói thầu này đã rơi vào tay của Coteccons, đối thủ lớn nhất của Hòa Bình ở thị trường trong nước. Nhưng ông Hải không lấy làm buồn lắm, ông chia sẻ rằng ông còn cảm thấy tự hào. Vì cùng tham gia đấu thầu dự án này còn có các nhà thầu nước ngoài tên tuổi khác, ấy vậy mà một nhà thầu nội như Coteccons lại là người chiến thắng.
Chiến thắng của nhà thầu nội
“Đó là ví dụ về sự nổi lên của các nhà thầu nội, đưa ngành xây dựng của chúng ta lên một mức cao mới, có khả năng cung cấp những chuẩn mực quốc tế và thắng thầu những dự án lớn”, ông Hải khẳng định. Theo ông, trước đây tất cả những dự án có quy mô như vậy đều mặc nhiên rơi vào tay các nhà thầu xây dựng nước ngoài như Posco E&C, nhưng chiều hướng đã thay đổi trong những năm gần đây khi số lượng nhà thầu trong nước thắng thầu các dự án lớn ngày càng nhiều.
Về phía Hòa Bình, chỉ thời gian ngắn sau khi để vuột mất gói thầu xây dựng dự án Landmark 81, DN này đã trở thành tổng thầu thiết kế và xây dựng (D&B) của siêu dự án tổ hợp du lịch và giải trí Cocobay tại Đà Nẵng, dự án được mệnh danh như là Las Vegas ở thành phố du lịch miền trung này.
Trúng thầu dự án này, Hòa Bình cũng đã vượt qua không ít tên tuổi nhà thầu lớn, và sẽ tham gia cùng với một loạt các tập đoàn hàng đầu khác như tập đoàn tư vấn thương hiệu Ingsignia, tập đoàn thiết kế quy hoạch Haptic, tập đoàn thiết kế nội thất EDC Corp hay Southland Group chuyên về thiết kế khu giải trí.
Được thành lập từ năm 1987, bắt đầu với hoạt động thiết kế và xây dựng các công trình nhà ở tư nhân, đến thời điểm này, Hòa Bình và Coteccons đã trở thành hai thương hiệu xây dựng lớn nhất trên thị trường xây dựng Việt Nam. Báo cáo tài chính năm ngoái DN này đã ký được 32 hợp đồng xây dựng các dự án có quy mô lớn, với tổng giá trị hợp đồng 9.500 tỷ đồng, doanh thu thuần của Hòa Bình đạt 5.078 tỷ đồng. Sang năm 2016, DN này đặt kế hoạch đạt doanh thu là 7.200 tỷ đồng, tăng 42% so với năm 2015, lợi nhuận sau thuế 252 tỷ đồng tăng 200% so với 2015.
Hướng tới thị trường quốc tế
Nhưng với một người kinh doanh nhạy bén như ông Hải, nếu chỉ trông chờ vào thị trường Việt Nam thì không bền vững. Bởi theo ông, động lực tăng trưởng là thị trường bất động sản một lúc nào đó rồi cũng hết. Muốn tìm kiếm thêm động lực tăng trưởng nữa thì phải vươn ra thị trường nước ngoài.
Thực tế thì Hòa Bình đã thử nghiệm chiến lược này tại Myanmar và Malaysia. Năm 2011, Hòa Bình đã hợp tác cùng với Tập đoàn Phát triển địa ốc UOA để phát triển dự án khu dân cư Sri Petaling ở Kuala Lumpur. Hai năm sau, Hòa Bình đã nhận quản lý xây dựng dự án khu phức hợp nhà ở, trung tâm thương mại và khách sạn GEMS. Kinh nghiệm từ hai dự án này cùng với thành công ở các dự án quy mô lớn trong nước đã mang lại sự tự tin cho Hòa Bình.
“Theo đánh giá bằng sự trải nghiệm gần 30 năm trong nghề của chúng tôi, ngành xây dựng Việt Nam có khả năng cạnh tranh tốt ở thị trường nước ngoài nếu chúng ta có một chiến lược phù hợp mang tầm vóc quốc gia”, ông Hải khẳng định.
Nhưng nếu chỉ mình Hòa Bình vươn ra nước ngoài thì không thể tạo ra một thương hiệu xây dựng của Việt Nam, và không thể tạo ra được một sức mạnh cạnh tranh. Để vươn xa hơn, ông Hải cho rằng chính phủ cần phải có chiến lược phát triển ngành xây dựng thành một ngành kinh tế mũi nhọn để cạnh tranh ở thị trường quốc tế.
Theo số liệu của IHS Global Economics, năm 2013, giá trị ngành xây dựng ở Việt Nam chỉ đạt 18.8 tỷ USD, trong khi đó thị trường xây dựng của 69 quốc gia nằm trong bảng xếp hạng có cơ hội phát triển đầu tư xây dựng lên đến 8,975 tỷ USD. Trong đó nhiều nước có thị trường xây dựng phát triển nóng và phụ thuộc rất lớn vào nhà thầu xây dựng nước ngoài, bao gồm những nước nằm trong Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương và các nước trong Cộng đồng Kinh tế Đông Nam Á.
Theo ông Hải, một nhà thầu xây dựng Việt Nam hiện tại có lợi thế rất lớn khi ra cạnh tranh ở thị trường nước ngoài. Lợi thế đó là khả năng cung cấp dịch vụ xây dựng chất lượng cao nhưng chi phí rất thấp, chỉ sau Ấn Độ. Ông Hải cho biết tính cạnh tranh của nhà thầu Việt Nam không chỉ ở yếu tố nhân công, mà còn cả về vật liệu xây dựng cũng như dịch vụ tư vấn thiết kế, giám sát thi công, quản lý dự án và nhiều dịch vụ chuyên ngành liên quan.
Không những thế, một lợi thế quan trọng khác là số lượng kỹ sư và chuyên gia ngành Xây dựng Việt Nam cao gấp ba lần mức bình quân thế giới. Cụ thể Việt Nam bình quân có 9.000 kỹ sư, chuyên gia xây dựng trên 1 triệu dân, trong khi của thế giới là 3.000.
Theo Enternews