Xử lý xong nợ cũ, lợi nhuận 2018 của ACB sẽ tăng phi mã gần 130%
Việc xử lý nợ cũ sẽ hoàn tất vào cuối 2017, trích lập dự phòng giảm mạnh nhờ đó lợi nhuận của ACB có thể tăng trưởng mạnh trong năm 2018.
SSI Retail Research ước tính lợi nhuận trước thuế 2017 của Ngân Hàng TMCP Á Châu (HNX: ACB) đạt 2.290 tỷ đồng, cao hơn 37,4% so với năm trước, nhờ tăng trưởng tín dụng ở mức 20% và tỷ lệ lãi cận biên (NIM) tăng nhẹ lên 3,5% (năm 2016 là 3,4%).
Chi phí trích lập dự phòng rủi ro tín dụng của ACB ước tính tăng 112% lên 2.600 tỷ đồng. Theo SSI Retail Research, ngân hàng sẽ hoàn thành việc trích lập dự phòng khoảng 1.521 tỷ đồng, cũng như phần còn lại của trái phiếu VAMC là 1.070 tỷ đồng trong 2017.
Lũy kế 9 tháng 2017, ACB ghi nhận thu nhập ròng 6.075 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước và thu nhập ngoài lãi đạt 1.911 tỷ đồng, tăng 445%. Lợi nhuận trước thuế sau 3 quý đạt 2.004 tỷ đồng, tăng trưởng 61%.
Tỷ lệ nợ xấu mỗi năm của ACB đã tăng lên 1,05% tính đến tháng 9/2017, so với mức 1,1% của quý trước đó hoặc 1,12% của năm trước. Tỷ lệ nợ xấu "Nhóm 5" đã giảm xuống còn 0,5% từ mức 0,8% vào năm trước và 0,6% trong quý vừa qua, đây là kết quả rất đáng khích lệ.
Theo SSI Research, Ngân hàng chưa cập nhật danh mục đầu tư trái phiếu VAMC trong quý IV, nhưng dựa trên dữ liệu trong nửa đầu năm, ACB đã trích lập dự phòng khoản trái phiếu này thêm 883 tỷ đồng. Liên quan đến khoản nợ và phải thu của nhóm 6 công ty, dư nợ thuần tính đến ngày 30/06 là 558 tỷ đồng, cải thiện đáng kể so với 1.564 tỷ đồng cuối năm 2016 và 4.486 tỷ đồng vào cuối năm 2015 nhờ ACB đẩy mạnh trích lập dự phòng trong giai đoạn 2015-2017.
Qua năm 2018, sau khi hoàn thành xử lý nợ cũ, SSI Retail Research cho rằng ACB có thể đạt lợi nhuận trước thuế 5.249 tỷ đồng, tăng trưởng 130% so với thực hiện 2017.
SSI Research ước tính năm 2018, tăng trưởng tín dụng của ACB đạt 18%, tương đương toàn hệ thống ngân hàng. Tỷ lệ NIM ổn định ở mức 3,4%, thu nhập lãi ước tính tăng 14,2% đạt 9.419 tỷ đồng. Tổng lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh có thể tăng 10,2% lên 11.740 tỷ đồng.
Do không còn thêm trích lập dự phòng cho trái phiếu VAMC và các khoản vay của nhóm 6, chi phí dự phòng ước tính giảm 67% chỉ còn 855 tỷ đồng so với 2.600 tỷ đồng trong năm 2017 với giả định rằng tỷ lệ nợ xấu duy trì ở mức 1,1%.
Chi phí hoạt động ước tính chỉ tăng thêm 0,6% do không còn gánh nặng chi phí dự phòng các khoản phải thu từ Nhóm 6 công ty. Theo đó, vốn chủ sở hữu của ACB năm 2018 ước tính đạt 19.793 tỷ đồng, tương ứng giá trị sổ sách trên mỗi cổ phiếu năm 2018 là 20.220 đồng.
Theo SSI Research, ở mức giá hiện tại là 34.800 đồng/cổ phiếu, ACB đang giao dịch ở mức PB 2017 và 2018 là 2,1x và 1,7x. ACB có mức định giá hấp dẫn, nhờ khả năng ngân hàng sẽ hoàn thành xử lý nợ xấu trong năm nay và tỷ lệ nợ xấu giảm kỳ vọng lợi nhuận sẽ tăng mạnh vào năm 2018.
Ngân hàng có vị thế tốt trong việc giành thêm thị phần tín dụng nhờ tỷ lệ CAR cao hơn (~12,3% tính đến ngày 30/09/2017 so với 11,12% của JSCB và 9,69% của SOCBs tính đến ngày 31/08/2017) và tỷ lệ LDR giảm so với các ngân hàng khác (76,7% so với trung bình toàn hệ thống là 87,2% tính đến ngày 30/09/2017). SSI Researc cho rằng ACB còn nhiều cơ hội cải thiện lợi nhuận từ việc xử lý nợ xấu và hoàn nhập chi phí dự phòng, cũng như tỷ lệ CIR cải thiện.
Theo SSI Retail Research, NDH