Vụ "lùm xùm" với Global Home và kinh nghiệm khi làm ăn với các đối tác nước ngoài cho doanh nghiệp Việt
Ngày 24/8, Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM (HAWA) đã tổ chức buổi tọa đàm Quản trị rủi ro trong mua bán quốc tế. Mục tiêu là chia sẻ kinh nghiệm khi làm ăn với các đối tác nước ngoài, nhất là sau vụ việc "lùm xùm" giữa một vài hội viên với công ty Global Home.
Tại buổi họp, ông Nguyễn Hữu Ngọc, đại diện công ty TNHH Gia Hân (Đồng Nai) cho biết đang gửi đơn tố cáo công ty Global Home do ông Otto De Jager (người được cho là chồng ca sĩ Thu Minh) làm người đại diện pháp luật trước thời điểm tháng 3/2016 với lý do "lừa đảo" khoảng 20 tỷ đồng trong quá trình làm ăn.
Đại diện Công ty Gia Hân cho rằng hiện tại Công ty Global đang nợ tiền hợp đồng chưa thanh toán hơn 494.000 USD (tương đương 11,1 tỉ đồng).Ngoài ra, Công ty Global còn một lô hàng trong kho của Công ty Gia Hân chưa lấy, giá trị hơn 281.000 USD (tương đương 6,3 tỉ đồng).
Giám đốc Công ty Gia Hân bức xúc cho biết bao nhiêu vốn liếng gia đình đã đổ vào đó, thêm tiền lãi vay ngân hàng đến nay đã lên đến hơn 100.000 USD. Hiện Công ty Gia Hân đang rơi vào hoàn cảnh vô cùng khó khăn.
"Sau khi mọi cố gắng không thành công, chúng tôi buộc phải gửi đến đến công an Đồng Nai tố cáo hành vi này của ông Otto De Jager. Hiện nay, công an đã thụ lý hồ sơ", ông Ngọc nói.
Luật sư Nguyễn Thế Truyền - công ty Luật Thiên Thanh, đơn vị đang bảo về quyền lợi cho Gia Hân cho biết sau khi nghiên cứu hồ sơ, tài liệu, ông thấy rằng từ năm 2012 Global Home đã ký với công ty Gia Hân một hợp đồng kinh tế giao hàng theo hình thức FOB (giao hàng tại cảng) với nhiều điều khoản gây bất lợi cho doanh nghiệp.
Khi tranh chấp xảy ra sẽ giải quyết tại Tòa Trọng tài Hồng Kông, mọi công đoạn khác đều phụ thuộc vào phía Global Home: từ nhập nguyên liệu, đóng sản phẩm, kiểm tra chất lượng, đóng dấu QC, đóng gói...
"Ngay từ khi ký hợp đồng đã có đơn hàng ngay và giao dịch bằng email nhưng 23-27 ngày sau mới thanh toán. Ngay từ những đơn hàng đầu tiên thì một số doanh nghiệp Việt đã bị Global Home nợ", ông Truyền cho biết.
Theo ông Truyền, những người điều hành Global Homecó một thủ thuật. Đó là 5h sáng Global Home gửi email đề nghị làm việc nhưng vài tiếng sau họ hủy buổi làm việc vì phía đối tác Việt Nam trả lời chậm quá. Trong khi thông lệ quốc tế không quy định về thời gian trả lời email.
Cũng theo vị luật sư này, qua tìm hiểu Global Home đã nhiều lần rót vốn, thêm vốn và thay đổi trụ sở hoạt động nhiều lần. Thêm vào đó, năm 2012 Global Home đóng ở cộng hòa Czech, đến vài năm sau lại chuyển đến Praha, và hiện nay công ty này vẫn chưa đưa ra được một giấy phép kinh doanh nào tại Việt Nam.
"Vậy vai trò của ông Otto De Jager ở đây là gì khi nhiều lần rút vốn ra khỏi công ty, chức vụ cũng không rõ ràng trong Global Home. Hiện nay chúng tôi đã gửi hồ sơ đến cơ quan chức năng để kiểm tra và sẽ thông tin sớm. Theo thống kê, đến nay có hơn 15 doanh nghiệp gỗ được Global Home đặt hàng nhưng từ chối nhận hàng, gây thiệt hại quá lớn", LS Truyền nói.
Đại diện doanh nghiệp Cửu Long, cũng là đơn vị có đơn kêu cứu đến HAWA, cho biết từ năm 2013 Cửu Long với Global đã bắt đầu làm ăn với nhau. "Nhận được hợp đồng như vậy chúng tôi đã rất bất ngờ. Họ đưa giá được thì chúng tôi OK luôn. Khi có đơn hàng cho công nhân có việc làm thì chúng tôi chẳng nghĩ ngợi gì cả", đại diện Cửu Long cho biết.
Sau một số đơn hàng và thu được khoảng 60.000 USD thì Cửu Long gặp khó khăn và xin phép Global Home chậm giao hàng. Một thời gian sau Global Home bắt đầu phạt hợp đồng Cửu Long.Global Home nợ Cửu Long 119.0000 USD nhưng họ phạt hợp đồng 122.000 USD, cộng thêm khoản tiền cọc nữa thì Cửu Long từ chủ nợ bỗng thành con nợ.
Một chuyên gia về pháp lý chia sẻ doanh nghiệp Việt Nam đã không quan tâm và lường trước những rủi ro tiềm ẩn trong những hợp đồng mua bán quốc tế. Đối tác nước ngoài có thể giấu vài chi tiết trong đó, kể cả trong định nghĩa họ cũng cài cắm những điều có lợi cho họ trong đó.
Liên quan đến vấn đề giữa Global và các doanh nghiệp gỗ Việt Nam thường giao dịch mua bán thông qua email, không có chứng từ, con dấu, vị chuyên gia này chia sẻ: "Việt Nam phải có con dấu to đùng thì mới chắc ăn nhưng trong thương mại thì một số nước không dùng con dấu. Nhưng nước nào không dùng con dấu trong các hoạt động thương mại thì chúng ta không biết. Rõ ràng chúng ta đang rất cần những tư vấn".
Ông Nguyễn Chiến Thắng, một cựu lãnh đạo của HAWA nhận định về vấn đề thanh toán quốc tế, phía đối tác nước ngoài thường tìm những lối nhỏ để bắt chẹt doanh nghiệp Việt Nam.
Ông Thắng cho rằng: "Còn rất nhiều hình thức thanh toán khác để chúng ta vẫn là chủ sản phẩm của mình tùy thuộc vào mức độ tin tưởng của chúng ta với khách hàng".
Cũng theo ông Thắng, khi xảy ra tranh chấp, doanh nghiệp có nhiều cách để giải quyết như: liên hệ với thương vụ tại quốc gia đó nhờ can thiệp; gặp gỡ cơ quan đại diện của công ty tại Việt Nam; tìm kiếm 1 áp lực từ cộng đồng với đối tác để tạo ra thiện chí cao hơn cho hai bên khi giải quyết tranh chấp; hợp tác với cơ quan, hiệp hội cùng làm ăn với đối tác đó để tác động thêm; tìm đến Hiệp hội gỗ nhờ tư vấn, trợ giúp pháp lý...
Trước buổi toạ đàm diễn ra, bản thân ông Otto De Jager đã xuất hiện và làm việc với một phó chủ tịch HAWA. Qua cuộc nói chuyện, ông Otto đã cung cấp nhiều tài liệu liên quan đến quá trình làm ăn với công ty Gia Hân. Ông Otto cũng cho rằng hành động đưa thông tin này lên các trạng mạng là không phù hợp.
"Chúng ta nên tách bạch, oan có đầu nợ có chủ. Nếu ông Otto làm sai thì ông Otto phải chịu, đừng lôi ca sĩ Thu Minh vào'', Ông Huỳnh Văn Hạnh - Phó chủ tịch HAWA chia sẻ.
Theo NDH