Vốn FDI gia tăng vào miền Trung

Theo ghi nhận, hiện có nhiều dự án đầu tư FDI đang rục rịch chuẩn bị khởi công xây dựng tại một số tỉnh miền Trung, nhất là các dự án đầu tư vào ngành sợi, dệt và may mặc.

Hinh dai dien VSIP QN(1)

Điểm sáng Dung Quất và VSIP

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và đầu tư, đến hết năm 2014, Quảng Nam đang dẫn đầu các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung về hiệu quả thu hút vốn FDI. Với 94 dự án còn hiệu lực, Quảng Nam thu hút 5,09 tỷ USD vốn đầu tư đăng ký, vượt khá xa địa phương đứng kế tiếp là Quảng Ngãi (34 dự án, 4,03 tỷ USD) và Đà Nẵng (gần 4 tỷ USD) nhưng nếu xét về số lượng dự án còn hiệu lực thì Đà Nẵng lại dẫn đầu với 307 dự án. Các vị trí còn lại thuộc về Thừa Thiên-Huế (2,29 tỷ USD), Bình Định (1,73 tỷ USD). Đáng chú ý, trung bình một dự án FDI của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung có vốn 29,5 triệu USD, cao gấp đôi trung bình toàn quốc là 14,3 triệu USD/dự án.

Tình hình thu hút vốn FDI vào Đà Nẵng liên tục sụt giảm qua các năm. Theo Trung tâm Xúc tiến đầu tư Đà Nẵng, một trong những nguyên nhân dẫn của sự sụt giảm này là do quỹ đất còn phân tán, các khu công nghiệp không còn đất cho các nhà đầu tư có quy mô lớn, cơ sở hạ tầng khu công nghệ cao và các khu công nghiệp chưa hoàn chỉnh, ngành công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển và chính sách ưu đãi chưa hấp dẫn; công tác phối hợp xúc tiến đầu tư giữa các ngành cũng còn chưa chặt chẽ, thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao…

Một lãnh đạo UBND TP.Đà Nẵng cho biết, trong năm nay, địa phương này sẽ tăng cường xúc tiến đầu tư, tạo điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn, tạo lập môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi để thu hút nhà đầu tư mới; hoàn chỉnh quy hoạch đất đai, cơ sở hạ tầng để thu hút các dự án dịch vụ cao cấp như trường học và bệnh viện quốc tế, khu nghỉ dưỡng cho người già, trung tâm thương mại, trung tâm phức hợp dịch vụ du lịch; đẩy nhanh tiến đội đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, điện, nước, thông tin liên lạc và xử lý nước thải... của khu công nghệ cao Đà Nẵng. Trước mắt, địa phương này sẽ xây dựng cổng thông tin về đất đai để cung cấp đầy đủ thông tin cho doanh nghiệp, đổi mới phương thức xúc tiến, vận động đầu tư.

Khu kinh tế Dung Quất, Quảng Ngãi là một trong 5 khu kinh tế hoạt động hiệu quả nhất cả nước, được Chính phủ ưu tiên đầu tư. Theo quy hoạch đã được phê duyệt, Khu kinh tế Dung Quất được định hướng là khu kinh tế tổng hợp, đa ngành, đa lĩnh vực, đến năm 2025 trở thành một trong những trung tâm công nghiệp đô thị - dịch vụ của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Tại đây, hiện có 74 doanh nghiệp hoạt động, giải quyết việc làm cho hơn 12.000 lao động. Theo Ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất, hết năm 2015, khu kinh tế này sẽ có khoảng 80 doanh nghiệp hoạt động; giá trị sản lượng công nghiệp, dịch vụ sẽ đạt khoảng 141.000 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu đạt 520 triệu USD.

Từ năm 2014 đến nay, nhiều doanh nghiệp FDI đã khảo sát, tìm kiếm cơ hội đầu tư vào khu kinh tế này như Tập đoàn Mitsui, VIJAGAS - Nhật Bản, Sanyi Resources Pte Ltd - Singapore, Tedi Port, Hanes Brand - Mỹ, Exxon Mobile, STF - Italia Hanvina - Hàn Quốc... Ngoài các dự án đầu tư đã đi vào hoạt động, hai dự án trọng điểm đang được gấp rút tiến hành giải phóng mặt bằng là dự án nâng công suất Nhà máy Lọc dầu Dung Quất từ 6,5 triệu tấn lên 8,5 triệu tấn dầu thô/năm có tổng vốn đầu tư hơn 1,8 tỷ USD và dự án Nhà máy Nhiệt điện Dung Quất có công suất thiết kế 1.200 MW, tổng vốn đầu tư khoảng 2,5 tỷ USD của Tập đoàn Sembcorp, Singapore.

Cũng liên quan đến khu kinh tế Dung Quốc, khu liên hợp Công nghiệp - Đô thị và Dịch vụ VSIP Quảng Ngãi (nằm trong khu kinh tế Dung Quất và được hưởng chính sách ưu đãi đầu tư tương tự và là dự án VSIP đầu tiên tại miền Trung) được xem là một trong những thành công trong việc thu hút đầu tư vào Quảng Ngãi. Đây là khu công nghiệp kết hợp dịch vụ hỗn hợp, trọng tâm phát triển các loại hình công nghiệp nhẹ và sạch như sản xuất hàng tiêu dùng, nước giải khát, chế biến thức ăn, điện tử, lắp ráp ô tô, vật liệu xây dựng, may mặc, giày da và các ngành công nghiệp phụ trợ. Sau hơn một năm triển khai, VSIP Quảng Ngãi đã thu hút được 9 dự án FDI, tổng vốn đầu tư 164,3 triệu USD, gồm Maystar Footwear, Wing Fung Shing, King Riches Footwear, New Manson (Hong Kong), MDC Sourcing (Hàn Quốc), Liwayway, URC Central (Philippines), Xindadong Textiles (Trung Quốc), Boiler Master (Singapore). Đến thời điểm hiện tại, có 3 dự án đang trong giai đoạn hoàn thiện nhà xưởng và khi hoạt động trong quý II năm nay sẽ giải quyết việc làm cho hơn 8.000 lao động.

56361

Sợi, dệt, may mặc “đổ bộ”

Từ đầu năm 2015 đến nay, theo Hiệp hội Dệt May Việt Nam - Vitas, đã có nhiều nhà đầu tư nước ngoài đổ vốn vào ngành dệt may nhằm đón lõng các FTA giữa Việt Nam với Hàn Quốc, Liên minh hải quan, EU, TPP... mà trong đó, ngành dệt Việt Nam được cho là sẽ hưởng lợi nhiều nhất khi các dòng thuế sẽ giảm về bằng 0%.

Trung tuần tháng 3 năm nay, nhiều dự án FDI trong lĩnh vực này đã được UBND tỉnh Bình Định cấp giấy chứng nhận đầu tư, cụ thể là dự án đầu tư Nhà máy Sản xuất hàng may mặc Onewoo tại cụm công nghiệp Hà Lan, do Công ty One Woo - Hàn Quốc làm chủ đầu tư, có tổng vốn 6 triệu USD; dự án đầu tư Nhà máy Dệt, nhuộm, may Tam Thăng, Tam Kỳ của Công ty PanKo Tam Thăng, tổng vốn đầu tư 30 triệu USD.

Trước đó, vào cuối tháng 1 năm nay, cũng tại Bình Định, Tập đoàn Delta Galil Industries, doanh nghiệp chuyên sản xuất, gia công và phân phối các sản phẩm may mặc tại Israel đã được UBND tỉnh Bình Định cấp giấy chứng nhận đầu tư thành lập Công ty TNHH Delta Galil Việt Nam để thực hiện dự án Nhà máy Dệt - nhuộm - may Delta Galil trên diện tích 18.000 m2 tại xã Cát Trinh, huyện Phù Cát. Dự án này có tổng vốn đầu tư dự kiến 13 triệu USD, chuyên sản xuất sợi, sản xuất vải dệt thoi, hoàn thiện sản phẩm dệt, sản xuất vải dệt kim, vải đan móc và vải không dệt khác, sản xuất hàng may sẵn (trừ trang phục), may trang phục (trừ trang phục từ da lông thú), sản xuất trang phục dệt kim, đan móc.

Dự kiến doanh thu trong các năm đầu tiên hoạt động của dự án này sẽ đạt 11 triệu USD; và  đạt doanh thu 30 triệu USD, tương đương 1,3 triệu sản phẩm/năm khi chạy hết công suất, tạo việc làm cho hơn 1.000 lao động. Đến thời điểm hiện tại, dự án đã thực hiện xong quy hoạch mặt bằng nhà máy, đang triển khai thiết kế cơ sở, đánh giá tác động môi trường... trước khi được khởi công xây dựng.

Delta Galil Industries là đối tác của các nhãn hiệu thời trang hàng đầu như Nike, Calvin Klein, Victoria’s Secret, Hugo Boss và là chủ các sản phẩm mang thương hiệu Wilson, Maidenform, Tommy Hilfiger. Trong hơn 30 năm qua, từ một cơ sở ban đầu ở Israel, Delta Galil Industries đã phát triển thành một tập đoàn với 9.000 nhân viên toàn cầu, phục vụ hơn 50 khách hàng công nghiệp lớn tại EU và Mỹ.

Không riêng các doanh nghiệp nước ngoài tăng đầu tư vào khu vực miền Trung mà hiện tại, nhằm đón đầu TPP, các doanh nghiệp Việt Nam cũng tăng đầu tư vào khu vực này, đặc biệt là đầu tư vào vùng nguyên liệu. Thông tin từ Tập đoàn Dệt May – Vinatex cho biết, Vinatex đang triển khai hàng loạt dự án với nhiều hạng mục đầu tư kéo dài đến năm 2018, tổng vốn đầu tư gần 9.000 tỷ đồng. Giai đoạn từ năm 2014 – 2016, có ít nhất 7 dự án đầu tư cho ngành sợi được triển khai, tổng mức đầu tư khoảng 1.300 tỷ đồng. Hai dự án đầu tư cho dệt nhuộm là dự án dệt vải yanrdyed và kaki cũng đang được Vinatex triển khai, tập trung ở khu vực phía nam và miền Trung, công suất mỗi nhà máy tương đương 10 triệu m/năm, tổng mức đầu tư 8.000 tỷ đồng.

Theo DN&ĐT

Tags:

Nhiều chỉ số kinh tế tăng trưởng tích cực

Nhiều chỉ số kinh tế trong 2 tháng đầu năm 2025 tăng trưởng tích cực nhưng so với kịch bản để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 8% trong năm 2025 thì chưa đạt như kỳ vọng.

Video