VietinBank "nới" thêm một ngày phát hành trái phiếu ra công chúng
Các nhà đầu tư sẽ có thêm ngày hôm nay (14/11) để mua trái phiếu phát hành đợt 1 của VietinBank.
Ngày 13/11, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam - VietinBank (mã CTG-HoSE) ra thông báo điều chỉnh thời gian đăng ký mua trái phiếu phát hành ra công chúng đợt 1/2017.
Thời hạn nhận đăng ký mua trái phiếu được "nới" thêm một ngày, từ 25/10 đến 14/11. Nguyên nhân là để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Ngân hàng cũng cho biết sẽ dừng nhận tiền đặt mua trái phiếu khi đạt đủ số lượng chào bán của đợt 1. Không loại trừ khả năng tới hôm qua - ngày 13/11 số lượng trái phiếu phát hành vẫn chưa đạt đủ.
Theo phương án phát hành, VietinBank sẽ chào bán trái phiếu thành 2 đợt. Đợt 1, VietinBank sẽ phát hành 200.000 trái phiếu và đợt 2 là 220.000 trái phiếu. Do việc lùi hạn đăng ký mua sang ngày 14/11 nên ngày tính lãi cũng sẽ lùi lại một ngày.
Trái phiếu có thời hạn 10 năm, giá bán bằng mệnh giá 10 triệu đồng/trái phiếu. Tổng giá trị chào bán tính theo mệnh giá 4.200 tỷ đồng. Đây là loại trái phiếu doanh nghiệp không chuyển đổi và không được đảm bảo. Trái phiếu được trả lãi hằng năm với mức lãi suất tham chiếu + 1,2%/năm.
Số vốn huy động từ phát hành sẽ dùng để cho vay trung, dài hạn bằng tiền đồng trong năm 2017 và thay thế nguồn vốn ngắn hạn đã tài trợ cho các dự án thuộc các lĩnh vực theo phê duyệt của Ngân hàng Nhà nước tại phương án phát hành trái phiếu năm 2017 của VietinBank.
Trong phương án sử dụng vốn của mình, thép là một trong các lĩnh vực được ưu tiên giải ngân vốn với tổng số tiền dự kiến để cho vay từ nguồn này lên tới 1.345 tỷ đồng, gần 1/3 tổng số vốn huy động. Ngoài ra, VietinBank còn dự kiến dùng 1.047 tỷ đồng để cho vay lĩnh vực giao thông vận tải.
Nguồn vốn để đáp ứng cho hoạt động Ngân hàng 9 tháng đầu năm nay đã được hỗ trợ khá nhiều từ tiền gửi kho bạc Nhà nước và vay trên liên ngân hàng. Tuy nhiên, kỳ hạn của những nguồn vốn này lại khá ngắn. Huy động vốn qua kênh trái phiếu là một trong các kênh tăng vốn khả thi hiếm hoi của Ngân hàng.
Vốn huy động tiền gửi khách hàng 9 tháng đầu năm của VietinBank tăng khá 10,7%. Nhưng vốn từ kênh trái phiếu cũng giảm mạnh hồi quý II do đến thời hạn đáo hạn 250 triệu USD trái phiếu quốc tế. Vốn điều lệ trong khi đó vẫn giữ nguyên. Bản thân Ngân hàng cũng không lên kế hoạch tăng vốn dù tại ĐHĐCĐ ban lãnh đạo xác định cần có "giải pháp cấp bách".
Theo quy định, Nhà nước nắm giữ ở mức tối thiểu 65% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết tại các ngân hàng TMCP do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ. Với tỷ lệ sở hữu hiện đã xuống mức 64,5%, bất kì việc tăng vốn riêng lẻ nào cũng sẽ giảm tỷ trọng sở hữu của Nhà nước tại VietinBank.
Theo Thanh Thủy - NDH