Việt Xuân Mới – Cổ đông chiến lược hay "quân xanh" trong ván cờ thâu tóm Bò sữa Mộc Châu?

Cổ đông chiến lược Việt Xuân Mới đã chuyển nhượng 20% sở hữu tại Vilico cho 1 cá nhân chỉ 6 ngày ngay sau khi nhận chuyển nhượng từ cổ đông nhà nước.

[caption id="attachment_26795" align="aligncenter" width="660"]Ảnh minh họa Ảnh minh họa[/caption]

Câu chuyện tại Tổng Công ty Chăn nuôi Việt Nam (Vilico, mã: VLC) bất ngờ thu hút sự chú ý của những nhà đầu tư trên thị trường khi Bộ NN&PTNT quyết định thoái toàn bộ 77,59% vốn đang sở hữu tại đây. Theo kế hoạch, Bộ NN&PTNT sẽ bán đấu giá công khai 37,59% vốn Vilico và bán 40% cho cổ đông chiến lược được lựa chọn là CTCP Việt Xuân Mới.

Vilico hiện đang sở hữu 51% tại CTCP Giống bò sữa Mộc Châu - đơn vị sở hữu thương hiệu Sữa Mộc Châu. Đây cũng là tài sản giá trị nhất của Vilico.

Theo tài liệu công bố tại ĐHCĐ thường niên năm 2016 của Vilico, CTCP Giống bò sữa Mộc Châu có vốn điều lệ gần 290 tỷ đồng với sở hữu của Vilico là 51%. Về kết quả kinh doanh, doanh thu năm 2015 của Công ty đạt gần 2.229 tỷ đồng, lãi ròng đạt hơn 190 tỷ đồng, tăng 28% so với năm 2014. ROE của đơn vị này trong năm 2015 đạt gần 66%.

Cổ đông chiến lược chuyển nhượng luôn cổ phần sau 6 ngày làm chủ

Cuối tháng 4/2016, phần bán ra công chúng đã được đấu giá thành công cho 118 nhà đầu tư với giá đấu bình quân 16.636 đồng/cp. Sau đó hai tháng, việc chuyển nhượng cổ phần cho cổ đông chiến lược Việt Xuân Mới bắt đầu được thực hiện. Tuy nhiên, dù mang tên là cổ đông chiến lược nhưng Việt Xuân Mới ngay sau đó đã chuyển nhượng cổ phần của Vilico, dù mới sở hữu vỏn vẹn 6 ngày.

Cụ thể, theo thông tin từ Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD), Bộ NN&PTNT đã chuyển nhượng hơn 15 triệu cổ phiếu, tương đương 24% vốn của Vilico cho Việt Xuân Mới vào ngày 16/6/2016. Đến 28/06/2016, hơn 10 triệu cp còn lại tương đương 16% vốn, tiếp tục được chuyển quyền sở hữu. Nhưng chỉ sau 6 ngày nhận chuyển nhượng đợt đầu tiên (22/06), cổ đông chiến lược Việt Xuân Mới đã thực hiện bán đi 20% vốn của Vilico cho 1 cá nhân.

Thông tin từ Vilico cho thấy, người nhận chuyển nhượng của Việt Xuân Mới là bà Phạm Thị Hoa. Trước giao dịch bà Hoa không sở hữu bất kỳ cổ phiếu nào của Vilico. Như vậy, thay vì kế hoạch 40% như phương án cổ phần hóa, giờ Việt Xuân Mới chỉ còn sở hữu 20% vốn cổ phần của Vilico.

Thị trường thường chứng kiến những giao dịch chuyển nhượng qua lại giữa nhiều cá nhân rồi cuối cùng, lượng cổ phần này mới về đến tay người chủ đích thực. Việc Việt Xuân Mới chuyển nhượng cổ phần cho 1 cá nhân cũng vậy, không loại trừ khả năng sẽ tiếp tục chuyển nhượng nốt 20% còn lại cho “người chủ đích thực” muốn mua Vilico.

Nhiều ý kiến cho rằng, đó là CTCP GTNfoods (GTN).

Việt Xuân Mới “mua hộ” GTN để chờ ĐHCĐ thông qua?

Tại ĐHCĐ thường niên năm 2016 của CTCP GTNfoods vào cuối tháng 4/2016, Tổng Giám đốc – ông Michael Louis Rosen cho biết, GTN dự kiến sẽ mua lại doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp – thực phẩm. Ông Nguyễn Chí Thiện – Chủ tịch HĐQT GTN chia sẻ, Công ty sẽ hoàn thành M&A một doanh nghiệp nhà nước có ngành nghề liên quan đến sữa trong năm 2016 và dự kiến sẽ M&A 2 DNNN trong lĩnh vực nông nghiệp – thực phẩm với doanh thu hơn 2.000 tỷ đồng.

Ẩn số của thương vụ này đã lộ diện luôn khi tờ trình về việc cho phép GTN nâng sở hữu lên tối đa 65% mà không cần chào mua công khai đã được các cổ đông của Tổng Công ty Chăn nuôi Việt Nam – Vilico thông qua tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2016.

Tuy nhiên, mặc dù được thông qua nhưng việc thâu tóm Sữa Mộc Châu của GTN cũng không thực sự suôn sẻ. Trong khi các báo cáo về hoạt động của HĐQT, BKS; thù lao và phương án phân phối lợi nhuậntại Đại hội nhận được sự đồng thuận khá cao từ các cổ đông, thì 3 tờ trình còn lại là sửa đổi Điều lệ, quyết định việc CTCP GTNfoods được phép nâng sở hữu lên tối đa 65% mà không cần chào mua công khai và phương án phát hành cổ phần mới nhận được khá nhiều ý kiến thắc mắc.

Các cổ đông cho rằng, việc để GTN nâng sở hữu từ 7,35% lên tối đa 65% mà không cần chào mua công khai sẽ ảnh hưởng đến các cổ đông khác, đề nghị việc này cần thực hiện đúng theo quy định của Pháp luật. Một ý kiến từ đại diện của một công ty quản lý quỹ còn đề nghị chưa đưa vào Nghị quyết vấn đề để GTN sở hữu tối đa 65% vốn của Vilico. Riêng với phương án phát hành tăng vốn điều lệ, hầu hết các ý kiến đều cho rằng nội dung tăng vốn điều lệ chưa rõ ràng, phương án quá sơ sài.

Tuy nhiên, các tờ trình này vẫn được thông qua cho dù tỷ lệ phủ quyết tới gần 30%.

Như vậy, không phải không có lý khi thị trường ầm ĩ câu chuyện rằng, không phải Việt Xuân Mới, GTN mới là đơn vị thực sự mang tên cổ đông chiến lược của Vilico. Còn Việt Xuân Mới chỉ là trung gian trong thương vụ thâu tóm này và các động thái của họ chỉ nhằm dọn đường để GTN dễ dàng nâng sở hữu lên 65% mà không cần chào mua công khai theo tờ trình đã được ĐHĐCĐ thường niên Vilico thông qua.

Theo Trí thức trẻ

Tags:

Các chính sách đặc thù cho Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam: Phải đủ mạnh mới đủ sức hấp dẫn

Thể chế hóa chủ trương của Bộ Chính trị, trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm của một số nước, dự thảo Nghị quyết của Quốc hội (QH) về Trung tâm tài chính quốc tế (TTTCQT) tại Việt Nam hiện quy định 12 nhóm chính sách nhằm tạo khuôn khổ pháp lý thu hút đầu tư, thúc đẩy hoạt động kinh doanh trong TTTCQT trên các lĩnh vực, bảo đảm xây dựng và vận hành thành công Trung tâm trong bối cảnh đất nước đang tiến vào kỷ nguyên mới.

Giá vàng biến động: Việt Nam cần có lộ trình ứng phó chủ động

Cần nâng cao năng lực cho thị trường tài chính - ngân hàng, tạo thêm kênh đầu tư hấp dẫn, minh bạch; đồng thời tuyên truyền để người dân hiểu: đầu tư vào sản xuất, vào hoạt động doanh nghiệp mới là con đường phát triển bền vững, ổn định, qua đó giảm bớt tình trạng “vàng hóa” trong dân.

Video