Vận hội của Kinh tế tư nhân: Cần cơ chế hỗ trợ cạnh tranh, bình đẳng
Ngày 3/6, Diễn đàn Kinh tế Tư nhân Việt Nam do Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam tổ chức sẽ diễn ra tại Hà Nội.
[caption id="attachment_22078" align="aligncenter" width="588"]
Có một thực trạng chung ở nền kinh tế Việt Nam và khối kinh tế tư nhân đang tập hợp lực lượng đông nhất, giải quyết công ăn việc làm và đóng góp tăng trưởng GDP với tỷ trọng lớn, nhưng đây vẫn là khối “con ghẻ” (từ của chuyên gia Kinh tế Phạm Chi Lan) và có phần bị phân biệt đối xử bởi cơ chế, chính sách so với sự ưu ái dành cho khối doanh nghiệp công (Doanh nghiệp Nhà nước), hoặc thậm chí với khối FDI (doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài).
Nhìn nhận đúng về hỗ trợ, bắt đầu từ cải thiện tư duy
Ông Nguyễn Văn Thân – Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho biết, khối doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) mỗi năm đóng góp 42% GDP, 21% vốn Ngân sách Nhà nước, giải quyết 5,12 triệu lao động tương đương 45% việc làm trong khối sản xuất và chiếm 38% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, nhưng vẫn đang chịu nhiều thiệt thòi về cơ chế, chính sách. Chẳng hạn khối doanh nghiệp SMEs luôn khó khăn hơn các khối khác khi tiếp cận vốn, bị chèn ép cạnh tranh bởi lực lượng lao động công tham gia quá nhiều vào các hoạt động cung cấp dịch vụ mang tính chất thương mại hoặc dịch vụ công, hoàn toàn có thể xã hội hoá, gặp bất lợi thay vì hưởng lợi khi tiếp cận các ưu đãi từ các FTAs…
TS Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế TW đến đầu năm 2016, nhìn lại một giai đoạn tái cơ cấu nền kinh tế Việt Nam, vẫn cho rằng ông chưa thấy sự thay đổi về mặt tư duy để cải thiện chất lượng chính sách một cách thực chất ở ta. Theo ông, cải thiện tư duy mới chính là chìa khóa mấu chốt để cải thiện chất lượng dịch vụ hành chính công, để xây dựng Nhà nước kiến tạo, có môi trường cho doanh nghiệp sáng tạo.
Cũng vì lẽ đó, một trong những mục tiêu chính Diễn đàn Kinh tế Tư nhân (VPSF) lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam diễn ra ngày 3/6/2016 tại Hà Nội đặt ra, là: Hướng tới, bắt đầu từ tư duy nhận thức lại vai trò của lực lượng kinh tế tư nhân. Điều này, rất may mắn, đã được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định mạnh mẽ với các quyết sách sẽ tạo điều kiện hết mình cho khối này hoàn thành sứ mệnh động lực của nền kinh tế. Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 mà Thủ tướng kí ban hành không lâu sau ngày gặp gỡ cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam hôm 29/4, trong đó dành hẳn nhiều nội dung vạch các mục tiêu, quyết sách để doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp nhỏ và vừa nói riêng, chính là “đòn bẩy” tinh thần vô cùng quan trọng để doanh nghiệp có thể phát huy vai trò “động lực của nền kinh tế”. Doanh nghiệp, trong Nghị quyết, cũng được đề cao, nhấn mạnh, đặt tầm quan trọng phát triển hơn nữa dành cho khối tư nhân.
[caption id="attachment_22080" align="aligncenter" width="588"]
Nhìn nhận đúng của doanh nghiệp trong nền kinh tế đa thành phần
Có một điểm rất đáng ngạc nhiên, mà các nhà quản lý có lẽ cũng đã nhìn rõ và thấu suốt, nhưng lại chưa thực sự quan tâm để có những giải pháp tháo gỡ “vướng mắc tinh thần” cho những doanh chủ, những thành phần trong nền kinh tế, đặc biệt là khối doanh chủ với những người làm chủ các doanh nghiệp tư nhân, đó là: Nhìn nhận như thế nào để công bằng và bình đẳng về vị trí của các khối kinh tế.
Trong phiên chuyên đề trước diễn đàn chính có chủ đề về: “Hội nhập và toàn cầu hóa”, phiên do ông Lê Phước Vũ – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoa Sen làm Chủ tịch, trước khi bước vào thảo luận, ông Vũ đề cập khá nhiều câu chuyện cạnh tranh giữa ba thành phần trong nền kinh tế: Doanh nghiệp FDI, Doanh nghiệp Nhà nước và Doanh nghiệp Tư nhân.
Những ưu đãi quá mức và mối nguy chuyển giá với những thực tế nhiều tập đoàn lớn của quốc tế kinh doanh, đầu tư hàng chục năm nhưng không đóng thuế khi khai báo lỗ “có chủ động”, mối nguy hại lớn hơn cho môi trường – con người khi các doanh nghiệp nước ngoài tận dung sự dễ dàng trong chính sách hút vốn đầu tư của Việt Nam khiến chúng ta đang phải trả giá bằng môi trường… được ông Vũ nhắc tới khá cụ thể. Tuy nhiên, ông Lê Phước Vũ không quên nhấn mạnh: Một sự cạnh tranh bình đẳng và công bằng cho các thành phần kinh tế để tất cả cùng trở thành động lực cho sự cất cánh của Việt Nam, hơn lúc nào hết là vô cùng cần thiết!
Đáp lời ông Vũ, trong phần thảo luận, một đại diện chủ doanh nghiệp đến từ Gia Lai tiếp tục… bức xúc. Bà này cho rằng tại sao lại ưu đãi các doanh nghiệp FDI khi họ là… khách, là người nơi khác tới, trong khi doanh nghiệp trong nước còn vô cùng khó khăn và các doanh nghiệp nước ngoài càng lợi thế càng cạnh tranh trực tiếp và chèn ép doanh nghiệp nội địa…
Có thể thấy rằng, đây là minh chứng sống động cho quan điểm nhìn nhận về nền kinh tế ba thành phần chủ đạo; trong đó, vai trò của các doanh nghiệp ở mỗi khối như thế nào – trong tâm thế của nhiều doanh chủ, những “người trong cuộc” – vẫn chưa có sự minh định, xác lập vị thế. Điều này chính là vấn đề, “gót chân Achilles” trong cơ chế thông tin chủ trương, chính sách của Nhà nước.
Cần một sự rõ ràng để các bức xúc như của doanh nghiệp Gia Lai không còn. Cần một nguồn thông tin chính sách cụ thể, thông suốt và thậm chí cần sự “quảng bá”, “lobby” thông tin tới toàn thể các thành phần để không còn những tranh cãi kiểu Samsung Việt Nam là doanh nghiệp Việt Nam hay “khách”. Từ các nguồn thông tin được minh định, doanh nghiệp sẽ có sự chủ động tốt hơn, tìm cơ hội để “hội nhập” và tiến đến cạnh tranh bình đẳng với chính các doanh nghiệp FDI trước hết ngay trên sân nhà. Bởi, nói như ông Vũ, nếu không cạnh tranh bình đẳng, doanh nghiệp Việt sẽ “chết” trước khi ra biển.
Khi tư duy Nhà nước thay đổi, tư duy của các doanh chủ cũng rõ ràng minh bạch, sự đồng lòng chính là “dung môi” thúc đẩy các cơ chế quản lí, quản trị, kinh doanh trong nền kinh tế, áp dụng cho các thành phần, được thông suốt, hiệu quả. Đó chính là điều mà kinh tế Việt Nam đang cần.

Theo DĐDN