Tỷ phú bia: ‘Bằng MBA của Harvard không giúp tôi lập doanh nghiệp’

Khi bắt đầu cho ra đời thương hiệu bia Samuel Adams, Jim Koch đã có bằng MBA và bằng luật của Harvard và kinh nghiệm gần 7 năm làm nhà tư vấn quản lý với mức lương 6 con số đáng mơ ước.

Khi bắt đầu cho ra đời thương hiệu bia Samuel Adams từ căn bếp gia đình, Jim Koch đã có bằng MBA và bằng luật của Harvard cộng thêm kinh nghiệm gần 7 năm làm nhà tư vấn quản lý với mức lương 6 con số đáng mơ ước.

Thế nhưng, những nền tảng ấy lại không phải hành trang vững chắc giúp ông thành lập được doanh nghiệp của riêng mình.

Tỷ phú bia: ‘Bằng MBA của Harvard không giúp tôi lập doanh nghiệp’ - Ảnh 1.

Jim Koch, nhà sáng lập kiêm chủ tịch của Boston Beer. Ảnh: Getty Images.

Khía cạnh điều hành một doanh nghiệp ban đầu đã khiến vị tỷ phú vô cùng bối rối. Chia sẻ với CNBC Make It, ông nói, “Tôi thậm chí không biết cách gọi điện bán hàng, thiết kế nhãn mác, thiết lập bảng lương hay làm sao để mang thương hiệu đến được với khách hàng”.

“Hóa ra, có những thứ tưởng như hết sức đơn giản, nhưng kể cả những người có trình độ cũng không thể xử lý ngay lập tức”. Koch nhấn mạnh, “Kinh nghiệm đôi khi còn quan trọng hơn là trí thông minh”.

Ông đã nói với người đồng sáng lập công ty, Rhonda Kallman, rằng ông thấy việc khấu trừ thuế và các khoản phải thu khác đối với tiền lương là quá phức tập, và ông không có thời gian để giải quyết chúng. “Nếu Sam Adams hoạt động thua lỗ, sẽ không ai theo chúng tôi nữa bởi vì công ty đã phá sản. Nhưng nếu thành công, chúng tôi chắc chắn sẽ thuê một kế toán để khắc phục tất cả những vấn đề này”, ông chia sẻ vào thời điểm đó.

Trong những thập kỷ tiếp theo, Sam Adams đã đổi tên thành Công ty Boston Beer, với hơn 2.500 nhân viên và đạt doanh thu hàng năm hơn 2 tỷ USD. Koch, Chủ tịch công ty, cuối cùng đã thành công trong việc điều hành doanh nghiệp, nắm vững từ việc đảm bảo trả lương xứng đáng cho nhân viên, phân phối bia cho các đối tác, đến mở rộng quy mô xưởng nấu bia vượt phạm vi căn bếp gia đình mình.

Năm 2008, ông đã cho ra đời chương trình “Brewing the American Dream” (Tạm dịch: Ấp ủ giấc mơ Mỹ) nhằm hỗ trợ vốn kinh doanh cũng như tư vấn thông tin hữu ích cho những “tân binh” gia nhập lĩnh vực thực phẩm, nước giải khát và dịch vụ nhà hàng - những thế mạnh của Công ty bia Boston.

Vị tỷ phú cho biết, sáng kiến này bắt nguồn từ chính những khó khăn ban đầu của ông trong việc điều hành công việc kinh doanh. Ông cho biết, có hai điều mà ông muốn trao cho những doanh nhân trẻ, “Một, khả năng tiếp cận vốn vay. Và, hai, có lẽ là quan trọng hơn, cơ hội tiếp cận với những lời khuyên kinh doanh thực tế”.

Kể từ khi bắt đầu hoạt động đến nay, chương trình đã “chắp cánh” cho hơn 3.800 doanh nghiệp nhỏ trên khắp đất nước vay hơn 86 triệu USD. Công ty đồng thời cũng cung cấp dịch vụ huấn luyện kinh doanh cho hơn 13.000 doanh nhân.

“Những nguồn lực đó có thể tạo nên ranh giới giữa thành công và thất bại đối với những người muốn khởi nghiệp hay đang có những ý tưởng sản phẩm mới”, Koch nói thêm. Theo ông, nếu không có “chỗ dựa vững chắc” này, những người đứng đầu non trẻ có thể sẽ rối tung lên với công việc kinh doanh và quản trị, bằng cách này hay cách khác.

“Bạn nghĩ rằng mình là CEO và có thể điều phối mọi người phải làm gì", Koch nói. “Nhưng rất có khả năng bạn sẽ làm những việc này rất tệ, bởi tất cả đều là những điều mà bạn chưa từng va vấp và có kinh nghiệm làm trước đây”, Jim Koch nhấn mạnh.

Theo Hồng Ngọc (NĐH)

Nâng bước những Startup thành “kỳ lân”

Nền kinh tế số của chúng ta đã chứng kiến mức tăng trưởng cao nhất ở Đông Nam Á trong hai năm liên tiếp vào 2022 và 2023. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu bất ổn, đổi mới công nghệ đã trở thành động lực quan trọng cho sự phát triển kinh tế bền vững của Việt Nam, cũng như làm “bàn đạp” vững chãi cho các doanh nghiệp lớn mạnh trong hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo.

Nâng tầm hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia

Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, liên kết vùng được xác định là ba yếu tố góp phần nâng tầm vị thế hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia. Tuy nhiên, để phát huy tối đa lợi thế của các yếu tố này, cần khơi thông “điểm nghẽn” cản trở doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Di sản của Tổng giám đốc Sumitomo Jun Ohta

Ông chọn Việt Nam là 1 trong 4 thị trường trọng tâm và dưới sự điều hành của ông, Sumitomo đã đầu tư hàng tỷ đô vào khu vực thị trường trọng tâm.