Từ vụ lùm xùm tại Lingo.vn: Start-up đừng hi vọng nhà đầu tư là "hoa hậu thân thiện"
Việc MAJ Invest bất ngờ tuyên bố giải thể công ty và yêu cầu nhân viên nghỉ việc ngay lập tức là cú shock lớn với 265 nhân viên tại Lingo.vn, đồng thời cũng là bài học quý giá cho các start-up Việt khác.
Thời gian gần đây, start-up Việt liên tiếp đón nhận tin buồn khi hàng loạt các website thương mại điện tử lần lượt đóng cửa. Tuy nhiên, ồn ào nhất phải kể đến việc dừng hoạt động của Lingo.vn.
Bắt đầu ra mắt vào tháng 8/2011, Lingo.vn thuộc sở hữu của Tập đoàn VMG và hoạt động theo mô hình B2C. Đến năm 2014, từ trung tâm thuộc VMG, Lingo.vn được tách ra thành công ty cổ phần Thương mại Điện tử Lingo với mục tiêu trở thành website thương mại điện tử số 1 Việt Nam khi có sự đầu tư của tập đoàn đầu tư quốc tế Yellow Star Investment.
Tháng 8/2015, MAJ Invest Equity Vietnam I K/S (MIV - tên gọi cũ là LD Vietnam Invest K/S) – một trong 4 quỹ đầu tư quốc tế của Maj Invest - đã đàm phán để mua lại 100% cổ phần của Lingo.
Sau gần 1 năm "kết duyên" cùng quỹ đầu tư lớn của Đan Mạch, dù doanh thu của Lingo.vn có tăng trưởng nhưng lợi nhuận ghi nhận vẫn ở mức âm hàng chục tỷ đồng.
Ngày 2/8, Lingo.vn bỗng nhiên dừng hoạt động. Nguyên nhân được cho là do nhà đầu tư không tiếp tục rót vốn vì trang web kinh doanh kém hiệu quả. Những tưởng giống như các start-up thương mại điện tử khác, câu chuyện của Lingo sẽ khép lại tại đây thì bất ngờ ngày 31/8, trên fanpage chính thức của Lingo.vn xuất hiện một bức tâm thư tố cáo nhà đầu tư MAJ "tệ bạc".
[caption id="attachment_29091" align="aligncenter" width="500"]
Theo bức tâm thư này, gần 300 nhân viên của Lingo chỉ biết quyết định giải thể công ty trong vòng 2 giờ đồng hồ và được yêu cầu nghỉ việc ngay lập tức. Mọi người cũng không nhận được bất kỳ chế độ trợ cấp nào.
Cũng theo bài viết, chỉ một tiếng sau khi nhà đầu tư tuyên bố giải thể, toàn bộ các chủ nợ đã gọi đến đòi nợ các nhân viên. Họ mắng xối xả, thậm chí đe dọa gọi giang hồ đối với nhân viên Lingo nhưng nhà đầu tư vẫn "ngoảnh mặt làm ngơ".
Bức tâm thư này hiện đã bị xóa bỏ nhưng vẫn đang gây ra những tranh luận trái chiều trong cộng đồng start-up. Nhiều người lên án MAJ là "không có đạo đức kinh doanh", "coi thường lao động Việt Nam"... Nhưng cũng có ý kiến cho rằng MAJ làm như vậy là có lý vì Lingo đã "đốt" quá nhiều tiền của họ nhưng không sinh ra lợi nhuận, trong khi với các quỹ đầu tư lợi nhuận luôn là yếu tố sống còn.
Khoan bàn đến chuyện ai đúng ai sai trong vụ lùm xùm này. Nhưng đây rõ ràng là bài học cảnh tỉnh cho tất cả các start-up Việt khác. Việc huy động vốn thành công từ những quỹ đầu tư lớn là điều đáng mừng, nhưng quá phụ thuộc vào nguồn vốn đó lại vô cùng nguy hiểm. Khi nhà đầu tư ngừng rót vốn hoặc gặp khó khăn, start-up rất có thể sẽ sớm phải "dừng cuộc chơi".
Giờ đây, nhiều nhân viên Lingo đang rất bức xúc bởi họ từng có công việc tốt, ổn định nhưng bỗng nhiên thành thất nghiệp vì tin vào những lời mời chào, hứa hẹn khi đầu quân cho start-up này. Nhưng khởi nghiệp vốn dĩ ẩn chứa rất nhiều rủi ro. Và rủi ro đó không chỉ đến với những người sáng lập mà còn ảnh hưởng tới tất cả các nhân viên khác. Hãy suy nghĩ thật kỹ về những rủi ro mà bạn có thể gặp phải trước khi làm việc cho một công ty khởi nghiệp.
Một founder cũng cho rằng các start-up không nên hi vọng nhà đầu tư là những "hoa hậu thân thiện". Bởi suy cho cùng, họ cũng phải chịu trách nhiệm trước các cổ đông về lợi nhuận của công ty.
Về phía MAJ, việc bất ngờ thông báo đóng cửa Lingo có thể là nước cờ mạo hiểm của quỹ đầu tư này. Họ có thể tiết kiệm được một khoản chi phí tiếp tục duy trì doanh nghiệp nhưng uy tín đã ít nhiều bị ảnh hưởng.
Theo NDH