Trước mùa cao điểm, lãi suất vẫn duy trì ở vùng thấp kỷ lục

Lãi suất huy động và lãi suất trên liên ngân hàng vẫn đang ổn định ở vùng thấp...

Trước mùa cao điểm, lãi suất vẫn duy trì ở vùng thấp kỷ lục

Thị trường chỉ còn gần một tháng nữa để kết thúc năm 2020, cũng như vào mùa cao điểm thanh toán và chi trả nhưng cân đối thanh khoản của hệ thống vẫn thuận lợi, lãi suất trên nhiều thị trường cùng duy trì ở vùng thấp kỷ lục.

Tại phiên giao dịch ngày 7/12, lãi suất chào bình quân liên ngân hàng VND không thay đổi ở hầu hết các kỳ hạn từ 1 tháng trở xuống, ngoại trừ giảm 0,01 điểm phần trăm ở kỳ hạn 2 tuần so với phiên cuối tuần trước.

Cụ thể, qua đêm 0,15%; 1 tuần 0,20%; 2 tuần 0,26% và 1 tháng 0,39%. Như vậy, trên thị trường liên ngân hàng, xu hướng ổn định và êm đềm ở vùng thấp kỷ lục vẫn được thể hiện.

Hội Nghiên cứu Thị trường liên ngân hàng Việt Nam (VIRA) dự báo trong ngắn hạn, lãi suất VND liên ngân hàng kỳ hạn 1 tuần sẽ có xu hướng nhích lên, bình quân 0,21%/năm, nhưng không mấy thay đổi so với bình quân thực tế 0,20%/năm của tháng 11 vừa qua.

Tuy nhiên, nếu so sánh với cùng kỳ 2019, lãi suất VND liên ngân hàng đã có thay đổi lớn, giảm rất mạnh. Như trên, với dự báo của VIRA, kỳ hạn 1 tuần dự báo chốt năm 2020 quanh 0,21%/năm, trong khi cùng kỳ năm trước trong khoảng 2,3-2,5%/năm.

Trước mùa cao điểm, lãi suất vẫn duy trì ở vùng thấp kỷ lục - Ảnh 1.

Nguồn: Bloomberg, SBV, SSI tổng hợp.

Ở diễn biến khác, sau các ngân hàng thương mại nhà nước, các ngân hàng thương mại cổ phần cũng bắt đầu điều chỉnh giảm từ 10-20 điểm cơ bản lãi suất tiền gửi các kỳ hạn, thu hẹp chênh lệch lãi suất giữa các nhóm ngân hàng về mức thấp nhất trong nhiều năm gần đây.

Hiện tại, lãi suất tiền gửi ở mức 2,5-3,8%/năm với kỳ hạn dưới 6 tháng; 3,7-5,0%/năm với kỳ hạn 6 đến dưới 12 tháng; 4,9-5,8%/năm với kỳ hạn 12,13 tháng. Vùng lãi suất tiền gửi hiện tại đã thấp hơn cuối 2019 từ 1,5-3 điểm phần trăm và đang là vùng thấp lịch sử.

Công ty Chứng khoán SSI đánh giá, thanh khoản các ngân hàng thương mại vẫn rất dồi dào nhưng dư địa giảm thêm của lãi suất tiền gửi không còn nhiều, xu hướng ngắn hạn sẽ là đi ngang.

Quay lại phiên giao dịch 7/12 nhưng tại thị trường ngoại hối, cùng với sự suy yếu của USD trên thị trường quốc tế thì cung cầu ngoại tệ trong nước vẫn khá thuận lợi. Cán cân thương mại tháng 11 vẫn thặng dư 600 triệu USD, giải ngân vốn đầu tư FDI tháng 11 đạt 1.4 tỷ USD – tương đương so với cùng kỳ 2019.

Nhờ vậy, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh giảm 5 điểm xuống mức 23.137 VND/USD. Tỷ giá liên ngân hàng chốt phiên giao dịch ở mức 23.127 VND/USD, giảm nhẹ 3 đồng so với phiên liền trước. Nếu so với thời điểm cuối năm 2019, VND đã lên giá nhẹ so với USD, khoảng 0,1-0,3%.

Theo dự báo của VIRA, từ nay đến hết năm 2020, mức bình quân của tỷ giá USD/VND giao ngay trên liên ngân hàng vẫn sẽ cao hơn mức mua vào của Ngân hàng Nhà nước, bình quân sẽ ở 23.131 VND.

Theo Đào Hưng (VnEconomy)

Các chính sách đặc thù cho Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam: Phải đủ mạnh mới đủ sức hấp dẫn

Thể chế hóa chủ trương của Bộ Chính trị, trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm của một số nước, dự thảo Nghị quyết của Quốc hội (QH) về Trung tâm tài chính quốc tế (TTTCQT) tại Việt Nam hiện quy định 12 nhóm chính sách nhằm tạo khuôn khổ pháp lý thu hút đầu tư, thúc đẩy hoạt động kinh doanh trong TTTCQT trên các lĩnh vực, bảo đảm xây dựng và vận hành thành công Trung tâm trong bối cảnh đất nước đang tiến vào kỷ nguyên mới.

Giá vàng biến động: Việt Nam cần có lộ trình ứng phó chủ động

Cần nâng cao năng lực cho thị trường tài chính - ngân hàng, tạo thêm kênh đầu tư hấp dẫn, minh bạch; đồng thời tuyên truyền để người dân hiểu: đầu tư vào sản xuất, vào hoạt động doanh nghiệp mới là con đường phát triển bền vững, ổn định, qua đó giảm bớt tình trạng “vàng hóa” trong dân.

Video