Trở lại thời bán trứng bốc bằng tay
Người tiêu dùng, nông dân, tiểu thương bán lẻ sẽ được hưởng lợi khi quả trứng không bị ràng buộc bởi các quy định kiểm dịch và điều kiện kinh doanh vô lý.
[caption id="attachment_29470" align="aligncenter" width="700"]
Từ ngày 15/8, trứng gia cầm tươi và chế biến chính thức được miễn kiểm dịch. Điều đó đồng nghĩa với việc từ nay cơ quan thú y không còn vai trò giám sát quả trứng, có chăng chỉ còn lực lượng quản lý thị trường và cơ quan quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm.
Đây là nội dung quan trọng trong Thông tư 25 quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ban hành, có hiệu lực từ ngày 15/8.
Sau ngày 15 tới đây, tình hình kinh doanh trứng gia cầm sẽ trở về thời kỳ trước khi dịch cúm gia cầm bùng phát vào cuối 2003 đầu 2004.
Lại được dùng tay bốc trứng
Người bán trứng có thể dùng tay bốc từng quả, còn chủ trại gà ở bất kỳ địa phương nào cũng có thể chở trứng lên thị trường TPHCM tiêu thụ… Giá trứng gia cầm chắc chắn sẽ rẻ hơn vì cắt được nhiều khâu trung gian…
Dù chưa đến ngày có hiệu lực, nhưng thị trường trứng gia cầm suốt mấy tuần gần đây đã sôi động hẳn lên. Có lẽ, giới tiểu thương bán trứng ở chợ và các chủ trại gà là hai đối tượng hoan hỷ nhất bởi từ nay, họ không bị các vựa trứng cấp 1, cấp 2 cũng như doanh nghiệp kinh doanh trứng bình ổn chèn ép.
Bà Minh, một tiểu thương bán trứng ở chợ Thủ Đức, cho biết trước đây các tiểu thương bán lẻ như bà bắt buộc phải lấy trứng ở vựa cấp 1 hoặc 2, họ đóng trứng sẵn vào hộp rồi giao vào mỗi buổi sáng.
So với trứng hàng cây (chưa đóng hộp) thì giá cao hơn. Chẳng hạn, trứng cây (30 quả/cây) có giá 1.800 đồng/quả loại 1 thì khi bỏ vào hộp đại lý nâng giá lên 2.200 đồng, chênh 400 đồng.
Chưa hết, cứ sáng sớm ra là lực lượng thú y đã túc trực ở các quầy để thu tiền kiểm dịch mỗi quả trứng 10 đồng. Như vậy là tiểu thương vừa phải lấy trứng mắc từ các vựa, vừa phải đóng tiền kiểm dịch nên phần lãi chẳng còn bao nhiêu.
Tuy nhiên, từ ngày 15/8 mọi chuyện sẽ khác, tiểu thương có thể tự mua hộp, tự in nhãn mác rồi lấy trứng trực tiếp từ chủ trại đưa về đóng hộp để bán chứ không phải qua bất kỳ khâu trung gian nào. Kể cả việc không phải đóng phí kiểm dịch.
“Tin này tụi tui biết cách nay vài tuần, ai ai cũng vui vì từ nay không bị các vựa kinh doanh trứng chèn ép nữa và khi mua trứng trực tiếp từ trại thì có thể bán cho người dùng rẻ hơn, doanh số cũng cao hơn.”, bà Minh nói.
Hàng ngàn tiểu thương bán lẻ cũng có chung tâm trạng như Bà Minh. Người nào có người thân nuôi gà đẻ cũng đã chuẩn bị sẵn phương án lấy hàng về tự đóng hộp.
Người chưa có thì tìm cách liện hệ. Họ có thể không lấy trứng qua đại lý, hoặc nếu có lấy thì cũng được mức giá mềm hơn trước vì đại lý đã hết thời khống chế giá.
Không chỉ người bán lẻ, về phía các chủ trại cũng đang nôn nóng chờ đợi đến ngày được tự tay đưa trứng lên thành phố.
Ông Nguyễn Ngọc Khoa, một trong các chủ trại gà đẻ có quy mô đàn lớn nhất các tỉnh miền Đông khẳng định: suốt bao năm nay người chăn nuôi bị các vựa trứng cấp 1, cấp 2 và hai doanh nghiệp kinh doanh trứng bình ổn ở TPHCM chèn ép, khống chế giá.
Trong lúc giá trứng mà các đối tượng này trả cho chủ trại luôn rất thấp, thì người dùng lại phải mua quá cao, có thời điểm chênh lệch 30-40%.
Người nuôi gà không có quyền tự quyết giá trứng mà do các đầu mối kinh doanh lớn ở TP chi phối nên họ luôi bị thua lỗ nhiều hơn là có lãi.
“Tôi nghĩ đã đến lúc phải đưa mặt hàng trứng gia cầm về đúng quy luật thị trường. Người sản xuất phải có tiếng nói, có vai trò quyết định giá chứ không thể để những công ty làm bình ổn quyết định được nữa.”, ông Khoa quả quyết.
[caption id="attachment_29469" align="aligncenter" width="700"]
Lợi nhuận khủng
Thử làm một phép tính đơn giản để thấy lợi nhuận kinh doanh trứng cao đến mức nào.
Một doanh nghiệp mua trứng loại 1 từ trại là 1.700 đồng/quả. Tiền vận chuyển từ trại về nhà máy xữ lý hết 50 đồng. Chi phí nhân công, bao bì, khấu hao máy móc, điện nước, kiểm dịch hết khoảng 200 đồng, cộng hai khoản lại tốn 250 đồng.
Nếu bán ở siêu thị thì tốn thêm chi phí chiết khấu 8-10%, còn bán lẻ ở cửa hàng thì tốn thêm chi phí thuê mặt bằng, lương nhân viên, điện nước. Khi giao trực tiếp cho người mua thì tốn ít tiền xăng.
Ấy vậy mà, giá trứng bán trên thị trường luôn ở mức 2.400-2.600 đồng quả, trừ chi phí doanh nghiệp lãi 400-600 đồng. Còn người nuôi thì chỉ mơ được lãi 50-100 đồng mỗi quả cũng là sung sướng lắm rồi.
Phân tích như vậy để thấy Thông tư 25 sẽ đưa đến niềm vui khôn tả không chỉ cho người chăn nuôi, tiểu thương mà cả người dùng cũng hưởng lợi khi mua trứng gia cầm.
Rõ ràng, kể từ sau dịch cúm gia cầm 2003-2004 tình hình kinh doanh trứng gia cầm đã bị kiểm soát quá chặt, dù đây là mặt hàng gây ít mối nguy về an toàn thực phẩm hoặc lan lây lan dịch bệnh trong hoàn cảnh dịch cúm gia cầm đã được kiểm soát tốt.
Trước đây, khi chăn nuôi chủ yếu dưới dạng nhỏ lẽ, thiếu kiểm soát thì có thể việc quản lý quả trứng chặt chẻ có thể hiểu được. Nhưng hàng chục năm nay, nuôi gà đẻ đã được đầu tư quy mô lớn, công nghiệp bằng hệ thống chuồng kín, gắn máy lạnh.
Quả trứng gà khi ra khỏi trại cũng sạch tinh chứ không dơ bẩn, dính lông lá như trước. Nên việc bỏ kiểm dịch, bỏ quản lý, bỏ luôn quy định chỉ có doanh nghiệp, vựa trứng cấp 1, cấp 2 mới được bán trứng là hoàn toàn đúng và phù hợp.
Một khi cắt được các khâu trung gian, phí kiểm dịch cộng với các phí vô hình ắt giá thành quả trứng từ trại đến tay người dùng sẽ giảm rất nhiều.
Vấn đề còn lại khi cơ quan thú y không “nhúng tay” vào quả trứng thì vai trò của cơ quan quản lý thị trường, vệ sinh an toán thực phẩm đến đâu.
Vì dù sao qủa trứng vẫn phải chịu chi phối bởi quy định bao bì, nhãn mác và các chủ trại, người bán phải chịu trách nhiệm về chất lượng cũng như an toàn vệ sinh thực phẩm với sản phẩm của mình.
Ông Phan Xuân Thảo, Chi cục trưởng Chi cục Thú y TPHCM có lo lắng khi thực hiện Thông tư 25 thì các tỉnh miễn kiểm dịch, không quan tâm, thậm chí buông lỏng, khả năng tái phát dịch cúm gia cầm sẽ cao.
Bỏ kiểm dịch thì khả năng trứng từ các tỉnh phía Bắc, trong đó có Trung Quốc tràn vào khi có chênh lệch giá. Do đó, nếu không có kiểm soát thì e rằng mọi chuyện phức tạp, nên thông tư 25 được ông đánh là “bước đi thụt lùi trong vấn đề quản lý”.
Một vài ý kiến doanh nghiệp bình ổn cũng cho rằng việc bỏ kiểm dịch trứng gia cầm chắc chắn sẽ làm xáo trộn nhiều đến thị trường vì việc kiểm dịch đã tồn tại trong suốt một thời gian dài, từng là biện pháp chính để kiểm soát dịch cúm gia cầm hơn mười năm trước.
Giai đoạn hiện nay, mặt hàng trứng gia cầm không còn bị đoa dọa bởi dịch cúm nhưng thị trường đang tiến tới việc quản lý, phân phối mặt hàng này theo chuỗi để đảm bảo an toàn thực phẩm, nên khi không còn giấy kiểm dịch mà đơn vị quản lý thị trường không quản lý tốt sẽ chẳng còn doanh nghiệp nào hứng thú với việc đầu tư quản lý theo chuỗi.
Những lý do trên cũng chỉ là muốn níu kéo lợi ích bởi nếu duy trì kiểm dịch thì hàng ngàn nhân viên thú y có việc làm, thu nhập từ những khoản thu phí trên mỗi quả trứng.
Còn doanh nghiệp và đại lý duy trì được quyền sinh, quyền sát khi bán trứng cho người dùng và mua trứng của nông dân.
Việc nói rằng Thông tư 25 làm mất đi cơ hội để doanh nghiệp quản lý sản phẩm theo chuỗi, đảm bảo an toàn thực phẩm nhưng nên nhớ có mấy doanh nghiệp nào đầu tư nuôi gà, họ chủ yếu mua trôi nổi từ nông dân thì làm sao quản lý theo chuỗi được.
Do đó, không cứ gì trứng gia cầm mà mặt hàng nào cũng vậy, hãy để thị trường tự điều tiết sẽ tốt hơn.
Theo VietQ