Tình hình chớm khả quan tại "ông tổng" ngành điện xây dựng, cổ đông lớn đã vội lũ lượt ra đi
Dù hoạt động kinh doanh đang lấy lại "phong độ" nhưng Tổng CTCP Xây dựng Điện Việt Nam - Vneco (HOSE: VNE) lại liên tục mất đi nhiều cái tên đã từng gắn bó và sở hữu lượng lớn cổ phiếu trong danh sách cổ đông lớn.
Cổ đông lớn lần lượt ra đi
Quay trở lại thời điểm cuối năm 2015, sau khi SCIC tiến hành thoái 18,9 triệu cp VNE, tương đương 29,66% vốn, nhiều nhà đầu tư (NĐT) đã ghi tên vào danh sách cổ đông lớn của Công ty. Trong đó, có thể đến 2 cái tên đáng chú ý nhất là CTCP Bảo Phước mua 8 triệu cp, tương đương tỷ lệ 12,48% vốn và CTCP Khải Toàn mua 11 triệu cp, tương đương tỷ lệ 17,17% vốn. Bên cạnh đó, Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam cũng mua 3 triệu cp, để sở hữu 7,89% vốn. Không lâu sau đó, PYN Elite Fund cũng nâng sở hữu lên 8,76% và trở thành cổ đông lớn của Công ty.
Theo đó, với sự ra đi của SCIC, VNE ngay lập tức xuất hiện 4 cổ đông lớn thay thế. Trong thời gian này, cổ phiếu VNE được giao dịch quanh mức 12.000 đồng/cp (giá đã điều chỉnh).
Tuy nhiên, những gì diễn ra sau đó lại khiến các cổ đông “hụt hẫng”. Sau đợt thoái vốn thành công của SCIC, trong cả năm 2016, hoạt động kinh doanh ảm đạm cùng giá cổ phiếu VNE liên tục tụt dốc khiến 2 cổ đông lớn nhất lần lượt rời bỏ.
Tháng 5/2016, CTCP Bảo Phước bán đi 5 triệu cp VNE giữa lúc thị giá của VNE đang quanh mức 10,000 đồng/cp và giảm tỷ lệ sở hữu xuống chỉ còn 4.56%. Sau Bảo Phước, đến lượt CTCP Khải Toàn muốn giảm sở hữu VNE xuống còn 12.64% vào tháng 9/2016.
Sau đó, kết quả kinh doanh của VNE cùng thị giá cổ phiếu dần hồi phục thì những cổ đông lớn lại tiếp tục “rục rịch” thoái vốn bắt đầu từ cuối tháng 3/2017.
Cụ thể, CTCP Khải Toàn đã liên tục bán thỏa thuận và khớp lệnh hơn 6 triệu cp VNE qua 2 đợt, giảm sở hữu từ mức 12,64% xuống chỉ còn 4,07% vốn tính đến phiên 19/03/2017. Bên cạnh đó, CTCP Bảo Phước cũng đã bán thỏa thuận toàn bộ 4,57% vốn và không còn là cổ đông của VNE.
Mới đây nhất, Công ty TNHH Chứng khoán NHTMCP Ngoại Thương Việt Nam (VCBS) cũng đã bán thỏa thuận 7,15 triệu cp (tương đương 7,91% vốn) và chỉ còn sở hữu 7 cp VNE. Phía cổ đông ngoại, PYN Elite Fund cũng đã bán hơn 381 ngàn cp, giảm sở hữu xuống còn 8,58%.
Như vậy, cổ đông lớn của VNE tính tới thời điểm hiện tại chỉ gồm 1 cá nhân là bà La Mỹ Phượng (nắm hơn 5% vốn) và PYN Elite Fund.
Liên tục thoái vốn trong thời gian gần đây ngay cả khi tình hình tại VNE đã khả quan hơn, hiện tượng này thể hiện sự mất kiên nhẫn của các cổ đông lớn hay các cổ đông lớn này vốn chỉ là "cò"? Cũng cần lưu ý rằng hầu hết các giao dịch lượng lớn cp của các cổ đông lớn đều là giao dịch thỏa thuận.
Kỳ vọng gì ở “ông lớn” ngành điện xây dựng
Mặc dù đã trải qua năm 2016 thất vọng, tuy nhiên những gì VNE đã và đang làm lại cho thấy những sự thay đổi khá tích cực.
Mặc dù ôm khoản lỗ ròng trong 2 quý đầu năm 2016, nhưng trong 2 quý cuối, VNE vẫn kịp xoay chuyển tình hình và kết thúc năm với khoản lãi ròng hơn 10 tỷ đồng. Nguyên nhân một phần đến từ việc đã thoái được “cục nợ” CTCP Đầu tư và xây dựng điện Mê Ca VNECO (VES) là một trong những “nguồn cơn” khiến VNE lỗ ròng nửa đầu năm 2016.
KQKD của VNE trong 4 năm gần đây
Năm 2017, VNE đặt kế hoạch với bước tiến dài, doanh thu dự kiến đạt 1.112,8 tỷ đồng, gấp đôi so với thực hiện năm 2016. Lợi nhuận ròng đặt mục tiêu tăng trưởng gấp 2 lần, ở mức 111 tỷ đồng và sẽ chi cổ tức tỷ lệ 10%.
Hiện nay, ngoài các hợp đồng thi công hạ tầng điện, VNE đang có trong tay 6 dự án bất động sản, trong đó đáng chú ý nhất là dự án Tổ hợp trung tâm Thương mại & căn hộ cao cấp VNECO PLAZA tại Sơn Trà, Đà Nẵng, với quy mô 47 tầng, cao 150 m, có 2 tầng hầm. Theo ý kiến của cổ đông tại ĐHĐCĐ thường niên 2017, VNE đã thực hiện chuyển nhượng dự án trong quý II/2017 và ghi nhận giá chuyển nhượng trước thuế gần 206 tỷ đồng.
Trong nửa đầu năm 2017, VNE đạt doanh thu thuần gần 466 tỷ đồng, tăng trưởng gấp 2,6 lần cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận ròng cũng nhảy vọt đạt hơn 80 tỷ đồng, không còn lỗ ròng như nửa đầu năm 2016.
Một loạt dự án khác của VNE như Khu dịch lịch Xang Lăng Cô, dự án khách sạn Xanh Đà Nẵng, dự án Khu đô thị Mỹ Thượng tại Thừa Thiên Huế và các bất động sản tại 489-493 Nguyễn Lương Bằng, Đà Nẵng; 344 Phan Châu Trinh, Đà Nẵng và một số tại TP Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, dự án Siêu thị Xanh Đà Nẵng với tổng mức đầu tư khoảng 107 tỷ đồng, cũng sẽ được Công ty tìm đối tác chuyển nhượng.
Về hoạt động kinh doanh cốt lõi là xây dựng công trình điện, hiện VNE đang sở hữu hợp đồng triển khai mạng lưới điện EPC đường dây 110kV và trạm biến áp Nhà máy điện gió Thuận Nhiên Phong. Giữa tháng 3/2017, VNE đã nhận chuyển nhượng toàn bộ vốn góp của CTCP Năng lượng tái tạo Châu Á tại Công ty TNHH Thuận Nhiên Phong 1. Theo đó, VNE sẽ trở thành chủ sở hữu của Thuận Nhiên Phong 1.
Tính đến cuối quý I/2017, tổng tài sản hợp nhất của VNE ở mức 1.628 tỷ đồng, tăng 6% so với hồi đầu năm. Trong đó, tài sản ngắn hạn chiếm 62% với hơn 1.005 tỷ đồng, chủ yếu là khoản phải thu; tài sản dài hạn hơn 625 tỷ đồng, chiếm 38% cơ cấu. Mặt khác, VNE chỉ có hơn 221 tỷ đồng nợ vay tài chính, tương đương 14% so với tổng vốn; trong đó nợ vay ngắn hạn hơn 218 tỷ đồng và gần 3,7 tỷ đồng nợ vay dài hạn.
Nửa đầu năm 2016, VNE đã lỗ ròng tới hơn 22 tỷ đồng do doanh thu sụt giảm và nhận lỗ từ công ty liên kết - CTCP Đầu tư và xây dựng điện Mê Ca VNECO (VES). Trên thị trường chứng khoán, thị giá VNE từng có lúc rơi xuống mức 5.500 đồng/cp (giá đã điều chỉnh).
Theo Thế Nhất - NDH