Thủy sản Việt Nam bị cảnh báo nhiễm kim loại

Mới đây, Nafiqad đã nhận được 11 thông tin về 11 lô hàng thủy sản của Việt Nam xuất khẩu vào EU bị cảnh báo dư lượng kim loại nặng là thuỷ ngân, Cadmium vượt giới hạn tối đa cho phép.

Tính đến nay, số vụ cảnh báo đã tăng gấp 2,2 lần so với cả năm 2015. Đặc biệt, cảnh báo nhiễm kim loại nặng đã gia tăng đột biến từ sau khi xảy ra hiện tượng cá chết hàng loạt tại ven biển 4 tỉnh miền Trung.

[caption id="attachment_31701" align="aligncenter" width="660"]resize-of-thuy-san Ảnh minh họa[/caption]

Cục Quảng lý Chất lượng Nông – Lâm sản và Thuỷ sản (Nafiqad), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa phát đi thông tin cảnh báo của Liên minh châu Âu (EU) về tình trạng nhiễm kim loại nặng đối với các lô hàng thuỷ sản xuất khẩu.

Theo đó, Nafiqad đã nhận được 11 thông tin về 11 lô hàng thủy sản của Việt Nam xuất khẩu vào EU bị cảnh báo dư lượng kim loại nặng là thuỷ ngân, Cadmium vượt giới hạn tối đa cho phép.

Số lô hàng thủy sản bị cảnh báo nhiễm kim loại nặng của VN bắt đầu tăng mạnh từ cuối tháng 5. Cụ thể, ngày 24/5, EU đã phát đi cảnh báo với các nước là thành viên kiểm tra tăng cường kim loại nặng đối với thủy sản của Việt Nam xuất khẩu vào Liên minh Châu Âu. Đặc biệt, tính đến thời điểm hiện tại, số vụ cảnh báo đã tăng gấp 2,2 lần so với cả năm 2015.

Để tránh việc tái diễn tình trạng này, Nafiqad yêu cầu các doanh nghiệp chế biến thuỷ sản xuất khẩu vào EU có chương trình quản lý chất lượng, thiết lập, thực hiện các biện pháp tăng cường kiểm soát mối nguy kim loại nặng trong đó đặc biệt lưu ý đến việc kiểm soát nguồn gốc nguyên liệu thủy hải sản nhập về nhà máy để chế biến.

Về phía các trung tâm chất lượng nông lâm thủy sản vùng, phải triển khai chặt chẽ hoạt động kiểm tra, chứng nhận lô hàng thủy sản xuất khẩu. Trong đó, Cục nhấn mạnh việc kiểm ra lấy mẫu, thẩm tra chỉ tiêu kim loại nặng đối với các lô hàng có thành phần nguyên liệu hải sản được nuôi trồng, khai thác, đánh bắt tại vùng biển các tỉnh miền Trung.

Trước đó, tại cuộc họp với Tổng cục Thủy sản hồi tháng 6, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) lo lắng cho biết: Cơ quan thẩm quyền của Liên minh Châu Âu (EU) đã có văn bản cảnh báo số tới 28 nước thành viên EU về việc cá chết bất thường tại Việt Nam và đề nghị các nước kiểm soát chặt chẽ các lô hàng thủy sản biển nhập khẩu từ Việt Nam.

Động thái này diễn ra sau khi xảy ra hiện tượng cá chết hàng loạt tại ven biển 4 tỉnh miền Trung (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế) khiến các nhà nhập khẩu thủy sản tại EU lo ngại về chất lượng hải sản xuất khẩu có nguồn gốc từ Việt Nam.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hàng thủy sản 8 tháng năm 2016 đạt hơn 4,36 tỷ USD, tăng 6,2% so với cùng kỳ. Mỹ là thị trường nhập khẩu hàng thủy sản lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 906 triệu USD. Đứng thứ 2 là thị trường Nhật Bản với kim ngạch 650 triệu USD.

Hơn nữa, thủy sản là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, do đó, việc liên tục bị EU “rút thẻ vàng” có thể ảnh hưởng trực tiếp đến ngành này. Mà cụ thể tại hai thị trường lớn này, tốc độ tăng trưởng đã chậm lại so với mức tăng trưởng ngành thủy sản những năm trước.

Đại diện Tổng cục Thuỷ sản từng ái ngại: “EU là thị trường mà mỗi khi đã bị “rút thẻ vàng”, các nước xuất khẩu thủy sản vào thị trường này sẽ vô cùng khó khăn để mở cửa trở lại. Vì vậy, đây là vấn đề hết sức nguy hiểm, không thể xem thường”.

Theo Thy Hằng DĐDN

Tags:

Nhiều chỉ số kinh tế tăng trưởng tích cực

Nhiều chỉ số kinh tế trong 2 tháng đầu năm 2025 tăng trưởng tích cực nhưng so với kịch bản để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 8% trong năm 2025 thì chưa đạt như kỳ vọng.

Video