Thoái vốn khỏi mảng bán lẻ, FPT sẽ ra sao?
Cho dù bất ngờ có quyết định thoái vốn khỏi mảng bán lẻ, phân phối điện thoại di động, nhưng Tập đoàn FPT đang sở hữu thế mạnh đáng kể ở ngành công nghệ và giáo dục. Điều này sẽ giúp FPT tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới.
Khi smartphone gần chạm điểm bão hòa
Tính đến hết tháng 7/2017, FPT Retail đang vận hành chuỗi 438 FPT shop trên phạm vi toàn quốc. Doanh thu 6 tháng đầu năm của nhà bán lẻ này đạt 6.193 tỷ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ năm 2016 với lợi nhuận trước thuế 141 tỷ đồng (tăng 44%). Nếu tính về tỉ trọng trong doanh thu thì hiện mảng bán lẻ và phân phối đang chiếm đến 60% tổng doanh thu của FPT Retail nên việc tách mảng kinh doanh này ra khỏi tập đoàn ít nhiều gây quan ngại về tương lai của công ty này.
Ngoài mảng bán lẻ, FPT còn đang nắm giữ 100% vốn của FPT Trading - đơn vị phân phối sỉ các mặt hàng công nghệ. Nhưng với xu thế các hãng sản xuất di động như Apple, Samsung... thay đổi chính sách bán hàng và làm việc trực tiếp với các nhà bán lẻ, rõ ràng FPT Trading đang gặp nhiều khó khăn, tương tự như đối thủ Digiworld trong thời gian gần đây. Mảng phân phối công nghệ chỉ mang lại lợi nhuận trước thuế cho nhà bán lẻ này 150 tỷ đồng trong nửa đầu năm nay, giảm đến 18% so với cùng kỳ năm trước.
Thực tế thì thực trạng phân phối và bán lẻ điện thoại di động dường như không còn hấp dẫn, thậm chí đang gần chạm đến điểm bão hòa khi tỉ lệ sử dụng điện thoại di động của người dân đã gần chạm ngưỡng giới hạn. Theo đánh giá của hãng Nghiên cứu thị trường Euromonitor, thị trường điện tử tiêu dùng tại Việt Nam có thể sẽ chỉ chứng kiến mức tăng trưởng khá khiêm tốn 3-6%/năm trong giai đoạn 2017 - 2020. Việc sức tiêu thụ tăng trưởng chậm lại khiến các nhà bán lẻ phải tìm các con đường khác để duy trì đà tăng trưởng, nhất là thông qua công cụ M&A như trường hợp của Thế Giới Di Động mới đây.
Hiện FPT Retail là nhà bán lẻ lớn thứ 2 ngành hàng điện tử tiêu dùng tại Việt Nam với thị phần khoảng 15%, nhưng cách biệt khá xa so với người dẫn đầu Thế Giới Di Động (40%). Việc thị trường đón nhận thêm các nhà bán lẻ ngoại có nguồn lực mạnh như Central Group, hãng bán lẻ trực tuyến Lazada khiến cho cho sức nóng cạnh tranh càng gia tăng thêm, tác động xấu đến biên lợi nhuận của các nhà bán lẻ nội đang có mặt trên thị trường.
Dù là mảng đóng góp lớn nhất vào cơ cấu doanh thu của FPT trong nửa đầu năm, nhưng mảng phân phối và bán lẻ không phải là nguồn duy nhất mang lại lợi nhuận trước thuế cho tập đoàn. Vị thế số 1 lại thuộc về mảng viễn thông với tỉ trọng 43%, theo sau là khối công nghệ với tỉ trọng 31%. Do đó việc thoái bớt vốn tại mảng bán lẻ để tập trung nhiều nguồn lực hơn vào hai mảng cốt lõi kể trên cũng là điều dễ hiểu.
Bài toán định vị lại thương hiệu
Nhưng chắc chắn việc thoái vốn khỏi mảng bán lẻ, phân phối không phải là quyết định dễ dàng cho các nhà lãnh đạo FPT. Đánh giá hiệu quả của một mảng kinh doanh không chỉ đơn thuần nằm ở các tỉ số tài chính trên sổ sách mà còn nằm ở những giá trị vô hình khác, bởi kênh bán lẻ còn là công cụ quảng bá hiệu quả cho thương hiệu FPT, đồng thời tạo thành chuỗi kinh doanh hoàn chỉnh cho tập đoàn.
Theo đánh giá của Tạp chí Forbes Việt Nam, thương hiệu FPT đang được định giá ở mức 176 triệu USD, chỉ đứng sau Vinamilk, Viettel, Vingroup, Sabeco và Masan Consumer. Bài toán định vị lại thương hiệu, vì thế sẽ là một trong những trọng tâm cần giải quyết của FPT sau khi không còn mảng bán lẻ nữa.
Theo chia sẻ của Chủ tịch FPT, ông Trương Gia Bình, bên cạnh hai mảng công nghệ và viễn thông, tập đoàn sẽ tìm kiếm các cơ hội mở rộng mảng thương mại điện tử và giáo dục. Hiện ở mảng thương mại điện tử, FPT đang sở hữu trang web bán hàng trực tuyến sendo.vn. Với trang web này, FPT đặt mục tiêu đầy tham vọng là đạt 1 tỷ USD giá trị giao dịch vào năm 2020. Để bổ trợ và thúc đẩy sự phát triển của sendo.vn, gần đây FPT đã cho ra mắt ví điện tử có tên gọi Ví FPT, cung cấp nền tảng thanh toán trực tuyến.
Ở mảng giáo dục, hiện FPT đang sở hữu một trường đại học, kênh giáo dục trực tuyến Funix và dự kiến sẽ gia tăng thêm 3 trường nữa trong khoảng 2 năm tới. Triển vọng kinh doanh của FPT trong tương lai còn phải tính đến một kịch bản mới, đó là việc Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đang có kế hoạch thoái toàn bộ 50% phần vốn đang sở hữu tại FPT Telecom theo đề án tái cấu trúc của Chính phủ.
Một khi gia tăng thêm tỉ lệ sở hữu và kiểm soát được nhiều hơn “con gà đẻ trứng vàng” này, cộng với các chính sách dễ thở hơn trên thị trường viễn thông, FPT Telecom sẽ giúp cho lợi nhuận của tập đoàn khả quan hơn trong tương lai. “FPT đã đạt được những vị thế ngành quan trọng trong hầu hết các lĩnh vực tham gia bao gồm: viễn thông, gia công phần mềm và phân phối - bán lẻ sản phẩm công nghệ… giúp duy trì được tăng trưởng chung cho cả tập đoàn. Bên cạnh đó, FPT còn sở hữu sức khỏe tài chính lành mạnh dựa trên dòng tiền dồi dào từ các hoạt động kinh doanh”, Công ty chứng khoán Rồng Việt lạc quan nhận định p