Thị trường khách sạn 5 sao hồi phục nhờ chính sách hỗ trợ du lịch mới

Theo báo cáo của của Knight Frank tại Việt Nam, trong nửa đầu năm 2025, giá phòng trung bình theo ngày (ADR) tại TP. Hồ Chí Minh tăng lên 152 USD/phòng/đêm, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước, nhờ vào hơn 22,1 triệu lượt khách du lịch trong nước và quốc tế (tăng 12% so với cùng kỳ năm trước) trong mùa cao điểm nửa đầu năm 2025.
 
Thị trường khách sạn 5 sao hồi phục nhờ chính sách hỗ trợ du lịch mới

Việc khai trương dự án khách sạn có thương hiệu mới, Hotel Indigo Saigon The City (Quận 1, TP. Hồ Chí Minh) bởi IHG, cũng góp phần vào việc tăng giá thuê, với giá chào thuê trung bình cao ở mức 200 USD/phòng/đêm. Giá phòng trung bình (ADR) của các khách sạn 5 sao tại Hà Nội tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước, lên 135 đô la Mỹ/phòng/đêm, được hỗ trợ bởi hiệu suất hoạt động tốt từ các khách sạn hiện hữu trong bối cảnh lượng khách du lịch trong nước và quốc tế tăng đáng kể, đạt 15,5 triệu lượt (tăng 11,8% so với cùng kỳ năm trước).

Ông Sơn Hoàng, Phó Giám đốc, Định giá và Tư vấn, Knight Frank Việt Nam cho biết, thị trường khách sạn 5 sao tại Việt Nam có dấu hiệu hồi phục và tăng trưởng trở lại phần lớn nhờ vào tín hiệu phục hồi kinh tế, nhất là các chính sách hỗ trợ phát triển du lịch như chính sách nới lỏng thị thực và các đường bay thẳng mới đã thúc đẩy sự phục hồi của thị trường khách sạn 5 sao tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng…

Cụ thể, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 44/NQ-CP, chính thức miễn thị thực cho công dân 12 quốc gia gồm: Đức, Pháp, Italia, Tây Ban Nha, Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đan Mạch, Thụy Điển, Na Uy, Phần Lan. Theo chính sách mới, công dân các nước này được phép tạm trú tại Việt Nam tối đa 45 ngày kể từ ngày nhập cảnh, không phân biệt loại hộ chiếu hay mục đích chuyến đi.

Đặc biệt, trong khuôn khổ Chương trình kích cầu phát triển du lịch 2025, Chính phủ tiếp tục mở rộng danh sách miễn thị thực cho công dân Ba Lan, Cộng hòa Séc và Thụy Sỹ những động thái tích cực góp phần tạo ra những tín hiệu tăng trưởng rõ rệt về lượng khách quốc tế.

Số liệu từ Cục Thống kê cho thấy 6 tháng đầu năm 2025, Việt Nam đón khoảng 10,7 triệu lượt khách quốc tế, tăng gần 21% so với cùng kỳ năm 2024 và vượt 26% so với năm 2019 – thời kỳ đỉnh cao trước đại dịch.

Chính nhờ nguồn khách quốc tế gia tăng đáng kể kéo theo nguồn cung khách sạn 5 sao mới có xu hướng tăng lên. Thống kê trong nửa đầu năm 2025, nguồn cung mới của Hà Nội bao gồm Dusit Le Palais Tu Hoa ở khu vực Hồ Tây, ghi nhận giá phòng trung bình (ADR) là 124 USD/phòng/đêm. Tỷ lệ lấp đầy trung bình tăng ở cả TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội lên lần lượt là 70% và 67%.

Đến cuối năm 2025, thị trường khách sạn 5 sao tại Hà Nội dự kiến ​​sẽ có thêm khoảng 500 phòng từ ba khách sạn mới. Ngược lại, TP. Hồ Chí Minh dự kiến ​​sẽ không có thêm bất kỳ khách sạn 5 sao mới nào cho đến năm 2027, nhờ đó duy trì ADR và ​​công suất phòng cao hơn.

“Được hưởng lợi từ việc nới lỏng thị thực theo Nghị quyết số 44/NQ-CP và 11/NQ-CP, cùng với sự gia tăng các chuyến bay thẳng từ Châu Âu, Trung Đông và Ấn Độ, cũng như các sự kiện lớn giúp hoạt động du lịch có sự thúc đẩy đáng kể. Điều này thể hiện rõ qua sự tăng trưởng mạnh mẽ của lượng khách du lịch quốc tế, tăng 44% so với cùng kỳ năm trước tại TP. Hồ Chí Minh và 22% tại Hà Nội. Dựa trên nền tảng vững chắc này, phân khúc khách sạn 5 sao sẽ hoạt động tốt đến hết năm 2025 và xa hơn nữa” – ông Sơn Hoàng cho biết thêm.

Theo Thời báo Ngân Hàng

Du lịch không rác thải nhựa

41% du khách Việt xem việc giảm thiểu rác thải nhựa là hành động quan trọng nhất gắn liền với du lịch bền vững.

Thêm nhiều “trợ lực” cho du lịch Đà Nẵng

Từ việc sáp nhập với tỉnh Quảng Nam, du lịch Đà Nẵng đang có thêm nhiều “trợ lực” mới từ các sự kiện, lễ hội, mô hình du lịch xanh,... để phát triển ngành.