Thanh khoản vẫn dồi dào, lãi suất nhiều “cửa” để giảm
Nhận định trên được đưa ra trong Bản tin ngày 12/9 của Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC). Theo BVSC, thanh khoản hệ thống ngân hàng đang ở trạng thái dồi dào, với nguyên nhân chủ yếu là do NHNN bơm một lượng tiền lớn qua nghiệp vụ mua ngoại tệ từ đầu năm đến nay.
[caption id="attachment_33290" align="aligncenter" width="588"]
Lãi suất liên ngân hàng tăng nhẹ sau khi giảm xuống mức thấp kỷ lục trong tuần trước, cho thấy thanh khoản hệ thống ngân hàng vẫn đang ở trạng thái khá dồi dào. Cụ thể, thanh khoản hệ thống liên ngân hàng các kỳ hạn qua đêm, 1 tuần và 2 tuần trong tuần qua lần lượt ở mức 0,69%; 0,83% và 1,06%, tăng nhẹ so với mức thấp kỷ lục trong lịch sử là 0,57%; 0,61% và 0,79% của tuần trước.
Ở một diễn biến khác, BVSC cho biết, lãi suất của kênh tín phiếu kỳ hạn 14 ngày được phát hành trong tuần qua cũng đã ở mức rất thấp, 0,5%/năm, gần bằng lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm, điều này cho thấy nhu cầu huy động vốn của các ngân hàng thương mại qua kênh tín phiếu đang ở mức thấp. Các dấu hiệu trên đều cho thấy thanh khoản hệ thống ngân hàng đang ở trạng thái dồi dào, với nguyên nhân chủ yếu là do NHNN bơm một lượng tiền lớn qua nghiệp vụ mua ngoại tệ từ đầu năm đến nay.
Trong khi đó, tính đến cuối tuần qua, khối lượng huy động trái phiếu Chính phủ đã đạt 98,96% so với kế hoạch đề ra. Như vậy là áp lực phát hành trái phiếu Chính phủ không còn lớn, cho thấy khả năng nguồn vốn dư thừa nằm ở các ngân hàng thương mại bị hút về qua kênh này là không cao.
Như vậy, có thể thấy nếu không có biến động lớn, thanh khoản hệ thống ngân hàng nhiều khả năng vẫn sẽ được duy trì ở trạng thái dồi dào từ nay đến hết năm. “Đây là một yếu tố tích cực, hỗ trợ giảm lãi suất huy động, từ đó giúp các ngân hàng có điều kiện giảm lãi suất cho vay cho doanh nghiệp” – nội dung báo cáo nêu rõ.
Theo BVSC, để lãi suất có thể giảm bền vững, bên cạnh việc thanh khoản hệ thống ngân hàng dồi dào, các ngân hàng cũng cần tăng hiệu quả hoạt động để giảm NIM, kiểm soát và xử lí nợ xấu hiệu quả, ngoài ra yếu tố lạm phát cũng cần quan sát thận trọng trong bối cảnh lạm phát các tháng cuối năm được dự báo có nhiều diễn biến khó lường…
Tuy nhiên, BVSC cho rằng, cơ hội để lãi suất tiếp tục giảm từ nay đến cuối năm là không cao, đặc biệt trong bối cảnh các ngân hàng tăng huy động kỳ hạn dài nhằm đáp ứng vốn vay trong mùa kinh doanh cao điểm cuối năm, đồng thời tăng huy động vốn trung và dài hạn để đáp ứng quy định cơ cấu lại nguồn theo tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn tại Thông tư 06/2016/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước.
Trước đó, trong báo cáo hồi đầu tháng 9, Ủy ban giám sát tài chính Quốc gia (NFSC) cho biết, mặc dù việc giảm lãi suất cho vay còn gặp một số thách thức do tiến trình xử lý nợ xấu diễn ra còn chậm; tuy nhiên, việc phấn đấu giảm lãi suất cho vay những tháng cuối năm có các yếu tố thuận lợi do:
Thứ nhất, thanh khoản liên ngân hàng dồi dào; thứ hai, tỷ lệ tín dụng/huy động là 84,6%, giảm so với mức 85,7% cuối năm 2015; thứ ba, áp lực tăng lãi suất do yếu tố tỷ giá được giảm thiểu do thị trường ngoại hối ổn định, thứ tư lãi suất trái phiếu Chính phủ tiếp tục giảm ở các kỳ hạn, cùng với việc trái phiếu Chính phủ đã đạt hơn 89% kế hoạch năm sẽ giảm áp lực lên lãi suất ngân hàng.
Theo Châu Huệ (DĐDN)