Sâm giả giá rẻ và lỗ hổng kiểm định

Sâm Ngọc Linh - “quốc bảo” của dược liệu Việt Nam đang được định hướng và kỳ vọng mang lại hàng tỉ đô la trong tương lai không xa. Thế nhưng, giấc mơ ấy đang bị đe dọa bởi nạn hàng giả, hàng nhái và những lỗ hổng trong quản lý, kiểm định.
Du khách Hàn Quốc tham quan phiên chợ sâm Ngọc Linh tại huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: Nguyễn Hoàng

Tình trạng trà trộn sâm giả

Anh Hồ Văn Nên - một hộ trồng sâm lâu năm ở xã Trà Linh, huyện Nam Trà My - liên tục nhận được các cuộc gọi hỏi mua “sâm Ngọc Linh xịn” với giá chỉ trên 10 triệu đồng/kg. Điều đáng nói, người mua khẳng định đã mua sâm từ chính… anh Nên.

“Họ gửi ảnh, tôi nhìn là biết ngay hàng giả. Không phải sâm của tôi, cũng chẳng phải sâm Ngọc Linh. Họ lợi dụng tên tôi để bán hàng dỏm”, anh Nên bức xúc.

Tình trạng mạo danh, trà trộn sâm giả đang diễn ra phổ biến tại “thủ phủ” sâm Nam Trà My. Từ sâm tươi, rượu ngâm, trà túi lọc đến viên nang, sản phẩm tự xưng “sâm Ngọc Linh” xuất hiện tràn lan. Giá dao động từ vài triệu đến vài chục triệu đồng/kg, nhưng hầu hết không được kiểm định hay truy xuất nguồn gốc.

“Người tiêu dùng không phân biệt được thật - giả, mua nhầm hàng kém chất lượng rồi quay lưng với sâm thật. Thiệt hại lớn nhất là người trồng và doanh nghiệp làm ăn nghiêm túc”, ông Trần Văn Mẫn - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My - cảnh báo.

Theo thống kê, huyện Nam Trà My có khoảng 1.500 hộ dân trồng sâm trên hơn 1.200ha, trong đó hơn 1.000ha đã cho thu hoạch. Giá sâm tươi dao động từ 75 đến 100 triệu đồng/kg, thậm chí có củ lên tới 200 triệu đồng. Tuy nhiên, ngay cả tại các phiên chợ sâm do chính quyền tổ chức, giá bán hiện nay cũng đã giảm gần một nửa so với vài năm trước.

Thiếu công cụ kiểm định

Một trong những nguyên nhân lớn khiến sâm giả hoành hành là thiếu công cụ kiểm định chất lượng tại chỗ.

Ông Trịnh Minh Quý - Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật Nông nghiệp huyện Nam Trà My - cho biết, hiện nay địa phương không có thiết bị giám định ADN hay phòng xét nghiệm hoạt chất.

“Chúng tôi chỉ phân biệt bằng mắt thường: độ mềm, màu củ, vết sẹo… Nhưng hàng giả giờ được chế biến rất tinh vi, hình dáng rất giống. Không có thiết bị, không có quy chuẩn giám định thì không thể bảo vệ được thương hiệu”, ông Quý nhấn mạnh.

Ông Quý đề xuất cần đầu tư ngay một phòng kiểm nghiệm tại địa phương, đồng thời ứng dụng công nghệ mã hóa nguồn gốc để truy xuất lô hàng từ vùng trồng đến sản phẩm cuối cùng.

Trong khi đó, chi phí kiểm định hiện quá cao, thời gian kéo dài, khiến người trồng nhỏ lẻ và doanh nghiệp vừa và nhỏ khó tiếp cận. Điều này vô hình trung mở đường cho hàng giả lũng đoạn thị trường.

Trong năm 2024, tỉnh Quảng Nam đã phê duyệt hơn 1.800 tỉ đồng cho chương trình phát triển Sâm Việt Nam đến năm 2030. Nội dung chính gồm quy hoạch vùng trồng, cấp mã số, xây dựng trung tâm kiểm định, hỗ trợ truy xuất nguồn gốc bằng QR code, tem chống giả…

Tuy vậy, thực tế hệ thống phân phối sâm thật vẫn chủ yếu dựa vào hình thức mua bán tay ngang. Thiếu sàn giao dịch, trung tâm đấu giá, chuẩn hóa nhận diện… khiến người tiêu dùng dễ bị đánh lừa, còn người trồng thì thiệt đơn thiệt kép.

Ông Nguyễn Đức Lực - Chủ tịch Hội sâm Ngọc Linh Quảng Nam, Giám đốc Công ty TNHH Sâm Sâm - thẳng thắn: “Hiện chưa ai bị xử lý hình sự vì bán sâm giả. Trong khi đó, thiệt hại với doanh nghiệp và nông dân là không thể đo đếm. Một khi lòng tin mất đi thì khó mà lấy lại được”.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - ông Hồ Quang Bửu - cho rằng, muốn bảo vệ thương hiệu sâm Ngọc Linh cần kết hợp nhiều giải pháp: Từ hoàn thiện pháp lý, đầu tư hệ thống kiểm định hiện đại, đến xử lý nghiêm hành vi gian lận và đặc biệt là truyền thông định hướng tiêu dùng.

Theo Báo Lao Động

Nửa đầu tháng 5, xuất nhập khẩu đạt hơn 36 tỷ USD

Theo số liệu mới nhất từ Cục Hải quan, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 5/2025 (từ 1 đến 15/5) đạt 36,09 tỉ USD, giảm 6,8% so với nửa cuối tháng 4. Cán cân thương mại trong kỳ thâm hụt 2,32 tỉ USD, dù tính từ đầu năm đến nay vẫn duy trì mức thặng dư.

Đưa nước ta trở thành điểm sáng về nghiên cứu, ứng dụng trí tuệ nhân tạo

AI – Trí tuệ nhân tạo (TTNT) đã trở thành một trong những công nghệ chủ chốt của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và ngày càng nhận được sự quan tâm, đầu tư và đang góp phần thay đổi, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Chúng ta đã ban hành chiến lược về TTNT, phấn đấu đưa nước ta trở thành điểm sáng về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng TTNT trong khu vực và trên thế giới.

Thủ tướng chỉ đạo 'siết' quản lý vùng trồng, phát triển ngành sầu riêng theo hướng bền vững

Trước thực trạng phát triển ồ ạt và rủi ro tiềm ẩn của ngành hàng sầu riêng, Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện 71/CĐ-TTg, yêu cầu tái cơ cấu toàn diện ngành này. Trọng tâm là kiểm soát chặt mã số vùng trồng, phát triển chuỗi sản xuất - chế biến - xuất khẩu theo hướng bền vững, xử lý nghiêm gian lận và đẩy mạnh xúc tiến thương mại nhằm giữ vững vị thế của sầu riêng Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Áp lực mới với xuất khẩu hàng hóa

Sau khi Mỹ và Trung Quốc đạt được thỏa thuận thương mại tạm thời, đơn hàng vận chuyển giữa hai nền kinh tế tăng 300%, khiến giá cước tăng mạnh, gây áp lực cho hàng hóa xuất khẩu.

Video