Rủi ro nào khi Novaland phát hành cổ phiếu cấn trừ nợ?

Với những khoản nợ lớn cộng với phát hành cổ phiếu cấn trừ nợ, liệu Cty CP Tập đoàn Địa ốc Novaland- mã chứng khoán NVL có bị pha loãng trong thời gian tới?Đâu là những rủi ro khi NVL phát hành cổ phiếu để cấn trừ nợ?

Phát hành cổ phiếu để trừ nợ Tại ĐHCĐ ngày 27/4 vừa qua, Tập đoàn cũng đã thông qua về việc triển khai phương án chào bán cổ phần riêng lẻ để cấn trừ nợ. Theo đó, Novaland dự kiến phát hành gần 33,46 triệu cổ phiếu  để hoán đổi toàn bộ khoản vay 60 triệu USD tương ứng 1.367,4 tỷ đồng tại Ngân hàng Credit Suisse AG, chi nhánh Singapore (Báo cáo Tài chính đã kiểm toán năm 2016). Tổng giá trị cổ phiếu phát hành theo mệnh giá gần 334,6 tỷ đồng.
[caption id="attachment_61299" align="aligncenter" width="640"] Rủi ro nào khi Novaland phát hành cổ phiếu cấn trừ nợ[/caption]

Số cổ phiếu này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm kể từ ngày kết thúc đợt phát hành. Thời gian phát hành trong quý 2/2017. Sau phát hành Novalnd dự kiến tăng vốn điều lệ lên gần 6.300 tỷ đồng.

Tỷ lệ hoán đổi cổ phần hợp lý được xác định bởi đơn vị thẩm định giá (Công ty TNHH Dịch vụ Tư vấn Tài chính kế toán và kiểm toán phía Nam (AASCs)) thực hiện vào ngày 17/3/2017 là 62.924 đồng/cổ phần. Tuy nhiên, tỷ lệ hoán đổi thực tế được tính toán theo các điều khoản của Hồ sơ tín dụng đã ký kết giữa Novaland và Credit Suisse AG vào thời điểm tháng 6 năm 2016 là 40.867 đồng/cổ phần.

Theo các chuyên gia, việc phát hành cổ phiếu để cấn trừ nợ là 1 trong những biện pháp cực chẳng đã của DN. Điều này tác động trực tiếp lên lượng cổ phiếu mà Novaland đang lưu hành.

Theo nhận định của các chuyên gia, với sự tăng trưởng chậm của BĐS mà đặc biệt là phân khúc hạng sang, cao cấp đang ngày càng trầm lắng,sẽ khiến cho doanh thu cũng như những mục tiêu mà Novaland đưa ra khó có thể đạt được trong năm 2017.

Ngoài sự ảnh hưởng của khoản vay nợ lớn để thực hiện các dự án thì hiện Tập đoàn có khoảng hơn 52,6 triệu cổ phiếu chuyển đổi trong năm 2017 sẽ khiến cho lượng cổ phiếu tăng thêm 9% so với tổng số lượng cổ phiếu đang lưu hành. Với ước tính giá chuyển đổi giao động trong khoảng 40.000 -41.000 đồng/cổ phiếu. So với thị giá hiện tại là 69.100 đồng/cổ phiếu tức là thấp hơn khoảng 68%-72%.

Như vậy trong thời gian tới, xu hướng giá cổ phiếu của Tập đoàn có thể sẽ giảm khi lượng cổ phiếu này được tung ra để cấn trừ nợ.

Ông Nguyễn Hồng Hà- Chuyên gia phân tích tài chính khuyến cáo rằng: “Khi “mùa báo cáo tài chính” sắp đến là lúc mà sự phân hóa của các nhóm ngành sẽ diễn ra một cách rõ rệt nhất. Vì vậy, các nhà đầu tư cần thận trọng với những cổ phiếu đã tăng trưởng khá nóng và những cổ phiếu của các DN có khoản vay lớn như Novaland phát hành để cấn trừ nợ…

Dao hai lưỡi

Các chuyên gia tài chính cho rằng không riêng gì Novaland mà hầu hết các DN nhận phát hành cổ phiếu chính là các chủ nợ hoặc đối tác chiến lược, cổ đông hiện hữu... Do đó việc phát hành thêm sẽ không thu tiền mới về và trả nợ vay.

Về mặt lý thuyết, nếu thành công thì chiến lược này sẽ có lợi cho DN đang mang nợ rất nhiều, giúp các DN nhanh chóng giảm được nợ và giảm chi phí lãi vay, có được báo cáo tài chính “sáng sủa”. Đồng thời, hầu như Novaland cũng như các DN không tốn kém thêm các khoản chi phí nào cho việc phát hành này.

Tuy nhiên, vấn đề cốt lõi là sau việc phát hành thêm để cấn trừ nợ này thì tình hình tài chính của DN được cải thiện tốt đẹp hơn không?

Thống kê  cho thấy dù nợ có giảm xuống sau khi phát hành. Tuy nhiên, chi phí lãi vay thì không hẳn lúc nào cũng giảm cùng, mà thậm chí còn tăng lên.

Điều này còn tùy thuộc vào việc giảm nợ dài hạn hay ngắn hạn và thời điểm đến hạn phải trả của khoản nợ. Nếu nợ giảm là nợ ngắn hạn thì DN sẽ giảm được chi phí lãi vay ngay sau thời điểm phát hành hoặc trong năm phát hành (do nợ ngắn hạn được quy định là dưới 1 năm).

Chuyên gia chứng khoán Nguyễn Hữu Hoè cho rằng, bản chất của việc phát hành cổ phiếu cấn trừ nợ là DN không thu được dòng tiền mới, không thu được “tiền tươi thóc thật” nên các DN không có điều kiện đầu tư mở rộng hoạt động sản xuất - kinh doanh như việc phát hành huy động vốn thông thường. Hiệu quả kinh doanh khó nâng lên trong khi vốn điều lệ tăng lên, khiến thu nhập trên mỗi cổ phiếu (EPS) trong tương lai có thể giảm.

Do vậy dự báo cổ phiếu Novaland trong tương lai giảm là có lý do của nó. Điều này khiến cổ đông có cơ sở để lo ngại việc DN niêm yết huy động tiền cổ đông để trả nợ hoặc dùng chính cổ phiếu để cấn trừ nợ. Dù rằng, DN lấy lý do rất chính đáng là “cứu” DN, nhưng việc phát hành đó sẽ khiến EPS trong năm tới, thậm chí vài năm tới luôn loanh quanh ở mức thấp. Những nhà đầu tư dài hạn ít có hy vọng về cổ tức, giá cổ phiếu vì thế khó có cơ hội phục hồi bền vững.

Thực tế cho thấy, không riêng gì Novaland mà nhiều DN khác phát hành cổ phiếu theo hình thức cấn trừ nợ  nhằm giảm áp lực trả nợ. Tuy nhiên, các cơ quan quản lý thị trường cần có sự giám sát chặt chẽ để bảo vệ quyền lợi của các cổ đông nhỏ lẻ khi DN lạm dụng hình thức này và cổ đông cần sáng suốt khi đầu tư cổ phiếu vào các DN như đã phân tích ở trên…

Tags:

Kỳ vọng gì trên thị trường chứng khoán tháng 5?

Giữa “vùng trũng” thông tin và áp lực vĩ mô, thị trường chứng khoán tháng 5 đặt kỳ vọng vào hệ thống KRX như một bước đệm cho sự minh bạch và ổn định dài hạn.

Video