Rà soát cơ sở lưu trú: Không nhằm “bắt lỗi” doanh nghiệp du lịch
Đợt kiểm tra thí điểm đầu tiên trong chiến dịch tổng rà soát các khách sạn từ 3 – 5 sao tại Đà Nẵng, Quảng Nam, Khánh Hòa, Bình Thuận diễn ra từ ngày 5 – 7/9 vừa khép lại. Hoạt động này không nhằm “bắt lỗi” các cơ sở lưu trú, mà nhằm thay đổi nhận thức, tư duy của những người làm du lịch, để tiến tới mỗi công dân Việt sẽ là một đại sứ du lịch.
[caption id="attachment_33425" align="aligncenter" width="660"]
Giới chuyên môn cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, chủ trương lựa chọn dịch vụ lưu trú làm khâu đột phá để thay đổi diện mạo du lịch Việt của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện là đúng và khả thi. Thực hiện chủ trương này, Tổng cục Du lịch đã khởi động chiến dịch tổng kiểm tra, rà soát hệ thống cơ sở lưu trú trên toàn quốc, tập trung vào phân khúc cơ sở lưu trú du lịch hạng 3 – 5 sao.
Chọn dịch vụ lưu trú làm khâu đột phá
Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Ngô Hoài Chung, trong chuỗi giá trị du lịch thì dịch vụ lưu trú ở vị trí trung tâm, với vai trò cơ bản và nòng cốt cho phần lớn các chuyến đi. Tác động vào khâu này chính là giải quyết phần lõi của vấn đề. “Chúng ta đã có Bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề du lịch quốc gia là căn cứ pháp lý để rà soát, đánh giá, xem xét và kiểm tra hoạt động dịch vụ lưu trú. Bộ tiêu chuẩn này đã quy định chi tiết đến từng hạng mục kỹ thuật như: Cơ sở vật chất, trang thiết bị, dịch vụ, kỹ năng, nguồn nhân lực, trang thiết bị đảm bảo an toàn… Việc lựa chọn phân khúc cơ sở lưu trú du lịch 3 – 5 sao là để khẳng định chất lượng thương hiệu, uy tín chất lượng của ngành du lịch, đồng thời thể hiện sức mạnh cạnh tranh của du lịch Việt trong khu vực và quốc tế” – ông Chung nói.
Ông Chung cũng cho biết thêm, theo Chiến lược phát triển du lịch đến năm 2020, tầm nhìn 2030, chúng ta đã xác định xây dựng ngành du lịch hiện đại, đủ sức cạnh tranh với du lịch khu vực và quốc tế. Chính vì vậy, việc lựa chọn cơ sở lưu trú cao cấp để chấn chỉnh, chuẩn hóa, nâng cao chất lượng dịch vụ để đem đến sự hài lòng cho du khách là hoàn toàn phù hợp.
Thời gian qua, hệ thống cơ sở lưu trú du lịch ở nước ta không ngừng tăng trưởng cả về chất lẫn lượng. Hiện nay, cả nước có tổng số hơn 20.100 cơ sở lưu trú với 400.000 buồng, trong giai đoạn 2010 – 2015, số khách sạn cao cấp từ 3 – 5 sao đã tăng gấp đôi, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và sức hấp dẫn của du lịch.
Tuy nhiên, trong khi phần lớn cơ sở lưu trú du lịch, nhất là các khách sạn 4 – 5 sao thường xuyên duy trì chất lượng dịch vụ, đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất, đào tạo nâng cao kỹ năng nghề cho đội ngũ nhân viên, thì có không ít cơ sở lưu trú sau khi được Tổng cục Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Du lịch xếp hạng đã buông lỏng quản lý, không duy trì được sự đồng bộ về cơ sở vật chất, đảm bảo chất lượng dịch vụ, một số cơ sở lưu trú không đảm bảo vệ sinh môi trường, nhân viên thiếu chuyên nghiệp, thái độ ứng xử với du khách thiếu lễ phép, thân thiện. Tình hình trên mặc dù không phổ biến nhưng đã ảnh hưởng đến tính chuyên nghiệp, uy tín và hình ảnh của du lịch Việt Nam.
Giải pháp quyết liệt
Để khắc phục tình trạng này, từ đầu năm đến nay, Tổng cục Du lịch đã ra quyết định thu hồi quyết định công nhận hạng đối với 17 khách sạn, trong đó có 5 khách sạn 4 sao, 12 khách sạn 3 sao và hạ hạng sao của 1 khách sạn từ 4 sao xuống 3 sao.
Trong đợt kiểm tra các khách sạn từ 3 – 5 sao tại Đà Nẵng và Quảng Nam vừa qua, đoàn công tác đã cảnh cáo 5 khách sạn 3 sao tại Đà Nẵng, cho thời hạn sau 3 tháng phải khắc phục, hoàn thiện, nâng cao chất lượng dịch vụ, cơ sở vật chất và những tồn tại đã được chỉ ra. Nếu sau 3 tháng không chuyển biến, Tổng cục sẽ đề xuất thu hồi công nhận hạng sao. “Đây là bước “cầm cương” quyết định về chất lượng, đảm bảo sự ổn định về đẳng cấp dịch vụ, từ đó hứa hẹn hiệu quả và thương hiệu cho ngành du lịch” – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu nhấn mạnh.
Kiểm tra tại Khánh Hòa và Bình Thuận, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Ngô Hoài Chung cho biết, đoàn công tác đã đề xuất thu hồi hạng 3 sao của 1 khách sạn. Đồng thời, ra văn bản khuyến cáo, đình chỉ 3 tháng đối với 3 khách sạn 3 sao. Ngoài ra, đoàn cũng nhắc nhở 2 khách sạn 3 sao, yêu cầu nâng cao chất lượng dịch vụ và đảm bảo cơ sở vật chất phù hợp với hạng sao đã được công nhận.
Ngoài chiến dịch rà soát, chấn chỉnh các cơ sở lưu trú trên toàn quốc, ông Chung cho biết thêm, Tổng cục sẽ phối hợp với các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Du lịch, các đơn vị trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đổi mới công tác quản lý cơ sở lưu trú du lịch. Đồng thời, triển khai 3 giải pháp: Thứ nhất là tổ chức hội nghị quán triệt, nâng cao nhận thức về chất lượng dịch vụ lưu trú du lịch; Tiếp tục thanh kiểm tra các cơ sở lưu trú du lịch; Tập trung rà soát cơ sở vật chất kỹ thuật, đội ngũ lao động, VSMT, ATTP, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm.
Thứ hai, chỉ đạo, hướng dẫn và hỗ trợ các cơ sở lưu trú đẩy mạnh và duy trì hiệu quả việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề và thái độ ứng xử cho nhân viên, năng lực quản trị khách sạn, khắc phục tình trạng thiếu hụt và yếu kém về nhân lực tại các cơ sở lưu trú du lịch.
Thứ ba, tổ chức thông tin, quảng bá về các cơ sở có chất lượng tốt để tôn vinh và khuyến khích thị trường lựa chọn, và ngược lại thông qua truyền thông gửi thông điệp rõ ràng về những cơ sở chất lượng kém để bảo đảm quyền lợi cho du khách. Đồng thời thiết lập đường dây cung cấp, tiếp nhận, xử lý thông tin phản hồi từ khách du lịch.
Theo Nam Phong (Enternews)