Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Doanh nghiệp cần tháo gỡ thế nào chứ không cần văn bản

Đó là ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc đối thoại trực tiếp được tổ chức ngày 13.5 ở Hà Nội giữa đại diện các doanh nghiệp (DN) thủy sản với lãnh đạo các Bộ KHCN, Công Thương, Tư pháp…

DN thuỷ sản nêu những vướng mắc lên quan hoạt động quản lý của các bộ: Y tế, Tài chính, TNMT về tiêu chuẩn nước thải; quy định an toàn thực phẩm; phí, lệ phí trong lĩnh vực nông nghiệp.

Mới cải thiện bằng… văn bản

Mở đầu đối thoại, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết: Thủ tướng đã nhiều lần nhắc tới yêu cầu xây dựng Chính phủ hành động, kiến tạo, đã ra nhiều văn bản, chỉ thị, đều nói rất rõ phải cải thiện môi trường kinh doanh và thực hiện các biện pháp hỗ trợ DN phát triển. Trong thực tế, ngoài các hội nghị thì Thủ tướng đã tổ chức Tổ công tác đặc biệt, các Phó Thủ tướng đi công tác, tới các bộ, ngành, địa phương để có nhiều phương thức làm việc nhằm cải thiện môi trường kinh doanh.

“Là người theo dõi trực tiếp, khi xem xét một số vấn đề, tôi thấy có nhiều vấn đề các bộ báo cáo đã hoàn thành, nhưng thực chất mới có văn bản trả lời hoặc có văn bản theo đúng thời hạn nhưng nội dung thì rất nhiều vấn đề DN vẫn không thông, vẫn tiếp tục kiến nghị. Nếu kể số cuộc họp, số văn bản thì thấy làm nhiều, nhưng DN, xã hội cần vấn đề tháo gỡ thế nào chứ không cần văn bản” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Nói về các kiến nghị của Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) Phó Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Văn Tùng cho biết:Hiệncó 3 kiến nghị chủ yếu liên quan các quy định về công bố hợp quy và quy chuẩn An toàn thực phẩm (ATTP). Trong đó VASEP kiến nghị bỏ toàn bộ quy định của Nghị định 38 về công bố phù hợp về ATTP với lý do Luật ATTP không quy định, dẫn theo một số quy định và đang gây khó khăn cho DN khi mất thời gian tới 15 ngày.

Thứ hai là cần đơn giản hóa thủ tục hành chính, tiếp nhận văn bản công bố hợp quy về ATTP, giảm thời gian tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ, cấp giấy chứng nhận hợp quy về ATTP. Và kiến nghị thứ ba liên quan đến phân công trách nhiệm của Bộ Y tế, Bộ NNPTNT, Bộ Công Thương trong việc tiếp nhận bản công bố hợp quy thuộc lĩnh vực, nhóm mặt hàng thực phẩm thuộc phạm vi quản lý để đảm bảo nguyên tắc 1 cửa, 1 DN chịu sự quản lý của một bộ.

Về kiến nghị thứ nhất của VASEP đề nghị bỏ toàn bộ quy định về công bố phù hợp theo Nghị định 38, căn cứ Luật ATTP, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường xác nhận: Kiến nghị này hợp lý, bởi Luật chỉ yêu cầu công bố quy chuẩn. Bộ Y tế có một loạt thông tư, trong đó có mức giới hạn, ví dụ như danh mục thuốc thú y dùng trong thực phẩm (67 loại), thuốc bảo vệ thực vật, trước đây để ở thông tư. Bộ tiếp thu ý kiến của VASEP và chuyển sang quy chuẩn, đúng Luật ATTP mà vẫn tiếp thu ý kiến của VASEP.

Thủ tục còn làm khó doanh nghiệp

Theo Phó Tổng thư ký VASEP Nguyễn Hoài Nam, về thủ tục nhận cấp giấy liên quan tới người dân và doanh nghiệp, Nghị định 38 quy định trong vòng 15 ngày sẽ cấp giấy thông báo. Tuy nhiên, DN nộp và chờ, nhưng cận 15 ngày khi DN lên hỏi thì mới nói là hồ sơ không đạt, làm lại từ đầu. Hồ sơ thủy sản 5 năm qua tăng rất nhiều, các DN làm hàng trăm mặt hàng gặp phải tình huống này rất mất thời gian.

Phản ứng về điều này, Thứ trưởng Trương Quốc Cường cho rằng, luật quy định, trong vòng 15 ngày phải công bố, trả lời cho DN về việc tiếp nhận công bố hợp quy ATTP của DN là hợp lý vì cần phải có thời gian thẩm định, kiểm tra, đối chiếu, so sánh.

“Tiền kiểm là kiểm tra trên hồ sơ hay mẫu? Luật quy định tối đa 15 ngay và nếu mình làm có phân chia được loại mặt hàng nào có thời gian kiểm tra nhanh hơn, loại nào lâu hơn hay không? Làm sao để nhận hồ sơ phải kiểm ngay, không để tình trạng sát đến ngày mới thông báo cho người làm. Bản chất việc công bố hợp quy ATTP là Nhà nước chịu trách nhiệm hay DN tự chịu trách nhiệm?”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu vấn đề với lãnh đạo Bộ Y tế.

Theo giải thích của ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục ATTP, bản chất cơ quan quản lý không chỉ nhận nộp hồ sơ mà phải căn cứ đối chiếu từng danh mục chỉ tiêu về phụ gia thực phẩm, hàm lượng kim loại nặng, các chỉ tiêu kiểm nghiệm có phù hợp hay không. Nếu bản công bố hợp quy do bên thứ ba đánh giá thì thời gian chỉ tối đa 7 ngày nhưng đa số các DN tự công bố, đánh giá tức là khai như thế nào thì phải cùng các cơ quan xem xét lại bản công bố hợp quy.

Trước đề nghị của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam muốn Cục trưởng Nguyễn Thanh Phong thống kê cụ thể tỉ lệ hồ sơ phải trả lại chiếm bao nhiêu phần trăm, ông Phong khẳng định, tỉ lệ phải sửa của DN là rất lớn. Bởi từng loại sản phẩm, từng phụ gia, từng chỉ tiêu có quy định khác nhau, mức giới hạn khác nhau.

Về vấn đề quy định thời hạn 15 ngày phải trả hồ sơ, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh nêu nhận xét: "Có 2 thời hạn, thời hạn thứ nhất là đủ hồ sơ chưa và thời hạn xem xét hồ sơ đã đủ rồi là bao lâu. Ví dụ thời hạn 15 ngày thì với một số công chức không thực sự thành tâm với DN, họ đợi 15 ngày rồi nói là không đủ”.

Trước những ý kiến nêu trên, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu: Qua cuộc đối thoại hôm nay đã thấy rõ hơn bức tranh thực tế. Chúng tôi đề nghị đại diện các bộ hôm nay nghe rồi về báo cáo lại.

Theo Công Thắng - Lao động

Tags:

Nhiều chỉ số kinh tế tăng trưởng tích cực

Nhiều chỉ số kinh tế trong 2 tháng đầu năm 2025 tăng trưởng tích cực nhưng so với kịch bản để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 8% trong năm 2025 thì chưa đạt như kỳ vọng.

Video