Phát triển doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ: “Hạ nhiệt” nhập siêu
Ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) hiện đóng vai trò quan trọng trong công cuộc xây dựng đất nước. CNHT sẽ là bài toán căn cơ để giải quyết tình trạng nhập siêu cũng như tạo sức hút để thu hút đầu tư quốc tế, đặc biệt là các DN Nhật Bản và các nước có nền công nghiệp tiên tiến, hiện đại, từ đó góp phần không nhỏ vào việc đưa Việt Nam trở thành nước công nghiệp.
[caption id="attachment_31627" align="aligncenter" width="588"]
Thời gian qua, Chính phủ đã hết sức quan tâm chỉ đạo các cấp ngành và cộng đồng DN quyết tâm tập trung vào phát triển ngành CNHT. Với nhiều chính sách ưu đãi cũng như định hướng rất cụ thể, cộng đồng DN triển khai cụ thể hóa nhiệm vụ đầu tư, SXKD ngành công nghiệp đặc biệt quan trọng này.
Cần chính sách thúc đẩy CNHT
Việc triển khai hóa định hướng chỉ đạo của nhà nước trong việc phát triển bằng được các lĩnh vực thuộc ngành CNHT là nhiệm vụ hết sức đúng đắn, chính xác của nhà nước và phù hợp với lợi ích của DN bởi chính sự thiếu hụt các ngành CNHT của DN chính là “thị phần bỏ ngỏ” đầy tiềm năng tại thị trường Việt Nam và từ đó có thể “len chân” vào thị phần CNHT của thế giới.
Theo số liệu ước tính, các sản phẩm CNHT ngành chế tạo ô tô nội địa hóa đạt khoảng 5 – 20%; Điện tử khoảng 5 – 10%; Da giầy khoảng 30%; Dệt may khoảng 30%; CNHT cho công nghệ cao 1 – 2%; cơ khí chế tạo khác khoảng 15% – 20%. Tương ứng với điều đó là khối lượng linh phụ kiện cần nhập khẩu hàng năm về Việt Nam lắp ráp, chế tạo, sản xuất để xuất khẩu sẽ là hàng chục tỷ USD (riêng sản phẩm nhập khẩu thuộc ngành Điện tử và ô tô vào khoảng 22 tỷ USD) và nếu Việt Nam tập trung đầu tư sản xuất các sản phẩm linh phụ kiện (CNHT) sẽ tạo ra hàng nghìn nhà máy mới, tạo ra hàng triệu việc làm và giá trị gia tăng rất lớn cho nền kinh tế quốc dân; thúc đẩy sản xuất các sản phẩm góp phần phát triển ngành công nghiệp quốc phòng.
Để ngành CNHT ngày càng phát triển, việc phải sớm ban hành các chính sách ưu đãi cao nhất cho ngành CNHT là rất cần kíp. Thời gian qua Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với sự quan tâm rất lớn, đã ban hành Nghị định số 111/2015/NĐ-CP ngày 03/11/2015 về “Phát triển CNHT”. Tuy nhiên Nhà nước, Chính phủ nên đặc biệt lưu ý khi ban hành chính sách cho CNHT, nếu chính sách đại trà cho cả DN FDI và DN Việt Nam thì các DN Việt Nam đã khó khăn sẽ rất khó khăn trong hội nhập phát triển vào chuỗi sản xuất CNHT toàn cầu. Bản chất là các sản phẩm của DN Việt Nam chưa có đầu ra, vốn kém; công nghệ máy móc chưa tiếp cận được… Tuy nhiên, cũng cần có những chính sách thu hút các DN FDI đầu tư vào Việt Nam và liên kết với các DN Việt Nam cùng sản xuất các sản phẩm CNHT và CNHT phục vụ công nghệ cao.
Tăng cường kết nối
Chính phủ cần sớm thành lập Ban chỉ đạo quốc gia để phát triển CNHT. Lấy công việc cụ thể làm xương sống thực hiện như: Tổ chức gặp gỡ với từng tập đoàn lắp ráp lớn đang có mặt tại Việt Nam; một mặt đề nghị họ đặt hàng để các DN Việt Nam sản xuất một cách cụ thể, chuyển giao hoặc hỗ trợ giới thiệu, chuyển giao các công nghệ máy móc để sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đủ tiêu chuẩn cấp cho chính các tập đoàn này; mặt khác sẽ tiếp tục hỗ trợ các tập đoàn lắp ráp về cơ chế (đất đai, thuế….) hoặc công việc khác để họ song hành cùng trách nhiệm thực hiện. Đồng thời, tổ chức kết nối các “nhóm DN” theo từng ngành nghề CNHT của Nhật Bản, Mỹ, Đài Loan, Hàn Quốc để lôi kéo thu hút họ đầu tư, kinh doanh liên kết cùng các DN Việt Nam sản xuất tại một số KCN chuyên sâu CNHT tại Việt Nam.
Cần tập trung nguồn lực quốc gia và quốc tế để thúc đẩy hỗ trợ các DN vừa và nhỏ Việt Nam. Đặc biệt là các DN tư nhân tiếp cận nguồn vốn ưu đãi trong nước, vốn ODA và vốn vay ưu đãi thương mại khác. Từ đó để các DN Việt Nam thuộc ngành CNHT vay vốn đầu tư công nghệ mới, máy móc trang thiết bị mới, nhà xưởng sản xuất, đào tạo nguồn nhân lực, mua công nghệ quy trình quản lý mới để sản xuất các sản phẩm CNHT và CNHT cho công nghệ cao. Chính phủ cần có quy hoạch chi tiết từng vùng kinh tế CNHT; khu vực vùng kinh tế nào nên phát triển ngành CNHT gì để tránh đầu tư dàn trải lãng phí và cạnh tranh đối kháng nội bộ trong nước với nhau.
Trương Hoàng Hải – Tổng thư ký Hansiba Theo Enternews