Ông Nguyễn Bắc Son: 'Gia đình tôi sẽ sớm khắc phục hậu quả'

HÀ NỘI - Cựu bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho hay gia đình ông sẽ nộp tiền khắc phục hậu quả của hành vi nhận hối lộ 3 triệu USD.

Chiều 20/12 tại TAND Hà Nội, ông Son nói hôm 19/12 đã được gặp gia đình để bàn về việc khắc phục hậu quả. Do vậy, "trong những ngày tới" gia đình ông sẽ sớm nộp tiền.

Cầm tập tài liệu dày, cựu bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son tự bào chữa trong gần 90 phút. Nói "mạnh dạn xin đưa ra những chứng cứ", ông Son cho hay vụ án diễn ra từ lâu nên đến nay có "người nhớ, người không". Người khai đúng, người khai không vì những lý do khác nhau.

Nói do liên quan đồng nghiệp, cấp dưới nên phần bào chữa của ông sẽ "có những điều rất nhạy cảm", ông Son cho hay ông Trương Minh Tuấn "rất ấu trĩ" khi nói được ông hứa hẹn đưa lên làm bộ trưởng. 

Thẩm phán Trương Việt Toàn ngắt lời, cho hay ông Trương Minh Tuấn đã khai "tình tiết này là không đúng" tại phiên xử trước nên giờ không cần đề cập. 

Ông Nguyễn Bắc Son bị đề nghị hình phạt tử hình trong phiên xét xử mở sáng 20/12. Ảnh: TTXVN

Ông Nguyễn Bắc Son bị đề nghị hình phạt tử hình trong phiên xét xử mở sáng 20/12. Ảnh: TTXVN

Thừa nhận hai tội danh truy tố là "đúng người, đúng tội" song ông Son cho rằng HĐXX cần xem xét lại các tình tiết cụ thể. Việc cơ quan công tố cáo buộc ông định hướng và giới thiệu cho chủ tịch MobiFone Lê Nam Trà "chỉ được mua cổ phần AVG" là không chính xác.

Trong cuộc họp của Bộ Thông tin và Truyền thông hồi tháng 2/2015, ông được ông Trà thông báo đang cho xem xét mua một đài truyền hình để phát triển lĩnh vực này. Lúc đó, ông nói ngoài các đài truyền hình khác như My TV, Next TV, VTV cab, MobiFone nên nghiên cứu thêm AVG. "Chủ tịch Lê Nam Trà cũng chỉ khai tôi bảo xem xét mua AVG chứ không khai tôi 'định hướng mua' như cáo trạng quy kết".

Theo ông Son, Bộ Công an có công văn gửi Bộ Thông tin và Truyền thông yêu cầu AVG không bán cho doanh nghiệp nước ngoài mà chỉ được bán trong nước, doanh nghiệp nhà nước mua là tốt nhất.

Với khuyến cáo này, việc ông nói "nghiên cứu mua AVG" cũng là bình thường vì nếu AVG bán cổ phần cho nước ngoài sẽ khó khăn trong quản lý nhà nước. Ngoài ra, ông cũng không bảo Vụ Quản lý doanh nghiệp chỉ đạo MobiFone mua hay không mua AVG, vì thế không có việc chỉ đạo phải hoàn thành dự án trong năm 2015. Sau khi Bộ kế hoạch và Đầu tư đề xuất và được Thủ tướng chấp thuận chủ trương, Bộ Thông tin và Truyền thông mới triển khai. 

Ông Son cho rằng cấp dưới Phạm Đình Trọng (cựu vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp) đã nhiều lần tự làm việc khi không được lãnh đạo bộ uỷ quyền. Ông Trọng tự thống nhất để MobiFone mua AVG với giá 8.900 tỷ đồng. Do đó, đây phải là trách nhiệm cá nhân của ông Trọng. "Ông Trọng đại diện Bộ ký văn bản là không đúng quy định. Việc ký biên bản này khiến MobiFone hiểu lầm Bộ đồng ý mua giá này nên không tiếp tục đàm phán nữa".

Trong lúc tự bào chữa, ông Son liên tục dẫn dữ liệu trong cáo trạng nên 8 lần bị thẩm phán nhắc trình bày ngắn gọn. 

Trong phiên xét xử sáng 20/12, VKSND Hà Nội đánh giá ông Son "chưa ăn năn hối lỗi", đề nghị HĐXX phạt 16-18 năm tù về tội Vi phạm các quy định về quản lý đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng, án tử hình do Nhận hối lộ; hình phạt chung là tử hình.

Tại bản luận tội, VKS đề nghị cần tiếp tục kê biên căn nhà do vợ chồng ông Son đứng tên tại ngõ 36 C1 Lý Nam Đế để đảm bảo thi hành án vì "chưa nộp lại tiền".

Ngày mai, phiên tòa tiếp tục làm việc.

Theo Phạm Dự - Bảo Hà (Vnexpress)

'Ông lớn' cung cấp trái cây Trung Quốc bị điều tra, Bộ Công Thương nêu khuyến cáo với doanh nghiệp Việt

Bộ Công Thương khuyến nghị các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động rà soát các hợp đồng, giao dịch và lô hàng có liên quan đến Công ty hữu hạn cổ phần sản phẩm trái cây Hồng Cửu Trùng Khánh hoặc các doanh nghiệp Trung Quốc đang bị điều tra, nhằm đề phòng rủi ro về tài chính, thanh toán...

Siết chặt kỷ cương, xóa bỏ lãng phí hướng tới một nền hành chính liêm chính và hiệu quả

Chiến lược quốc gia phòng, chống lãng phí đến năm 2035 được thực hiện theo hai giai đoạn, với mục tiêu xuyên suốt là ngăn chặn, xử lý triệt để tình trạng sử dụng lãng phí nguồn lực, xây dựng bộ máy hành chính tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Chính phủ đặt kỳ vọng đến năm 2030, Việt Nam sẽ lọt vào top 50 quốc gia dẫn đầu thế giới về chính phủ điện tử và đứng thứ 3 trong ASEAN về phát triển kinh tế số.

Video