Ông Lê Tấn Hùng bị khởi tố thêm tội Tham ô

Cựu Tổng giám đốc Tổng công ty nông nghiệp Sài Gòn (Sagri) Lê Tấn Hùng vừa bị Bộ Công an khởi tố thêm tội Tham ô tài sản.

Ngày 24/8, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố bổ sung đối với bị can Lê Tấn Hùng (cựu Tổng giám đốc Tổng công ty nông nghiệp Sài Gòn - Sagri) về tội Tham ô tài sản.

Việc khởi tố bổ sung được thực hiện khi cơ quan điều tra xác định ông Hùng cùng một số người khác có dấu hiệu tham ô hơn 13 tỷ đồng trong thời gian điều hành Sagri.

Ong Le Tan Hung bi khoi to them toi Tham o hinh anh 1
Ông Lê Tấn Hùng. Ảnh: Bộ Công an.

Ông Lê Tấn Hùng bị khởi tố, bắt tạm giam hơn 1 tháng trước về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí. Liên quan vụ án này, cảnh sát đã khởi tố, bắt thêm 3 cán bộ khác của Sagri khác gồm cựu Chủ tịch HĐTV Vân Trọng Dũng, nguyên Phó trưởng Phòng Kế hoạch - Đầu tư và cựu Kế toán trưởng Nguyễn Thành Mỹ.

Cơ quan điều tra chưa thông tin cụ thể về vụ án nhưng theo kết luận của Thanh tra TP.HCM, năm 2016, ông Hùng và cấp dưới ký 10 hợp đồng chi hơn 13 tỷ đồng cho hàng chục cán bộ, người lao động đi nước ngoài học tập kinh nghiệm. Tuy nhiên, có 22 người không tham gia chuyến đi.

Kết quả xác minh từ đơn vị xuất nhập cảnh cho thấy 40 trong số 70 người tham gia chuyến đi nước ngoài không có trong danh sách, số còn lại không có thông tin trên hệ thống xuất nhập cảnh.

Thanh tra TP.HCM xác định việc Sagri không tổ chức đi tham quan, học tập kinh nghiệm ở nước ngoài nhưng vẫn thanh toán toàn bộ chi phí hơn 13 tỷ đồng là vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc kế toán. Công ty này có dấu hiệu cấu kết với công ty du lịch lập khống hồ sơ chứng từ nhằm hợp thức hóa vụ việc để hạch toán và quyết toán. Trách nhiệm này thuộc về tổng giám đốc và kế toán trưởng.

Tội Tham ô tài sản - Điều 353 Bộ luật hình sự:

Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý trị giá từ 2 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng, hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm.

Trường hợp phạm tội có tổ chức; Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm; Phạm tội 2 lần trở lên hoặc chiếm đoạt tài sản trị giá từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng thì bị phạt tù từ 7 đến 15 năm

Người tham ô từ 500 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng; Gây thiệt hại về tài sản từ 3 tỷ đồng đến dưới 5 tỷ đồng; Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc khiến doanh nghiệp hoặc tổ chức khác bị phá sản, ngừng hoạt động thì bị phạt tù từ 15 đến 20 năm.

Khoản 4 của tội Tham ô tài sản quy định phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây sẽ bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình: Chiếm đoạt tài sản trị giá 1 tỷ đồng trở lên, hoặc gây thiệt hại về tài sản 5 tỷ đồng trở lên.

Theo Zing

'Ông lớn' cung cấp trái cây Trung Quốc bị điều tra, Bộ Công Thương nêu khuyến cáo với doanh nghiệp Việt

Bộ Công Thương khuyến nghị các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động rà soát các hợp đồng, giao dịch và lô hàng có liên quan đến Công ty hữu hạn cổ phần sản phẩm trái cây Hồng Cửu Trùng Khánh hoặc các doanh nghiệp Trung Quốc đang bị điều tra, nhằm đề phòng rủi ro về tài chính, thanh toán...

Siết chặt kỷ cương, xóa bỏ lãng phí hướng tới một nền hành chính liêm chính và hiệu quả

Chiến lược quốc gia phòng, chống lãng phí đến năm 2035 được thực hiện theo hai giai đoạn, với mục tiêu xuyên suốt là ngăn chặn, xử lý triệt để tình trạng sử dụng lãng phí nguồn lực, xây dựng bộ máy hành chính tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Chính phủ đặt kỳ vọng đến năm 2030, Việt Nam sẽ lọt vào top 50 quốc gia dẫn đầu thế giới về chính phủ điện tử và đứng thứ 3 trong ASEAN về phát triển kinh tế số.

Video