ODA cho giáo dục đào tạo: Đừng biến ưu đãi thành nguy cơ

Nếu nói về nguồn vốn ODA cho giáo dục thì đây là một trong những lĩnh vực cần được ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, nhận định mới đây của Ủy ban văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội đã chỉ ra, hầu hết dự án ODA giáo dục có…vấn đề!

giaoduc

Một số chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực giáo dục cho rằng, muốn đánh giá được hiệu quả và chất lượng sử dụng ODA trong lĩnh vực giáo dục đào tạo và dạy nghề cần phải có các tiêu chí đánh giá. Những tiêu chí này bao gồm các mục tiêu và kết quả sử dụng vốn ODA nói chung, của từng dự án nói riêng cả về định tính và định lượng.

Công khai minh bạch và tăng cường giám sát

Theo báo cáo của Ủy ban văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội (UB VHGD-TTNNĐ), giai đoạn 2004-2014, Việt Nam đã thu hút vốn ODA cho gần 40 dự án ODA với tổng số vốn ký kết đạt xấp xỉ 2,2 tỉ USD. Trong đó vốn vay chiếm khoảng 71,9%, vốn không hoàn lại chiếm 14,5% và 13,6% vốn đối ứng.

Trong giai đoạn này, Bộ GD&ĐT chỉ đạo thực hiện 26 dự án thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo, gồm 10 dự án viện trợ không hoàn lại và 16 dự án vay ưu đãi, với tổng kinh phí được phê duyệt là gần 2 tỉ USD, trong đó có trên 1,3 tỉ USD vốn vay, hơn 300 triệu USD vốn viện trợ và hơn 200 (làm tròn) triệu USD vốn đối ứng. Trong số 26 dự án đã được phê duyệt triển khai, có 14 dự án đã kết thúc và 12 dự án đang triển khai, trong đó dự án có thời gian triển khai dài nhất là đến năm 2019.

Theo báo cáo, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội quản lí 12 dự án ODA thuộc lĩnh vực dạy nghề, gồm 6 dự án sử dụng nguồn vốn không hoàn lại và 6 dự án sử dụng vốn vay với tổng mức đầu tư ước tính là hơn 232 triệu USD, trong đó viện trợ không hoàn lại khoảng hơn 13 triệu USD và vốn đối ứng là hơn 57 triệu USD.

Cũng theo UB VHGD-TTNNĐ, tiến độ thực hiện các dự án ODA cho giáo dục mặc dù đều có kế hoạch, lộ trình, phân kì thực hiện cụ thể nhưng tiến độ triển khai của hầu hết các dự án đều rất chậm trễ, nhất là trong giai đoạn đầu khởi động, dẫn đến gia hạn thực hiện. Một số dự án đầu tư lớn còn bị chậm tiến độ đáng kể như xây dựng trường đại học Khoa học Công nghệ Hà Nội, Dự án xây dựng đại học Việt – Đức, Dự án thành lập 5 trường cao đẳng nghề Việt – Hàn.

Một trong những biện pháp mà UB này lưu ý kiến nghị đó là cần phải công khai minh bạch và chia sẻ thông tin về ODA. Tăng cường năng lực cán bộ quản lí dự án, đặc biệt là cấp địa phương theo hướng chuyên nghiệp và bền vững cũng là đỏi hỏi đặt ra.

Ban phát ODA là “mầm họa cho đất nước”

Mặc dù, khó ai có thể phủ nhận vai trò của nguồn vốn ODA cho phát triển giáo dục đào tạo nói riêng, phát triển đất nước nói chung. Nhờ có nguồn vốn đầu tư bổ sung từ các dự án ODA, cơ hội tiếp cận giáo dục của các đối tượng học sinh vùng sâu, vùng xa và đối tượng có hoàn cảnh khó khăn được mở rộng. Nhiều dự án cơ sở hạ tầng đào tạo đại học, đào tạo nghề được đầu tư xây dựng…

Theo GS Nguyễn Ngọc Trân – nguyên trưởng đoàn giám sát về ODA của UB đối ngoại Quốc hội, ODA là vốn vay, cho dù 15-16% không hoàn lại, và cho dù thời gian ân hạn dài, lãi xuất thấp. Nếu sử dụng không hiệu quả thì vốn sẽ chồng lên vốn, lãi sẽ chồng lên lãi, thế hệ này không trả thì con cháu sẽ phải trả. GS Trân cho rằng, Quốc hội cần đánh giá được hiệu quả và chất lượng sử dụng ODA trong lĩnh vực giáo dục đào tạo và dạy nghề thông qua các tiêu chí đánh giá, từ mục tiêu và kết quả sử dụng vốn ODA nói chung, của từng dự án nói riêng đến từng định tính và định lượng cụ thể.

Ở mức độ mạnh mẽ hơn, TS Trần Du Lịch – Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM cho rằng, cần chấm dứt hoàn toàn việc xem ODA là ban phát rồi chia nhau, đó là cái họa cho đất nước. Việc sử dụng vốn ODA cần khắt khe hơn, bởi vì thực tế với nhiều cam kết ràng buộc nó có thể còn đắt hơn vốn Chính phủ. Đại biểu Trần Du Lịch kiến nghị, Chính phủ nên sử dụng ODA làm “vốn mồi” để tránh rủi ro về tỉ giá và phát huy được thị trường vốn dài hạn trong nước..

Cũng bàn về hiệu quả sử dụng vốn ODA, ông Vương Đình Huệ – Trương ban Kinh tế Trung ương nhận xét, tỉ lệ giải ngân chung của vốn ODA khoảng 63% cho thấy năng lực hấp thụ ODA của quốc gia, ngành, địa phương, dự án còn chậm. Một số chương trình, dự án ODA chưa sát thực tế, phân bổ ODA dàn trải, hiệu quả sử dụng ODA còn thấp, đây là một trong các nguyên nhân tác động đến tính bền vững, an toàn của nợ công, nợ nước ngoài của quốc gia.

ODA trong những năm tới vẫn là một nguồn vốn quan trọng trong lĩnh vực giáo dục đào tạo nói riêng và phát triển đất nước nói chung. Nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn này cũng là vấn đề mà ngành giáo dục đào tạo cần có những thay đổi cơ bản.

Theo DĐDN

Tags:

Việt Nam thúc đẩy tăng trưởng xanh toàn diện

Việt Nam đang từng bước hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng xanh trên cả ba trụ cột: Kinh tế, xã hội và môi trường, nhờ định hướng sớm và nhất quán.

Video