Nikkei: CPTPP - quy mô nhỏ, chuyện lớn
11 nước thành viên quyết tâm theo đuổi một hiệp định nhằm phát triển thương mại trong khu vực kể cả khi Mỹ đã ra đi.
Dù mất đi thành viên lớn nhất, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vẫn tiếp tục. Với sự ủng hộ của lãnh đạo 11 quốc gia còn lại, hiệp định này có thể bắt đầu có hiệu lực vào năm sau.
Đây không còn là thỏa thuận của một năm trước. Mỹ ra đi đồng nghĩa với việc 20 điều khoản theo yêu cầu đàm phán của nước này cũng bị dừng lại. Thỏa thuận giờ có tên là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Mất mát lớn mà không lớn
Tất nhiên, ảnh hưởng đến chiếc bánh kinh tế là không hề nhỏ. Quy mô tổng thể của nhóm giảm từ 2/3 xuống chỉ còn 13% GDP thế giới.
Tuy nhiên, với bản chất mở rộng của nền kinh tế Mỹ, hầu hết các công ty từ TPP 11 đều có quyền tiếp cận dễ dàng với thị trường này. Mỹ đánh thuế khá thấp đối với hầu hết các mặt hàng, trừ dệt may, giày dép và một số sản phẩm nông nghiệp. Bên cạnh đó, công ty từ các quốc gia thành viên có thể tham gia thị trường dịch vụ ở đây và có khả năng đầu tư ngay bây giờ vì quy tắc của CPTPP vẫn phù hợp với các luật hiện hành của Mỹ.
[caption id="attachment_76267" align="aligncenter" width="700"]
Trong thực tế, 20 điều khoản bị tạm ngưng chỉ chiếm 28 trong số 622 trang văn bản đàm phán. Phần còn lại của hiệp định vẫn không bị ảnh hưởng, bao gồm mọi cam kết mở cửa của các thành viên về hàng hoá, dịch vụ và đầu tư, doanh nghiệp nhà nước và mua sắm của chính phủ. 19/30 chương không bị thay đổi và 3 chương khác sửa ít hơn một câu.
Lợi thế mới
Điều khiến CPTPP quan trọng là tính chất sâu sắc, kết nối của các cam kết. Không giống như các hiệp định thương mại tự do (FTA) khác chỉ nhằm mục đích mở cửa giao thương một vài hàng hóa, một phần dịch vụ hay đầu tư; CPTPP phản ánh chính xác hơn cách thức các công ty hoạt động hiện nay.
Thỏa thuận cho phép các công ty liên tục di chuyển hàng hóa, dịch vụ và đầu tư giữa các thị trường thành viên. Điều này không chỉ dành cho các công ty lớn có lợi thế về quy mô mà cả những công ty nhỏ hơn thường phải "vật lộn" với những quy tắc phức tạp trong các thỏa thuận thương mại.
Một vấn đề quan trọng khác là CPTPP bảo vệ đầu tư sở hữu trí tuệ đằng sau sản phẩm của một công ty, từ thương hiệu cho đến đóng gói. Ngoài ra, chính phủ các nước cũng sẽ tăng cường biện pháp để ngăn chặn hàng giả hàng nhái xuất hiện trên thị trường.
Với hàng loạt ưu điểm, Nikkei nhận định CPTPP là thoả thuận thương mại quan trọng nhất trong nhiều thập kỷ. Hiệp định này chắc chắn sẽ tạo ra "luật chơi" cho thương mại trong tương lai.
Theo Nikkei, NDH