Những tín hiệu lạc quan về vốn FDI vào nông nghiệp
Thời gian qua, dòng vốn FDI vào lĩnh vực nông nghiệp của Việt Nam còn nhiều hạn chế, nhỏ cả về quy mô lẫn tỷ trọng vốn đầu tư. Thống kê từ Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho thấy, năm 2014, chỉ có 3% tổng số dự án FDI và gần 1,5% tổng vốn đầu tư FDI đăng ký còn hiệu lực trong lĩnh vực nông – lâm – ngư nghiệp.
Khó từ vốn
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, các dự án FDI vào lĩnh vực nông nghiệp đa phần là các dự án có quy mô nhỏ, trung bình khoảng 6,6 triệu USD trong khi vốn trung bình của một dự án FDI vào khoảng 14,7 triệu USD. Hiện có hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia đầu tư vào lĩnh vực này tại Việt Nam, chủ yếu đến từ khu vực châu Á mà đứng đầu là Đài Loan trong khi các quốc gia có nền công nghệ cao như Mỹ, Nhật Bản, EU thì chưa có nhiều dự án FDI vào nông nghiệp.
Với các doanh nghiệp trong nước, ông Từ Minh Thiện – Phó trưởng ban quản lý Khu Nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM (AHTP) đánh giá rằng, có nhiều khó khăn trong lĩnh vực vốn đầu tư vào nông nghiệp, bởi vai trò của các tổ chức dịch vụ tham gia vào chuỗi cung ứng nông sản chưa rõ nét, các tổ chức và hình thức bảo hiểm trong sản xuất – kinh doanh nông sản hầu như không có. Mặt khác, thói quen và mức độ sẵn lòng chi trả cho dịch vụ bảo hiểm nông nghiệp chưa được người sản xuất nông nghiệp quan tâm, một phần do rủi ro trong sản xuất nông nghiệp vẫn còn nhiều, người sản xuất có tâm lý muốn thu lợi ngay, dẫn đến suy nghĩ chỉ muốn đầu tư ngắn hạn, không muốn phải bỏ thêm chi phí vào các khâu dịch vụ.
Vai trò của các tổ chức tín dụng như quỹ bảo lãnh các doanh nghiệp vừa và nhỏ, quỹ hỗ trợ vốn cho các hợp tác xã, chương trình khuyến khích chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp… vẫn còn thiếu so với yêu cầu thực tế, thời gian hoàn tất các thủ tục để được vay khá dài so với nhu cầu mang tính thời vụ của sản xuất, thủ tục thế chấp ngân hàng vẫn còn là trở ngại đối với các hợp tác xã, các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Do vậy, theo ông Thiện, để nâng cao hiệu quả cung ứng vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh trong nông nghiệp, cần lưu ý đến tính tác động liên hoàn trong chuỗi cung ứng nông sản cho một sản phẩm cụ thể nào đó. Việc liên kết các doanh nghiệp cùng thực hiện một sản phẩm (liên kết ngang) hoặc tạo ra một chuỗi sản phẩm hay một sản phẩm hoàn chỉnh (liên kết dọc) nhằm tạo ra một quy mô đủ lớn sẽ khắc phục được điểm yếu nêu trên. Cách tiếp cận chuỗi cung ứng sẽ cho phép nâng cao hiệu quả sản xuất – kinh doanh, đảm bảo sự bền vững và năng lực cung ứng cũng như khả năng cạnh tranh về giá cả, chất lượng cho từng sản phẩm cụ thể, giúp ngành nông nghiệp kết nối dễ dàng hơn với các chuỗi cung ứng nông sản trên thế giới.
Nguồn vốn từ Nhật
Dầu vậy, với lợi thế là quốc gia có tiềm năng rất lớn về nông nghiệp, có xu hướng nhiều doanh nghiệp nước ngoài đang tìm hiểu, xúc tiến và đầu tư các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào Việt Nam, đặc biệt là nguồn vốn FDI từ Nhật.
Năm 2014, Bộ trưởng Nông lâm nghiệp và Thủy sản Nhật Bản đã có chuyến thăm, làm việc với người đồng cấp tại Việt Nam về hợp tác nông nghiệp giữa hai nước. Sau đó, nhiều đoàn doanh nghiệp tại các địa phương của Nhật đã sang Việt Nam tìm kiếm cơ hội hợp tác, đầu tư. Ông Từ Minh Thiện cho biết, tiềm năng hợp tác về nông nghiệp giữa Việt Nam – Nhật Bản còn rất lớn. Đầu tháng 4 năm nay, một công ty của Nhật đã đến huyện Củ Chi, TP.HCM khảo sát địa điểm lập trại nuôi bò sữa theo công nghệ của Nhật, thử nghiệm khoảng 100 con, sau đó sẽ mở rộng quy mô.
Một lĩnh vực khác cũng có tiềm năng là ứng dụng công nghệ thông tin trong nông nghiệp toàn chuỗi cung ứng theo hướng từ đầu vào đến sản phẩm trên bàn ăn. Đơn cử, tập đoàn NEC của Nhật vừa có chuyến khảo sát tại TP.HCM và các địa phương lân cận để đưa ra công nghệ phù hợp.
Một lãnh đạo doanh nghiệp Nhật vừa có chuyến khảo sát tại TP.HCM đã có đánh giá, ngành nông nghiệp Việt Nam có nhiều tiềm năng, thu hút nhà đầu tư Nhật bởi điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp sản xuất nông nghiệp với nhiều loại nông sản, vị trí địa lý thuận lợi để kết nối các thị trường tiêu dùng lớn, nhu cầu tiêu dùng và phát triển nông nghiệp công nghệ cao của Việt Nam đang có xu hướng tăng mạnh.
Trước đó, vào tháng 3 năm nay, một đoàn doanh nghiệp tỉnh Wakayama do Thống đốc Nisaka Yoshinobu dẫn đầu đã có chuyến khảo sát tại Việt Nam. Một trong những doanh nghiệp hàng đầu thế giới về phát triển công nghệ sản xuất các sản phẩm dầu chế biến từ cám gạo là Suno - đi theo đoàn doanh nghiệp này – bày tỏ mong muốn tìm đối tác Việt Nam để thành lập công ty liên doanh sản xuất, phân phối các sản phẩm giá trị làm từ cám gạo, và dự định sẽ đầu tư nhà máy chế biến tại Long An trong vòng hai năm tới để có thể tận dụng máy móc, công nghệ và kinh nghiệm của chuyên gia Nhật, vừa sử dụng tối đa nguồn nhân lực hiện có của địa phương.
Một doanh nghiệp khác cũng trong đoàn doanh nghiệp tỉnh Wakayama là Liên hiệp nông nghiệp Kihokukawakami đã giới thiệu công nghệ sản xuất các sản phẩm làm từ trái hồng không hạt Nhật Bản, có thể chế biến ra nhiều sản phẩm giá trị gia tăng cao, tác dụng tốt với người cao huyết áp...
Năm 2014 đến nay, ngành nông nghiệp Việt Nam cũng chứng kiến hàng loạt các doanh nghiệp Nhật sang khảo sát, tìm kiếm cơ hội hợp tác.
Ở phía Bắc, Công ty Shii ở tỉnh Miyazaki, Nhật Bản đang nhờ một công ty Việt Nam tìm kiếm cơ hội đầu tư dự án trồng rau công nghệ cao tại Hà Nội, hiện doanh nghiệp này đang tiến hành phân tích thị trường Việt Nam về sản lượng và chính sách đầu tư trước khi quyết định. Trước đó, tại Vĩnh Phúc, hai công ty Always và Veggy của Nhật đã đến tìm hiểu cơ hội đầu tư vào các dự án nông nghiệp sạch, công nghệ cao như dự án chuyên cung cấp rau sạch cho hệ thống nhà hàng Nhật tại Việt Nam và xuất khẩu sang Nhật, doanh thu xuất khẩu năm đầu tiên dự kiến 1 triệu USD. Giai đoạn hai của dự án sẽ mở rộng quy mô từ 5 – 10 ha (giai đoạn 1) lên 50 ha để đáp ứng nhu cầu thị trường.
Hiện Việt Nam – Nhật Bản đang phát triển dự án “tầm nhìn trung và dài hạn trong hợp tác nông nghiệp”, dự kiến được phê chuẩn tại Hội nghị cấp cao chung lần thứ hai diễn ra vào giữa năm nay. Không chỉ tìm kiếm các cơ hội đầu tư dự án nông nghiệp công nghệ cao, nhiều doanh nghiệp Nhật cũng bày bỏ ý định xuất khẩu sang Việt Nam các loại máy móc nông nghiệp phục vụ nhu cầu thị trường ngày càng tăng này.
Theo nhiều chuyên gia, trong khi nguồn vốn trên thế giới đang “ứ đọng” thì việc thu hút đầu tư vào nông nghiệp của Việt Nam sẽ là “chìa khóa vàng” với nguồn vốn FDI. Do vậy, Việt Nam cần tái cơ cấu mạnh mẽ ngành nông nghiệp, khuyến khích và thay đổi chính sách đầu tư vào ngành này.
Theo DN&ĐT