NHNN phát tín hiệu tiếp tục cho vay ngoại tệ, doanh nghiệp “thở phào”
NHNN xác định sẽ tiếp tục cho vay ngoại tệ ngắn hạn, ít nhất tiếp tục triển khai trong năm 2018, để hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, đặc biệt các doanh nghiệp xuất khẩu.
[caption id="attachment_75748" align="aligncenter" width="660"]
NHNN Việt Nam đang lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo Thông tư Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 24/2015/TT-NHNN quy định cho vay bằng ngoại tệ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (gọi tắt là TCTD) đối với khách hàng vay là người cư trú.
“Nới” cho vay ngoại tệ
Theo đó, tại Dự thảo Thông tư, NHNN Việt Nam đề xuất kéo dài thời hạn cho vay ngắn hạn để đáp ứng các nhu cầu vốn ngắn hạn ở trong nước nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu biên giới Việt Nam mà khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu xuất khẩu để trả nợ vay đến hết ngày 31/12/2018.
Được biết, theo Thông tư số 24/2015/TT-NHNN, TCTD được xem xét, quyết định cho vay bằng ngoại tệ ngắn hạn để đáp ứng các nhu cầu vốn ngắn hạn ở trong nước nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu biên giới Việt Nam mà khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu xuất khẩu để trả nợ vay; khi được TCTD giải ngân vốn cho vay, khách hàng vay phải bán số ngoại tệ vay đó cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho vay theo hình thức giao dịch hối đoái giao ngay (spot), trừ trường hợp nhu cầu vay vốn của khách hàng để thực hiện giao dịch thanh toán mà pháp luật quy định đồng tiền giao dịch phải bằng ngoại tệ. Quy định này được thực hiện đến hết ngày 31/3/2016.
Tại Thông tư 31/2016/TT-NHNN, NHNN Việt Nam đã nới thời hạn cho vay ngoại tệ ngắn hạn để đáp ứng các nhu cầu vốn ngắn hạn ở trong nước nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu biên giới Việt Nam mà khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu xuất khẩu để trả nợ vay đến hết ngày 31/12/2017.
Nay NHNN đề xuất tiếp tục nới thời hạn cho vay ngắn hạn ngoại tệ để đáp ứng nhu cầu thanh toán trong nước tới hết năm 2018.
Việc công bố dự thảo và tổ chức lấy ý kiến hoàn thiện triển khai ngay sau khi Thống đốc Lê Minh Hưng trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội ngày 17/11 vừa qua. Cụ thể, tại phiên chất vấn, đại biểu quan tâm về hướng chính sách cho vay ngoại tệ từ năm 2018, sau khi theo quy định hiện hành sẽ chỉ được thực hiện đến 31/12/2017.
Trước quan tâm trên, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, trong lộ trình ổn định tỷ giá và chống đô la hóa, NHNN thực hiện nhóm các giải pháp, trong đó có định hướng chấm dứt quan hệ vay mượn ngoại tệ, chuyển sang quan hệ mua bán, hướng đến ổn định giá trị đồng tiền Việt Nam.
Tuy nhiên, từ thực tiễn yêu cầu của doanh nghiệp, đặc biệt là hỗ trợ cho hoạt động xuất khẩu, thời gian qua NHNN đã giãn thời hạn, tiếp tục mở cơ chế cho vay ngoại tệ ngắn hạn, vì đây là nguồn cho vay có chi phí thấp hơn so với vay bằng VND.
Hỗ trợ doanh nghiệp
Thông tin trên có lẽ sẽ khiến giới doanh nghiệp “thở phào” vì nếu chính sách cho vay ngoại tệ không được thực hiện tiếp, chi phí vay vốn của doanh nghiệp sẽ tăng lên đáng kể.
Hiện tại, lãi suất cho vay USD tại các ngân hàng hiện phổ biến ở mức 2,8 - 6%/năm, tùy kỳ hạn. Trong khi đó, lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thông thường bằng VND ở mức 6,8 - 9%/năm đối với kỳ hạn ngắn hạn; 9,3 - 11%/năm đối với kỳ hạn trung và dài hạn. Chính vì vậy khi được vay ngoại tệ, các doanh nghiệp đang được hưởng lợi từ chênh lệch lãi suất cho vay USD/VND.
Điều này đồng nghĩa với việc doanh nghiệp có thể vay ngoại tệ với lãi suất thấp rồi bán lấy tiền đồng để mua các nguyên liệu trong nước, máy móc thiết bị. Sau đó, doanh nghiệp lại xuất khẩu hàng hóa lấy ngoại tệ để trả nợ ngân hàng.
Theo các chuyên gia ngân hàng, việc nới thời hạn cho vay ngắn hạn ngoại tệ để đáp ứng nhu cầu thanh toán trong nước là cần thiết bởi việc chấm dứt hoạt động này có thể ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động của các doanh nghiệp xuất khẩu, do hiện lãi suất vay ngoại tệ thấp hơn khá nhiều so với lãi suất vay VND.
Để kiểm soát những doanh nghiệp lợi dụng chính sách cho vay ngoại tệ, theo các chuyên gia, NHNN nên đưa ra những quy định như chỉ cho vay đối với các doanh nghiệp xuất khẩu có ít nhất 50% hay 75% doanh thu bằng ngoại tệ.
Về phía NHNN, xác định sẽ tiếp tục cho vay ngoại tệ ngắn hạn, ít nhất tiếp tục triển khai trong năm 2018, để hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, đặc biệt các doanh nghiệp xuất khẩu. Còn định hướng chung và lâu dài vẫn tiếp tục hạn chế kênh tín dụng này, theo lộ trình từng bước chuyển quan hệ vay mượn sang mua bán.
Tính từ năm 2012 đến nay, NHNN đã 2 lần đóng cho vay ngoại tệ nhưng sau đó lại mở để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu. Dù luôn nới thời hạn cho vay, nhưng sự tạm thời của quy định cho vay ngoại tệ đã khiến doanh nghiệp không thể biết được quyết định của NHNN cho năm tiếp theo.
Theo Châu Huệ Enternews