Nhiều sai phạm trong dự án của FLC tại Kon Tum

Theo Kết luận Thanh tra, đã có nhiều sai phạm, tồn tại ở dự án tổ hợp thương mại, vui chơi giải trí và nhà phố do Công ty cổ phần Tập đoàn FLC làm chủ đầu tư tại tỉnh Kon Tum.

Ngày 7-3, như Báo Người Lao Động đã thông tin Thanh tra Chính phủ (TTCP) vừa ban hành kết luận thanh tra các dự án, công trình có dấu hiệu vi phạm pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị và thanh tra việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất tại khu vực đô thị trên địa bàn tỉnh Kon Tum.

Đáng chú ý, trong kết luận thanh tra TTCP nêu hàng loạt sai phạm trong quản lý đầu tư xây dựng đối với một số dự án vốn ngoài ngân sách. Trong đó có dự án tổ hợp thương mại, vui chơi giải trí và nhà phố do Công ty cổ phần Tập đoàn FLC (Công ty FLC) làm chủ đầu tư tại phường Trường Chinh, TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum.

Theo TTCP, dự án được tỉnh Kon Tum giao cho Công ty FLC có diện tích gần 180.000 m2. Tuy nhiên, UBND tỉnh giao Trung tâm phát triển quỹ đất thực hiện việc bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo hình thức đấu giá là sai, vi phạm Khoản 3 Điều 23 Nghị định 151/2017 và Điều 19 của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

Ngày 18-7-2019, UBND tỉnh Kon Tum phê duyệt kết quả trúng đấu giá và ban hành quyết định về việc bán tài sản công cho người duy nhất đăng ký mua. Tại thời điểm thanh tra (tháng 8-2020), Công ty FLC không thực hiện nghĩa vụ tài chính.

Đến ngày 16-9-2020, phía FLC mới nộp tổng số tiền trúng đấu giá là 204 tỉ đồng và tiền phạt chậm nộp là gần 21 tỉ. Như vậy, là vi phạm quy chế đấu giá tài sản và hợp đồng mua bán tài sản nhưng UBND tỉnh đã thiếu kiên quyết, quyết liệt trong việc xử lý hủy kết quả đấu giá.

Bên cạnh đó, trong khi dự án chưa đầu tư hoàn thành, văn phòng đăng ký đất đai tỉnh tham mưu cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Tự ý tách thửa diện tích đất hơn 71.600 m2 thành 474 thửa và cấp riêng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho Công ty FLC với thời hạn lâu dài là không đúng quy định Luật đất đai.

Với những sai phạm trên, UBND tỉnh Kon Tum giải trình nơi đây là địa bàn đặc biệt khó khăn, việc thu hút đầu tư không thuận lợi. Khi có nhà đầu tư lớn, địa phương đã tạo mọi điều kiện và nhiều lần thúc Công ty FLC nộp tiền. Tuy nhiên, do dịch Covid-19 bùng phát, chủ đầu tư bị ảnh hưởng, gặp khó khăn về tài chính.

Thực tế, TTCP làm rõ sau khi trúng đấu giá, Công ty FLC đã đầu tư hoàn thành nhiều hạng mục công trình. Để hỗ trợ cho doanh nghiệp, UBND tỉnh không hủy kết quả phê duyệt trúng đấu giá.

Theo TTCP, trách nhiệm chính để xảy ra những vi phạm trên thuộc Thường trực Tỉnh uỷ, tập thể lãnh đạo UBND tỉnh, Chủ tịch và Phó chủ tịch UBND tỉnh phụ trách, Hội đồng Thẩm định giá đất tỉnh, thủ trưởng các sở, ngành và chủ đầu tư dự án.

Để khắc phục sai phạm, TTCP đề nghị UBND tỉnh Kon Tum yêu cầu chủ đầu tư là Công ty FLC đảm bảo tiến độ dự án. Trường hợp vi phạm tiến độ thì chấm dứt hoạt động, thu hồi đất theo quy định.

TTCP cũng đề nghị tỉnh chỉ đạo thu hồi, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho Công ty FLC theo quy định. Đồng thời, TTCP yêu cầu chủ đầu tư và tổ chức, cá nhân liên quan phải khắc phục toàn bộ sai phạm trước khi tiếp tục thực hiện dự án hoặc đưa vào sử dụng.

Theo Nguyễn Hưởng (Người lao động)

'Ông lớn' cung cấp trái cây Trung Quốc bị điều tra, Bộ Công Thương nêu khuyến cáo với doanh nghiệp Việt

Bộ Công Thương khuyến nghị các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động rà soát các hợp đồng, giao dịch và lô hàng có liên quan đến Công ty hữu hạn cổ phần sản phẩm trái cây Hồng Cửu Trùng Khánh hoặc các doanh nghiệp Trung Quốc đang bị điều tra, nhằm đề phòng rủi ro về tài chính, thanh toán...

Siết chặt kỷ cương, xóa bỏ lãng phí hướng tới một nền hành chính liêm chính và hiệu quả

Chiến lược quốc gia phòng, chống lãng phí đến năm 2035 được thực hiện theo hai giai đoạn, với mục tiêu xuyên suốt là ngăn chặn, xử lý triệt để tình trạng sử dụng lãng phí nguồn lực, xây dựng bộ máy hành chính tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Chính phủ đặt kỳ vọng đến năm 2030, Việt Nam sẽ lọt vào top 50 quốc gia dẫn đầu thế giới về chính phủ điện tử và đứng thứ 3 trong ASEAN về phát triển kinh tế số.

Video