Nhiều đại gia ngoại "nhòm ngó", thị trường bia Việt sẽ chia lại như thế nào?
Việt Nam được coi là thị trường bia “béo bở” đối với nhiều hãng bia lớn trên thế giới với mức tiêu thụ 3,8 tỷ lít bia, đứng đầu Đông Nam Á và thứ ba thế giới, chỉ sau Nhật Bản và Trung Quốc. Đó là lý do thị trường bia Việt thu hút hầu hết các "đại gia" bia ngoại và đang có sự cạnh tranh hết sức khốc liệt để giành giật “miếng bánh” thị phần.
Thị trường sẽ phân chia lại?
Theo thống kê, trong năm 2016, người Việt đã tiêu thụ 3,8 tỷ lít bia, đứng đầu Đông Nam Á và thứ ba thế giới chỉ sau Nhật Bản và Trung Quốc.
Hiện, thị trường bia Việt Nam được chia ra nhiều phân khúc khác nhau, song mỗi phân khúc đều có những ông lớn nắm giữ thị phần chủ đạo. Dòng bia cao cấp chiếm 7% thị phần, với sự thống trị của các hãng bia ngoại như Heineken, Tiger, Sapporo…, dòng bia phổ thông chiếm 60% thị phần, đều do các hãng nội nắm giữ như Habeco, Sabeco, bia Đại Việt…, thị phần còn lại chia đều cho các hãng bia mới. Và cùng với những chiến lược cạnh tranh “gay gắt” của các hãng bia lớn nhỏ đưa ra, thị trường bia thời gian tới chắc chắn sẽ ngày càng “sủi bọt” hơn…
Trong những năm gần đây, sự xuất hiện ngày càng nhiều thương hiệu bia quốc tế tại Việt Nam đã khiến cho sự cạnh tranh trên thị trường bia ngày càng trở nên khốc liệt. Có thể thấy, thị trường bia Việt Nam đang trở nên chật chội hơn khi đã có hơn 30 hãng bia lớn trên thế giới góp mặt.
Đến nay, bia ngoại không chỉ đơn thuần được nhập khẩu mà DN nước ngoài còn tìm đến Việt Nam để xây dựng nhà máy và sản xuất nhằm mục đích tiếp cận thị trường nội địa hiệu quả hơn và tận dụng lợi thế về chính sách thuế.
Trong một báo cáo mới công bố, Euromonitor International gọi Việt Nam là "chiến trường tiếp theo của những nhà sản xuất bia". Kế hoạch bán phần vốn Nhà nước tại 2 tổng công ty bia sẽ mở ra cánh cửa cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường và hâm nóng cuộc chơi này.
Các nhà đầu tư xếp hàng mua lại hai hãng bia nội Sabeco và Habeco đều là những tên tuổi như: Thai Beverage, Singha của Thái Lan, Kirin và Asahi của Nhật Bản, Heineken của Hà Lan và Anheuser-Busch InBev của Bỉ…
Hiện tại, ngành bia Việt đang do bốn công ty lớn thống lĩnh: Habeco, Hue Brewery, Sabeco và Heineken NV. Bốn DN này nắm giữ 90% sản lượng bia bán ra. Theo tính toán, hiện tại Sabeco và Habeco đang nắm giữ 65% thị phần bia Việt Nam với hệ thống phân phối rộng khắp cả nước cũng như hàng loạt nhà máy quy mô hiện đại. Vì vậy, nếu nắm được quyền kiểm soát hai DN này sẽ đồng nghĩa với việc kiểm soát thêm 65% thị phần bia Việt Nam mà không mất quá nhiều công đầu tư mới. Điều này giải thích một phần lý do vì sao Sabeco và Habeco luôn hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài.
Theo Báo cáo của Hiệp hội Bia rượu Nước giải khát Việt Nam nhận định, thị trường bia sẽ có thêm nhiều đợt sóng mới. Đặc biệt, khi quá trình thoái vốn nhà nước tại Sabeco, Habeco được hoàn tất. Khi đó, doanh nghiệp nước ngoài nào nắm được Sabeco sẽ có những chiến lược tạo sóng thị trường. Thậm chí, những con sóng sẽ còn lớn hơn khi thuế suất nhập khẩu bia giảm dần từ 35% xuống còn 0% thông qua TPP. Cục diện thị trường có thể sẽ xoay chuyển với cán cân nghiêng hẳn về khối doanh nghiệp ngoại.